Phát ấn đền Trần có thực sự đang đi ngược lịch sử và cần có biện pháp gì để việc “khai ấn” đi đúng quỹ đạo? Đó là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra hiện nay.
Trước những câu hỏi này, PV đã có buổi trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc - ĐBQH, Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về việc khai ấn đền Trần từ trước tới nay?
Hiện tượng phát ấn đền Trần gần đây gây không ít dư luận, chủ yếu do hiện tượng phản cảm về mặt văn hóa và thường đặt ra những câu hỏi về mặt khoa học: Phát ấn đền Trần có thực sự là một truyền thống hay không?
Thêm nữa, việc phát ấn đền Trần đang lan truyền ở nhiều nơi, tạo ra sự tràn lan. So sánh có vẻ khập khiễng nhưng việc phát ấn đền Trần hiện rất giống câu chuyện về tục chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) mà ai cũng biết, bây giờ đã lan truyền khắp nước, ở nhiều nơi xuất hiện chọi trâu.
Đằng sau chuyện đó cũng dễ nhận ra và mọi người hoàn toàn có cơ sở đặt ra câu hỏi: Phải chăng, không phải câu chuyện vì văn hóa mà vì lợi ích, lợi nhuận?
Bởi lẽ, đằng sau tất cả những chuyện đó có cả chuyện cá cược, tranh giành, mua bán... Những gì mà xã hội đặt ra hoàn toàn đúng, và đòi hỏi ta phải đi tìm nguồn gốc giữa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa như thế nào nhất là giá trị văn hóa phi vật thể.
Vậy theo ông, phát ấn đền Trần có thực sự là một truyền thống hay không?
Chuyện lễ khai ấn đền Trần có hay không là chuyện của cung đình, không phải để ban phát cho mọi người cầu may, cầu lộc, cầu tài. Chính vì vậy, phải dập tắt ngay từ trong gốc ý nghĩ muốn thăng tiến thì đi cầu cúng, mua quan bán chức. Tôi cho rằng, nếu mạnh dạn, tôi ủng hộ là tạm dừng lại.
Ông có thể chia sẻ với độc giả sâu hơn về đề xuất nên tạm dừng việc phát ấn đền Trần?
Lễ hội vốn là sinh hoạt làng xã, gắn kết con người với nhau nên lễ hội diễn ra trong những quy chuẩn, lề thói, tập tục rất ổn định khi đối tượng tham dự cũng ổn định.
Nhưng trong thời đại ngày nay, cơ cấu làng xã không còn như xưa và toàn bộ xã hội cũng đi đến mặt bằng chung, nhu cầu chung và cùng với mặt bằng, nhu cầu ấy là thị trường chung và nhu cầu con người cũng khác.
Nhu cầu con người khi trẩy hội truyền thống khác, đi du lịch khác. Sự lẫn lộn ấy dẫn tới sự biến tướng của các hoạt động và biến tướng ấy chủ yếu theo chiều hướng thực dụng, chiều hướng lợi nhuận, bất chấp yếu tố văn hóa. Vì đôi khi có nghịch lí càng phi văn hóa càng dễ thu hút được lợi, sự tò mò của con người...
Trong bối cảnh này, cách tốt nhất là Nhà nước phải đứng ra quản lí về mọi mặt.
Thứ nhất, trên phương diện khoa học, phải huy động các cơ quan khoa học vào nghiên cứu, xem thực chất đó là gì để thấy việc ta hạn chế hay phát huy là có cơ sở khoa học.
Thứu 2 là pháp luật, cái gì pháp luật không còn thích ứng ta điều chỉnh.
Thứ 3 là giáo dục và tuyên truyền. Yếu tố quan trọng là người ta thông qua dư luận xã hội... Đó là cách tốt nhất để điều chỉnh lại.
Hiện tượng nhiều địa phương tự tạo cho mình con ấn là rất phản cảm. Nên tôi cho rằng đã đến lúc tạm dừng lại việc phát ấn. Chuyện này có thể gặp phải phản ứng.
Cũng giống như đốt pháo. Đốt pháo là tục lệ từ rất xa xưa của người Việt. Nhưng đôi khi hoàn cảnh xã hội xuất hiện những yếu tố không có ích thì chúng ta tạm dừng lại. Tôi nghĩ rằng, việc đốt pháo tạm dừng lại đến một ngày có tiếng pháo nổ nhưng là tiếng pháo văn hóa, lành mạnh, tiếng pháo mang lại niềm vui cho mọi người.
Những cái đó bao giờ đến tùy thuộc vào sự quản lý của xã hội và bản thân mỗi người dân phải ý thức được điều này.
Câu chuyện ban ấn cũng vậy, nếu chúng ta còn phát huy phát ấn là lộc ban, là may rủi, cầu thăng tiến thì tôi cho rằng nên dừng lại để có thể khôi phục đúng giá trị ban đầu chứ không phải biến tướng như ngày nay. Còn nơi nào mới xuất hiện chúng tôi đề nghị cấm hẳn.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
Nguyễn Huệ - Đỗ Huệ