Ngôi nhà rông kỳ vĩ
Đến với làng Kon Sơ Lăl, lữ khách được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên, diện kiến những bậc thầy về kiến trúc nhà rông cổ đại. Đối với buôn làng Tây Nguyên nói chung, làng của người Bahnar nói riêng, nhà rông như trái tim của làng.
Nhà rông vừa là sức mạnh vật chất lại chứa đựng yếu tố tâm linh. Nhà rông biểu hiện quyền uy, sức mạnh của làng. Càng đặc biệt hơn khi ngôi nhà rông cao chọc trời, có thể chống chọi được với thiên tai khắc nghiệt lại được dựng lên bởi đôi bàn tay của những nghệ nhân mù chữ, thậm chí chưa từng bước chân ra khỏi làng.
Chia sẻ với tôi, già Sôn, bậc thầy về kiến trúc nhà rông cổ đại hiếm hoi còn sót lại của làng Kon Sơ Lăl giọng đầy tự hào kể: “Từ năm 1960, người làng đã đi khắp núi đồi để tìm gỗ quý, mây và tre về dựng nhà rông. Năm 2002, thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân phải chuyển về làng tái định cư mới ở cách đó gần hai cây số. Song, họ đã họp và quyết định không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn.
Đồng thời, dân làng cử người túc trực, trông coi nhà rông như một chốn để về”. Không chỉ vậy, làng Kon Sơ Lăl bình dị là một địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về cội nguồn, gốc rễ của người Bahnar từ ngày khai thiên lập địa.
Theo già Sôn, nhà rông như trái tim của làng. “Đánh cái chiêng, chơi cái đàn goong thì phải ở nhà sàn, làng cũ mới hay, mới đậm đà. Khách đến tìm hiểu văn hóa bản địa mình cũng tiếp đón họ ở ngôi làng cũ này. Nhiều người vui lắm, cứ muốn quay lại nhiều lần, bảo là để họ thấm cái hồn đồng bào. Mà bụng đồng bào nơi này thật thà như con suối chảy về xuôi”, già Sôn kể.
Những bậc cao niên trong làng chia sẻ, nhà rông ẩn chứa rất nhiều bí ẩn mà nếu dành hết cả đời, họ cũng chưa khám phá hết. Bởi, nhà rông là hiện thân của nền văn hóa cả một dân tộc. Nhà rông luôn vút cao giữa đồi như một con gà mẹ giữa bầy gà con là các nhà sàn của người dân quây quần xung quanh.
Nhưng nhà rông lại rất mỏng manh với mái nhà như một cánh buồm và chỉ cột bằng lạt... Vậy mà nhà rông cứ thế trường tồn mãi với thời gian nếu không bị con người phá hủy. Thậm chí, một ngôi nhà rông có thể “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vững chãi cả trăm năm mà không cần tu sửa.
Nói đến đây, đôi mắt già Sôn đau đáu nhìn về chân trời, đầy vẻ luyến tiếc. Giọng ông chùng xuống khi kể câu chuyện ngôi nhà rông cũ bị tàn phá. Già cho biết, một ngày nọ, trời mưa gió bão bùng, mây đen phủ khắp làng Kon Sơ Lăl cũ. Sét đánh trúng mái nhà tranh khiến lửa bốc lên ngùn ngụt.
Lửa theo gió lan sang hàng chục mái nhà khác. Lửa cũng nuốt trọn ngôi nhà rông sừng sững trong sự bất lực của dân làng. Đằng sau sự sụp đổ của nhà rông Kon Sơ Lăl là những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt nhăn nheo của những người đàn ông Bahnar Kon Sơ Lăl. Họ đã từng hạ gục rất nhiều kẻ thù nhưng nay cũng không ngăn được những giọt nước mắt tiếc nuối khi cứng kiến cảnh nhà rông bùng cháy ngùn ngụt.
Những “kiến trúc sư” mù chữ
Nhà rông cũ cháy, làng Kon Sơ Lăl buồn không sao kể xiết. Gỗ trắc không dùng được nữa họ phải đem bán lấy tiền bỏ vào quỹ của làng. Thế rồi dân làng bàn nhau phải làm nhà rông mới, thật to, thật cao để thay thế nhà rông trước kia. Ngày dựng nhà rông, các gia đình trong làng đều háo hức, tự nguyện bỏ việc nhà để tham gia.
Ngay từ đầu năm, người làng được huy động phải tranh thủ cắt tranh trên núi để giành sẵn, chờ ngày làm nhà là có dùng ngay. Theo sự nhất trí của tất cả mọi người trong làng, cứ đủ 18 tuổi trở lên không kể trai gái phải đóng góp 10 bó tranh.
Sau gần 4 tháng thi công trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu như: Cỏ tranh, tre, gỗ... nhà rông Kon Sơ Lăl hoàn thành. Nhà rông mới có tổng diện tích 279m², hai mái lợp tranh, chiều cao tính từ mặt đất lên đến đỉnh là 20m. Tổng kinh phí xây dựng trên 900 triệu đồng. Tất cả số tiền này đều do bà con trong làng đóng góp.
Ngoài giá trị về mặt kinh tế, nhà rông còn mang tính biểu tượng về giá trị kiến trúc của người Bahnar nói riêng. Dù không có một bản vẽ thiết kế, nhà rông vẫn nhanh chóng được dựng lên một cách vững chãi, thách thức mưa nắng, bão bùng trong hàng trăm năm.
Theo tiết lộ của già Sôn, sở dĩ nhà rông vững chãi như vậy là nhờ vào nguyên tắc đối xứng và chính xác tuyệt đối khi dựng nhà. Càng ngạc nhiên hơn, khi vị “kiến trúc sư trưởng” của tuyệt tác kiến trúc này là người không biết chữ. Ông cũng không biết đếm số.
Già Sôn cho biết: “Mình chỉ dùng một sợi dây để đo đạc và đánh dấu vị trí. Mọi người phải tuân thủ tuyệt đối chính xác các vị trí do mình đánh dấu, chỉ cần sai lệch là hỏng chuyện”. Giúp việc cho ông là già Vơch và già Phyơn.
Trong suốt thời gian dựng nhà, ở công trường, ngoài những thanh niên trai tráng còn có sự góp mặt của hội đồng già làng. Tuy đứng dưới mặt đất chỉ huy nhưng các già làng lại là những người vất vả nhất. Họ tỉ mỉ hướng dẫn con cháu thực hiện từng chi tiết nhỏ nhất, sao cho vừa chắc chắn vừa đẹp mắt. Từ độ dày của mái tranh, độ chính xác của từng tấm vách, độ mỏng của dây lạt, dây mây buộc đến cách siết dây như thế nào cho chắc chắn, cho đẹp... đều được già làng kiểm tra kỹ lưỡng.
Sau một ngày đi hết ngạc nhiên này đến sững sờ khác, tôi rời Kon Sơn Lăng khi ánh trăng đã treo trên ngọn tre cuối làng. Men rượu cần vẫn còn nồng ấm, phảng phất trong hơi thở. Già Sôn ngồi lẫn trong đám trai làng, dạy chúng cách đánh chiêng và hát vang lên những giai điệu truyền thống.
Tôi bỗng rùng mình khi cơn gió đông luồn vào trong kẽ áo, rồi chợt nghĩ: “Mai này, khi những người như già Sôn theo Yàng về với trời, những công thức xây dựng nhà rông có còn tồn tại trong cái thế giới văn minh đang ngày ngày biến đổi!”.
Trước kia ngôi nhà rông Kon Klor ở tỉnh Kon Tum rộng 6m, dài 17m được coi là lớn nhất Tây Nguyên. Nhưng hiện tại, nhà rông Kon Sơ Lăl là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên. Để thực hiện công trình này, cả làng Kon Sơ Lăl làm công tác chuẩn bị đến hai năm liền. Trong hai năm này, dân làng tìm nguyên vật liệu. Khi có đủ vật liệu, hơn 100 người làng tham gia thi công 4 tháng liền mới hoàn thành”, Ông Thaol, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, Chư Pah, Gia Lai. |