Infineon là một trong 10 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất trên toàn thế giới và là công ty hàng đầu trong lĩnh vực chip ô tô, chip điều chỉnh năng lượng và chip bảo mật.
Trong một thông cáo phát hành hôm 5/10, một ngày trước buổi họp với các nhà đầu tư, Infineon cho biết, công ty sẽ đầu tư khoảng 2,4 tỷ Euro vào năm 2022, tăng từ khoảng 1,6 tỷ Euro trong năm nay.
Doanh thu năm 2022 sẽ tăng mạnh
Chi tiết về khoản đầu tư không được tiết lộ, chỉ biết nó sẽ được dùng để đầu tư vào nhà xưởng và trang thiết bị của công ty.
“Chúng tôi đang đầu tư vào các nhà máy hiện có”, CFO Infineon Sven Schneider cho biết.
Infineon đang xem xét liệu công ty có cần bổ sung thêm công suất hay không, Schneider nói, cho biết thêm rằng vẫn còn quá sớm để quyết định về điều đó.
Infineon cũng dự báo, doanh thu công ty năm 2022 sẽ tăng mạnh, với tỉ suất lợi nhuận phân khúc khoảng 20%, cao hơn so với mục tiêu năm 2021 là 18%.
Công ty xác nhận doanh thu năm 2021 là 11 tỷ Euro.
“Giảm thiểu phát thải CO2 và mong muốn làm cho mọi thứ trở nên thông minh và kết nối an toàn là xu hướng chủ đạo trên tất cả các ngành công nghiệp”, CEO Infineon Reinhard Ploss nhận định. "Năm 2022 đang được định hình là một năm sôi động”.
Infineon đang có vị trí dẫn đầu trên nhiều thị trường với các động lực tăng trưởng cơ cấu dài hạn, CEO Infineon Reinhard Ploss cho biết.
Ông cũng đưa ra nhận định: “Năm 2022 đang được định hình là một năm sôi động; chúng tôi đang tiếp tục hành trình tăng trưởng có lãi và tạo ra giá trị bền vững".
Giá chất bán dẫn của Infineon tới tay khách hàng sẽ tăng đáng kể nhằm bù đắp lại chi phí sản xuất tăng cao, Ploss cho biết.
Infineon cho rằng, việc thiếu đầu tư vào công suất mới của các “đồng nghiệp” trong ngành là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng nguồn cung eo hẹp trên thị trường chất bán dẫn trong bối cảnh nhu cầu chip toàn cầu phục hồi sau những đợt phong tỏa liên quan tới Covid-19.
Điều này đã làm gián đoạn nguồn cung chip, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe hơi.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất chip theo hợp đồng đã đầu tư chủ yếu vào sản xuất bộ vi xử lý, có tỉ suất lợi nhuận cao hơn, được sử dụng trong các thiết bị như điện thoại thông minh, khiến các nhà máy hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu đối với các loại chip cũ hơn được sử dụng trên ô tô.
Ngoài ra, trong trường hợp của Infineon, nhà cung cấp chip hàng đầu cho ngành công nghiệp ô tô đã phải đối mặt với các vấn đề về đáp ứng cam kết giao hàng sau khi một cơn bão mùa đông dữ dội đánh sập một nhà máy của công ty ở Texas, Mỹ hồi tháng 2, và các đợt phong tỏa làm gián đoạn hoạt động của họ ở Malaysia.
Cột mốc quan trọng
Hồi giữa tháng 9, hãng sản xuất chip có trụ sở tại Munich (Đức) đã đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất chip công nghệ cao tại thành phố Villach, bang Kärnten, Áo.
Nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) 300mm có tổng đầu tư 1,6 tỷ Euro.
“Việc đưa nhà máy này vào hoạt động là một cột mốc quan trọng đối với Infineon và là một tin tốt lành cho khách hàng,” Ploss cho biết tại buổi lễ khai trương nhà máy.
Việc bổ sung công suất mới ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh nhu cầu chất bán dẫn ngày càng tăng trên toàn cầu.
Ploss nhận định, các diễn biến trên toàn cầu trong thời gian vừa qua đã cho thấy rõ vai trò thiết yếu của vi điện tử trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống.
“Với tốc độ số hóa và điện khí hóa ngày càng nhanh, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu về chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”, Ploss cho biết. “Công suất bổ sung từ nhà máy mới sẽ giúp chúng tôi phục vụ khách hàng trên toàn thế giới tốt hơn nữa, kể cả trong dài hạn”.
Việc sản xuất thêm chip điều chỉnh năng lượng chuyên dụng ở nhà máy mới này sẽ phục vụ nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, trung tâm dữ liệu và các cơ sở năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nó sẽ không ngay lập tức giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu.
Tình hình thị trường chip toàn cầu cho thấy rõ tầm quan trọng của các khoản đầu tư vào công nghệ đổi mới cho tương lai.
Khủng hoảng sẽ kéo dài nhiều năm
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu đang cản trở hoạt động của các công ty, từ nhà sản xuất ô tô đến nhà sản xuất máy tính, có thể kéo dài trong nhiều năm, Ploss cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức).
Sự khan hiếm “có thể kéo dài đến năm 2023” ở những khu vực mà việc mở rộng công suất để bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng diễn ra chậm, CEO Infineon nhận định.
“Việc xây dựng các cơ sở mới và các phòng sạch nơi các tấm silicon được chế biến thành chip có thể mất 2-2,5 năm; việc nâng cấp các cơ sở hiện có thì mất 9-12 tháng”, Ploss cho biết.
Cuộc khủng hoảng chip trong năm nay đang tác động tiêu cực đến sản lượng của các công ty, từ Tesla Inc. đến Apple Inc. và Microsoft Corp.
Các nhà sản xuất đã mất đến hơn 20 tuần để hoàn thành đơn đặt hàng trong tháng 7, còn chậm hơn so với tháng 6, theo một nghiên cứu của Susquehanna Financial Group.
Nhu cầu làm việc tại nhà ngày càng tăng và hiệu ứng bắt kịp trong ngành công nghiệp ô tô sau sự chậm trễ do đại dịch gây ra đã trở thành động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp chip, theo Ploss.
Ông cũng cho biết, sự mở rộng nhanh chóng của ngành sản xuất ô tô điện và nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo là những yếu tố góp phần vào tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.
Minh Đức