Nhà phân phối Mercedes Haxaco: 'Vỡ mộng' khu phức hợp Cameco 700 tỷ

Nhà phân phối Mercedes Haxaco: 'Vỡ mộng' khu phức hợp Cameco 700 tỷ

Thứ 4, 12/10/2016 10:21

Những tưởng thâu tóm CTCP Cơ khí ô tô Cần Thơ sẽ mở đường cho Haxaco thực hiện dự án Khu phức hợp Cameco với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nhưng cho đến nay, Haxaco vẫn phải “ngậm quả đắng”.

"Ôm mộng” đất vàng Cần Thơ

CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh – Haxaco (HOSE: HAX) nổi tiếng là nhà phân phối đầu tiên của Mercedes-Benz Việt Nam, cho đến nay đã có kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh dòng xe ô tô sang trọng bậc nhất thế giới này.

Quy mô vốn và tài sản của Haxaco vài năm gần đây không có sự thay đổi đáng kể kể từ lần tăng vốn năm 2011 lên 111,2 tỷ đồng, công ty có một công ty con duy nhất là CTCP Cơ khí Ô tô Cần Thơ (CAMECO) với tỷ lệ sở hữu là 75,74%.

Mặc dù luôn định hướng tập trung vào việc thúc đẩy phân phối dòng xe với thương hiệu “ngôi sao ba cánh” Mercedes-Benz nhưng Haxaco lại tích cực nâng tỷ lệ sở hữu tại CAMECO – nhà phân phối xe Mitsubishi tại Cần Thơ.

Hoạt động của Cameco không có gì nổi bật về tình hình kinh doanh với lợi nhuận chỉ xấp xỉ 1 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2007, thông tin về dự án Khu cao ốc văn phòng CAMECO được UBND TP Cần Thơ phê duyệt đã tạo nên sức hút mới cho doanh nghiệp có vốn chỉ 10 tỷ đồng này.

Tài chính - Ngân hàng - Nhà phân phối Mercedes Haxaco: 'Vỡ mộng' khu phức hợp Cameco 700 tỷ

Khu phức hợp Cameco do CTCP Cơ khí ô tô Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến gần 700 tỷ đồng. 

Khu phức hợp Cameco được CAMECO dự kiến đầu tư gần 700 tỷ đồng, xây dựng trên lô đất hơn 6.000 m2 tại số 102 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều làm khu cao ốc văn phòng với thiết kế có chiều cao 83,1 m; gồm 2 khu: khu A với 17 tầng nổi và 1 tầng hầm, khu B với 18 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Từ tháng 4/2008, Haxaco bắt đầu kế hoạch thâu tóm CAMECO bằng việc mua lại 549.363 cổ phần – tương ứng 54,94% vốn của doanh nghiệp này. Dự án Cameco Building cũng bắt đầu được Haxaco ấp ủ và xuất hiện trong chiến lược đầu tư hàng năm.

Haxaco liên tục rót thêm tiền vào CAMECO nhằm mục đích tăng vốn điều lệ đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu để năm quyền điều hành tại đây. Cụ thể tỷ lệ sở hữu của Haxaco tại CAMECO năm 2009 là 58%, năm 2010 tăng lên 66,5%; năm 2011 là 72,62% và hiện tại là 75,74%.

Thua lỗ triền miên

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình kinh doanh của CTCP Cơ khí ô tô Cần Thơ thời gian vừa qua đồng thời theo dõi những diễn biến mà Haxaco phải “vật lộn” với khoản đầu tư này cho thấy đây dường như là bước đi sai lầm.

Thứ nhất, điểm hấp dẫn nhất của CTCP Cơ khí Ô tô Cần Thơ là Khu phức hợp dự án Cameco tại 102 đường Cách Mạng Tháng Tám.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2010, Tổng giám đốc Haxaco vẫn hứa hẹn với các cổ đông về việc dự án sẽ sớm được triển khai xây dựng khi tìm được đối tác chiến lược nhằm đón đầu cơ hội phát triển ở khu vực này sau khi cầu Cần Thơ chính thức thông xe.

Tuy nhiên, sau 6 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư (từ năm 2007) và 3 năm sau khi nhận giấy phép xây dựng, CAMECO hoàn toàn chưa có động thái nào tại khu đất trên trừ việc ghi nhận chi phí khảo sát xây dựng dự án với giá 1.020 triệu đồng.

Thậm chí, Cameco còn chưa chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện dự án khi giấy phép xây dựng hết hạn (được cấp từ ngày 9/12/2010).

Đến cuối tháng 9/2013, tại cuộc họp rà soát dự án ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng (TP Cần Thơ), đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ đã đề nghị thu hồi ba dự án do chậm tiến độ, chủ đầu tư không có khả năng tài chính, trong đó có dự án Khu phức hợp Cameco kể trên.

Thứ hai, về hoạt động kinh doanh, Haxaco đã nhiều lần phải thừa nhận trong các báo cáo của HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát rằng khoản đầu tư tại Cameco “không hiệu quả, đánh giá sai tình hình, thua lỗ triền miên và không kiểm soát được”.

Đồng hành với sự lao dốc của công ty mẹ Haxaco năm 2011, lợi nhuận của CAMECO cũng bắt đầu đi xuống mặc dù lợi nhuận trung bình các năm trước đó cũng chỉ “mấp mé” con số hơn 1 tỷ đồng.

Trong năm 2012, các phiên họp HĐQT của Haxaco đều “đau đầu” tìm cách xử lý khoản đầu tư tại Cần Thơ, thống nhất bán lại toàn bộ cổ phiếu CAMECO đang sở hữu với giá thị trường, thậm chí là giá sổ sách những cũng không thành công. Ban kiểm soát đánh giá “khoản đầu tư tại CAMECO ngày càng đi xuống”, các khoản công nợ không đòi được (502 triệu đồng), khoản vay 2,641 tỷ đồng không trả được vốn và lãi.

Tài chính - Ngân hàng - Nhà phân phối Mercedes Haxaco: 'Vỡ mộng' khu phức hợp Cameco 700 tỷ (Hình 2).

Tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của riêng Cameco là 17,54 tỷ đồng và Haxaco đã phải trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư dài hạn này lên tới 13,01 tỷ đồng.

Như ANTT.VN đã đề cập trong bài viết trước, tình hình kinh doanh của Haxaco cũng đang gặp phải các vấn đề liên quan đến công nợ phải trả, các khoản vay vốn ngân hàng được đảm bảo bằng các giấy tờ xe ô tô.

Tài chính - Ngân hàng - Nhà phân phối Mercedes Haxaco: 'Vỡ mộng' khu phức hợp Cameco 700 tỷ (Hình 3).

BCTC bán niên 2016 soát xét thể hiện khoản vay ngắn hạn của Haxaco được đảm bảo bằng việc thế chấp các chứng từ hàng hóa là xe ô tô. 

Trong khi chưa giải được bài toán khó về khoản đầu tư kém hiệu quả tại CAMECO, Haxaco vẫn sẽ tiếp tục gánh chịu những tổn thất từ “giấc mộng Ninh Kiều” này mỗi năm.

Hoa Liên / ANTT

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.