Cấm cũng như không!
Trong vai một người chơi "nghiện" game online, PV lần lượt tìm đến các điểm kinh doanh internet ở khu vực Làng Đại học Thủ Đức (quận Thủ Đức), đây là nơi tập trung hàng chục ngàn sinh viên theo học và các con đường chính quanh các trường học lớn của TP.HCM để ghi nhận hoạt động về đêm của họ. 23h30', quán "net" T.L., gần ngã ba 621 trước ngõ vào Làng Đại học Thủ Đức đã đóng cửa, nhưng bên trong vẫn sáng đèn. Khi khách hàng gõ cửa, chủ quán cẩn thận nghiêng ngó rồi mời khách vào. Qua quan sát, PV nhận thấy có gần 15 máy vẫn đang hoạt động, chủ yếu đang "chiến đấu" với game online. Ngoài tiếng gõ máy lách cách, không khí bên trong quán gần như im lặng tuyệt đối, lâu lâu game thủ bị thất trận buột miệng la toáng lên liền bị chủ quán nhắc nhở.
Các con "nghiện" game đang chơi trong một tiệm internet công cộng.
Từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các điểm kinh doanh internet không được hoạt động sau 23h, những cửa hàng này quay ra đối phó bằng cách đóng cửa vào giờ "giới nghiêm" và cho khách chơi thoải mái bên trong đến 4h sáng thì cho về. Bên trong quán "net", khách vô tư chơi, đói thì cửa hàng phục vụ mì gói, nước giải khát, muốn ngủ thì ngồi gục tại ghế. Nhưng tuyệt đối không được mở cửa ra về trước 4h sáng, để tránh thanh tra bắt quả tang. Ông N.V.H., chủ quán "net" T.L. vô tư tuyên bố: "Mấy đứa cứ chơi thoải mái nhưng nhớ không được ồn ào. Mấy ông thanh tra nghe thấy vào xử phạt chú, mai mốt mấy đứa không có chỗ mà chơi đâu. Đứa nào đói vào mua mì gói, quán phục vụ giá bình dân".
Khác với ông H., chị Hoàng Minh Nguyệt, chủ tiệm internet N.A. (đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, TP.HCM) băn khoăn: "Không ai muốn vi phạm pháp luật hết, nhưng đến giờ đóng cửa mà mấy đứa nó cứ ngồi lỳ ra, đuổi không chịu về, tôi đành để mấy đứa ngồi chơi rồi đóng cửa đi ngủ. Nhiều sáng thức dậy, tôi thấy tụi nó nằm lăn ra ngủ trên sàn dưới ghế vừa bực vừa thương, không biết nghiện gì mà như nghiện ma túy". Em N.V.A., học sinh THCS tại quận Gò Vấp chia sẻ: "Học xong, em ra đây ngồi luôn. Về nhà, cha mẹ nhốt không cho đi chơi. Tới quán rồi lại không dám về, mà đang chơi vui, đang đấu với một thằng mạnh lắm, về tiếc, ít khi có đối thủ ngang tầm".
Dù đã có máy tính xách tay, nhưng nhiều sinh viên vẫn tìm đến tiệm internet để chơi thâu đêm suốt sáng. Bạn Dương Tính Trung (sinh viên đại học Bách khoa TP.HCM) giải thích: "Chơi ở quán có không khí hơn, chơi ở ký túc xá, thức khuya bị mấy đứa bạn nó rầy rà, bực bội không tập trung được. Với lại, nhiều quán tổ chức thi đấu, chơi vui và hăng lắm". Ngoài chơi game online, các bạn trẻ thường đến để xem phim, tải nhạc mà phần nhiều để xem phim sex, lên các trang web đen. Chính những cách tiếp cận internet sai lầm, sử dụng không đúng mục đích, giới trẻ tự đào một hố sâu chôn vùi sức khỏe, thời gian của chính mình.
Đứng trước thực trạng đáng buồn trong việc quản lý kinh doanh internet, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tìm nhiều giải pháp. Cấm các điểm kinh doanh internet hoạt động sau 23h, tạo khoảng cách giữa tìm tiệm net và trường học (tiệm internet cách trường học ít nhất 200m)... tất cả giải pháp đưa ra đều vấp phải sự phản đối của chính những người làm luật.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM liên tục kết hợp với các ban ngành liên quan để thanh tra, giám sát nhưng đều không đạt được kết quả mong muốn, chỉ mới ngăn chặn ban đầu còn về việc tái diễn đã quá rõ. Hệ lụy từ việc nghiện chơi game vẫn gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng trong xã hội, khiến đạo đức, nhân cách giới trẻ được định hình theo chiều hướng xấu. Dư luận một lần nữa cho rằng, các cấp quản lý cần mạnh tay hơn, thậm chí dẹp bỏ những tiệm internet này để con em họ không đánh mất tương lai chỉ vì những trò chơi vô bổ.
Các em học sinh chăm chú trong một tiệm internet.
Chỉ vì lợi nhuận khủng
Luật gia Đặng Đình Thịnh, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: "Thực tế các cơ quan quản lý đã khá khắt khe trong việc kiểm duyệt các trò chơi game trực tuyến. Nhưng các công ty kinh doanh game online vẫn có những chiêu thức lồng ghép các chương trình game bị cấm vào rồi bán ra thị trường. Đó là những chương trình game liên quan đến đánh bạc, bạo lực, kích dục... Bản thân tôi từng có lần được mời làm cố vấn pháp luật cho một công ty game ở TP.HCM trong hợp đồng hợp tác với một công ty game khác ở nước ngoài. Nhờ đó, tôi biết được những chương trình game "ăn nên làm ra", mang lại doanh thu khổng lồ cho các công ty kinh doanh game online, 2/3 trong số đó là những game không được nhà nước kiểm duyệt".
Luật gia Đặng Đình Thịnh cho biết thêm: "Các game này đều đầy rẫy trên mạng, chỉ cần nhấp chuột là biết ngay nó thuộc công ty kinh doanh game nào. Có vẻ như các cơ quan quản lý vẫn biết cách phát hiện ra các game bị cấm này khá dễ dàng. Nhưng công tác thanh tra, kiểm tra lại chưa làm chặt chẽ, đến nơi đến chốn. Theo tôi, chúng ta cần thanh tra, giám sát nội dung của các chương trình game online. Có chế tài phạt tối đa, kỷ luật khắt khe những nơi nào vi phạm, lách luật kinh doanh những game bị cấm. Có như vậy mới loại bỏ được những chương trình game trực tuyến có nội dung bạo lực, kích dục, chứa thông tin văn hóa phẩm đồi trụy như hiện nay".
Đồng quan điểm trên, GS.TS Vũ Gia Hiền, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM nhận định: "Những quy định hiện nay của các cấp quản lý như cấm kinh doanh tiệm net gần trường học, không mở cửa quá 23h chỉ là hình thức mà thôi. Bản chất của vấn đề không nằm ở đó. Mà các gia đình, nhà trường phải chú ý quan tâm đến đời sống của con em mình hơn. Các khu phố cần tăng cường kiểm soát kỹ những địa điểm kinh doanh internet, đặc biệt kiểm soát những chương trình game bị cấm, có tính chất bạo lực, kích dục. Những công ty sản xuất chương trình game thường chỉ nghĩ đến lợi nhuận, câu khách bất chấp về nguyên tắc, những hệ lụy xấu gây ra cho xã hội, cơ quan quản lý cần những biện pháp mạnh tay hơn, thay vì chỉ "giơ cao đánh khẽ" như hiện nay.
Thạc sỹ Phạm Lan Anh, chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho rằng: "Bản chất của game online không hề xấu. Nó có tính chất giải trí, giúp con người tìm được thú vui trong những phút căng thẳng. Tuy nhiên, những trò game đóá không mang lại lợi nhuận khủng cho nhà sản xuất. Vì vậy, họ sản xuất ra những chương trình game càng hấp dẫn, thu hút người chơi càng tốt. Những chương trình game có tính bạo lực, kích dục như một chất gây nghiện khó bỏ. Khi có con nghiện, game online trở thành một hiện tượng của xã hội, gây ra những rối loạn về hành vi, nhận thức trong chính bản thân mỗi game thủ. Nhẹ thì tạo ra những mối bất hòa, nặng thì đẩy những game thủ này vào con đường phạm tội vì ám ảnh từ các trò chơi game, hoặc vì không có tiền để thỏa mãn cơn nghiện game online".
PGS.TS Phan An, người nhiều năm làm công tác giảng dạy tại trường ĐHKHXH&NV TP.HCM bày tỏ: "Thực chất kinh doanh internet hay game online đều không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác kiểm duyệt cần gắt gao hơn, nếu phát hiện những công ty kinh doanh game, những tiệm internet có các trò chơi bị cấm nhưng vẫn kinh doanh thì tiến hành xử phạt nặng, thậm chí dẹp bỏ những tiệm internet đó".
Mất khả năng kiểm soát cảm xúc vì nghiện game Ở góc độ tâm lý học, GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền cho rằng: "Nghiện game online tác động trực tiếp lên đời sống tinh thần, dễ khiến con người mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Nó ảnh hưởng trực tiếp lên vỏ não, chuyển hóa thành cảm xúc. Nếu bị ám ảnh bởi quá nhiều hình ảnh bạo lực, kích dục trong game, sẽ khiến cảm xúc của con người bị hỗn loạn, lâu dần trở nên chai sạn và không còn biết sợ, trở nên liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém nếu cần thiết. Quan trọng hơn, khi nghiện game, khả năng trí tuệ sẽ giảm đi rất nhiều, không còn sáng suốt để nhận thức đúng sai". |
Hương Lam - Ngọc Lài