Theo đó, bộ phim Ông đồ gàn là bộ phim do Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương thu thập tư liệu và dựng trong nhiều năm giới thiệu về chân dung người thầy giáo giản dị Văn Như Cương, "một ông đồ gàn khó tính nhiều khi đến khó chịu" nhưng ẩn sau đó là một tình yêu thương bao la đối với các em học trò.
Bởi khi còn sống, PGS Văn Như Cương tự nhận mình là đồ gàn, nguyên tắc, cứ đến mùa tuyển sinh của trường lại tắt điện thoại, để khỏi phải nhận những lời nhờ vả của người quen... Đặc biệt, với PGS Văn Như Cương thì “đồng tiền liền khúc ruột”, tiền phải nằm trong túi mình thì mới chắc.
Bộ phim tài liệu kể lại những tâm tình của PGS Văn Như Cương khi ông còn sống. Ông từng chia sẻ: “Là hiệu trưởng mà tôi bổ nhiệm vợ làm kế toán! Lên sở GD&ĐT Hà Nội xin quyết định, người ta không chịu. Tôi lý sự: Cái đáng lo ngại nhất là giám đốc cặp bồ với kế toán chứ chồng hiệu trưởng, vợ làm kế toán thì có gì các anh phải lo? Nếu các anh không thuận thì tôi về ly dị với bà ấy. Xong, bổ nhiệm bà ấy làm kế toán là được chứ!”…
Thế nhưng, theo TS. Lê Thống Nhất, với người ngoài, bao giờ ông cũng khác người, cũng “gàn” nhưng với học sinh và giáo viên trường Lương Thế Vinh thì họ nói về ông như một người thầy tận tâm tận lực. Thông qua chân dung thầy giáo Văn Như Cương, bộ phim ca ngợi tình cảm lớn lao giữa thầy - trò, và ngược lại, giữ trọn đạo nghĩa thầy trò của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua. Hơn cả tình cảm dành cho người thầy đáng kính, nó còn thể hiện sự lan tỏa và kết nối hàng nghìn trái tim biết sẻ chia yêu thương.
Bộ phim cũng kể lại những việc làm rất nhân văn của thầy giáo Văn Như Cương, bởi ngoài lúc "gàn" ra, thì cũng rất nhiều trường hợp “không nguyên tắc” được ông nhận vào trường. Một trong số đó là em Đào Thu Hương, một học sinh khiếm thị nhưng học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ. Dù điểm thi của Đào Thu Hương thừa đỗ vào nhiều trường ở Hà Nội, nhưng mẹ của em đã khóc hết nước mắt vì tất cả các trường công lập lẫn dân lập của Hà Nội đều từ chối không thể nhận một học sinh khiếm thị. Nhưng đến trường Lương Thế Vinh và gặp thầy Văn Như Cương thì lại khác. Không những nhận Hương, thầy Cương còn miễn toàn bộ học phí cho cô bé. Cuối cùng Hương đã được tuyển thẳng vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nhiều năm nay, trường Lương Thế Vinh thực hiện... “ba không” theo quan điểm của thầy Văn Như Cương là: Không họp hành, không bầu bán, không khen thưởng. Quan điểm của ông, phải học thật, dạy thật mới có thể học tốt, dạy tốt chứ không vì những thành tích báo cáo.
Chia sẻ cảm xúc về bộ phim, cô Văn Thùy Dương, con gái PGS Văn Như Cương, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh bày tỏ, bộ phim nói lên sự giản dị và chân thực về cuộc đời của thầy Văn Như Cương, một ông đồ khó tính nhiều khi đến khó chiụ nhưng ẩn sau đó là một tình yêu thương bao la đối với học sinh, với mọi người.
"Thông qua chân dung thầy giáo Văn Như Cương, phim còn tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo cả ngàn năm nay của dân tộc! Cá nhân tôi khi xem bộ phim này còn thấy được hành trình tạo nên cái đẹp trong cuộc đời của bố tôi. Xem bộ phim này xong tôi tin tất cả những gì còn lại của bố, tinh thần của bố, sự yêu thương đầy trách nhiệm của bố với cuộc đời này nhất định sẽ được truyền giữ… điều này là điều chắc chắn chúng tôi sẽ làm được và trường Lương Thế Vinh sẽ luôn là những điều còn mãi của người” - Phó Hiệu trưởng bồi hồi chia sẻ.
Chia sẻ về cảm xúc của mình tại buổi giao lưu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Tôi rất xúc động khi được xem lại hình ảnh gần gũi của thầy Văn Như Cương, gần hai năm qua, tôi mới lại được xem hình ảnh thầy Cương đi lại, nói cười như vậy.
Thầy Cương luôn nhận mình là ông đồ gàn, nhưng gàn đáng yêu. Bởi ngoài nguyên tắc ra, thì thày là một nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay. Đây là bộ phim quý về thầy Cương. Bộ phim sẽ sống mãi với các thế hệ học trò, kể các những học trò không học tại trường Lương Thế Vinh”.