Mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) đã công bố thông tin cho biết, họ phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, TP.Hà Nội) nhờ sử dụng kỹ thuật gene môi trường hiện đại (eDNA) .
Theo đó, loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, rùa Hồ Gươm, được xem là rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới.
Cuối năm 2016, ATP có tin về một cá thể rùa mai mềm, kích thước lớn được nhìn thấy ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây. Cơ quan này quyết định tiến hành thêm các đợt quan sát trong năm 2017. Sau hàng nghìn giờ quan sát, nhóm đã thấy được cá thể rùa một vài lần.
Trước đó, năm 2012, các nhà khoa học nhận được một bức ảnh chụp cá thể rùa lớn trên hồ Xuân Khanh. Song, bức ảnh này không đủ rõ để xác nhận đây là một cá thể rùa.
Tháng 5/2017, anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ nghiên cứu của ATP đã chụp được bức ảnh với chất lượng tốt, cho thấy đây là cá thể rùa mai mềm, nhưng không đủ định dạng loài. Vì vậy, nhóm quyết định thu mẫu eDNA và phân tích trong phòng thí nghiệm thuộc đại học bang Washington (Mỹ). Kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng, các dấu vết di truyền từ mẫu nước phù hợp với mẫu hiện có của loài, chứng minh cá thể rùa trong hồ thuộc loài rùa Hoàn Kiếm.
Ngay khi thông tin trên được ATP công bố, nhiều ý kiến đặt câu hỏi rằng, có nên đưa cá thể rùa này về thả ở Hồ Gươm?
Trao đổi với PV về việc này, PGS.TS Hà Đình Đức - người gắn bó nhiều năm với cụ rùa Hồ Gươm cho rằng, qua những thông tin bước đầu chưa thể khẳng định 100% rùa ở hồ Xuân Khanh chính là “hậu bối” của cụ rùa Hồ Gươm.
Theo PGS. Hà Đình Đức, nói về loài, về giống thì vô cùng, thậm chí ngay cả ba ba cũng được coi là giống với rùa Hồ Gươm. Do đó, trên góc độ cá nhân, ông cho rằng bản thân chưa đưa ra nhận định gì trước thông tin mà ATP công bố.
“Họ cũng mới công bố bức ảnh như thế chứ thực tế tôi không rõ thế nào? Đây là họ sử dụng phương pháp gene môi trường (eDNA). Trước đây các nhà nghiên cứu của ta thì chủ yếu sử dụng phương pháp cổ điển là hình thái học. Mà về hình thái học thì rùa Đồng Mô khác hẳn so với cụ rùa Hồ Gươm, còn rùa ở hồ Xuân Khanh lần này thế nào, tôi chưa biết”, ông Đức chia sẻ thêm.
Trước câu hỏi có nên thả cá thể rùa này về Hồ Gươm nếu chúng cùng loài, PGS. Hà Đình Đức cho rằng cần cân nhắc kỹ.
Theo lời ông Đức, để bắt được rùa ở Hồ Xuân Khanh lên cũng không phải điều dễ dàng. “Trước đây, khi quây bắt cụ rùa Hồ Gươm, người ta phải huy động rất nhiều người, thay lưới nhiều lần vì cứ quây là cụ lại phá lưới chui ra. Huống chi, hồ Xuân Khanh rất rộng, nếu muốn bắt sẽ mất thời gian và phải sử dụng loại lưới chắc chắn”.
Trong khi đó, trao đổi về ý tưởng này với PV, một đại diện sở VHTT Hà Nội cho rằng, bất kỳ thả con gì vào Hồ Gươm cũng phải được sự cho phép của TP, bộ VH,TT&DL.
Thực tế trước đây, GS. Nguyễn Lân Dũng cũng từng đề xuất thả rùa Đồng Mô để thay thế cụ rùa Hồ Gươm đã mất, vì đây là loài rùa có kích cỡ lớn giống cụ rùa nhưng đề xuất cũng bất thành.
Ở diễn biến khác, theo ATP, loài rùa Hoàn Kiếm từng được tìm thấy tại hầu hết các khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các cá thể rùa lớn với trọng lượng cơ thể có thể đạt đến trên 150kg đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.
Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tính đến năm 2016, chỉ có 3 cá thể của loài được ghi nhận còn tồn tại trên thế giới. Trong đó, 2 cá thể đang được nuôi tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Cặp rùa này gồm một cá thể cái và cá thể đực già đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008, nhưng các nỗ lực nhân giống vẫn chưa thành công do trứng rùa không được thụ tinh. Trong khi đó, cá thể rùa hoang dã duy nhất đã được ATP tìm thấy tại khu vực hồ Đồng Mô, Hà Nội vào năm 2007. Phát hiện mới này đã nâng tổng số lượng cá thể của loài hiện được biết đến trên thế giới lên con số 4.
Kết quả này mang lại hy vong mới, với khả năng ghép đôi các cá thể hoang dã trong môi trường có kiểm soát để phục vụ mục đích nhân giống bảo tồn. Tuy vậy, ATP đánh giá, việc bảo tồn và tương lai của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này vẫn chưa được đảm bảo, cần thêm nhiều nỗ lực để bảo vệ các cá thể đã biết, bắt, xác định giới tính và di chuyển chúng đến cùng một địa điểm để tiến hành ghép đôi.
Ngay sau khi xác định chính xác cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh, ATP đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc phối hợp, cứu hộ và bảo tồn loài này tại Việt Nam. ATP đánh giá, cả 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam (1 tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội; 1 ở hồ Xuân Khanh) đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.
Đặc biệt, hồ Xuân Khanh đang được tư nhân đấu thầu và quản lý. Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, đơn vị quản lý hồ đang tiến hành một loạt các hoạt động đánh bắt cá ở phần nửa hồ - nơi xác định cá thể rùa Hoàn Kiếm đang sinh sống.
Trước lo ngại việc đánh bắt này sẽ làm nguy hiểm tới rùa Hoàn Kiếm, ATP đề nghị, trong trường hợp cá thể rùa Hoàn Kiếm bị bắt bởi hoạt động đánh bắt cá, cơ quan chức năng cần đưa rùa về nơi an toàn để bảo tồn. Trước mắt, ATP kiến nghị nên đưa rùa về hòn đảo trên hồ Đồng Mô. Đây là hòn đảo có diện tích gần 5000m2 đã được ATP khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài.