"Gộp Tết ta với Tết tây" đã trở thành vấn đề "nóng" trên khắp các diễn đàn trong mấy năm gần đây, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Việc gộp Tết tây với Tết ta tưởng chỉ là ý tưởng thoáng qua, nhưng rồi nó trở thành một vấn đề luận bàn sôi nổi.
Nhiều chuyên gia văn hóa, kinh tế thẳng thắng trả lời báo chí phản đối ý tưởng này và tỏ rõ sự khó hiểu về lý do người ta có thể đưa ra suy nghĩ này. Dù mới chỉ là ý tưởng nhưng việc “gộp Tết tây với Tết ta” đã gặp “rào cản” khá lớn từ dư luận xã hội.
Tuy nhiên, một số quan điểm ủng hộ lại cho rằng, gộp hai cái Tết vào làm một sẽ có lợi nhiều, nhất là cho phát triển kinh tế và hội nhập.
Qua trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã có những quan điểm riêng về câu chuyện này.
Ông nhớ lại, câu chuyện "gộp Tết tây với Tết ta" đã xảy ra từ nhiều năm trước, khi mà ý tưởng của một vị giáo sư nổi tiếng nêu lên vấn đề này đã gặp phản ứng dữ dội từ phía dư luận xã hội. Nhiều ý kiến có thể nói là đã “ném đá khủng khiếp” ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”.
“Tôi nghĩ rằng đây là việc làm không hề đơn giản. Nhưng theo xu hướng thì theo tôi, cũng nên có cách nào đó để điều chỉnh từng bước một”, ĐB Dương Trung Quốc nói.
Lý giải cho ý kiến của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta có thể điều chỉnh từng bước một để hai cái Tết gần với nhau. Tức là chúng ta vẫn duy trì ăn Tết ta theo truyền thống của người dân từ lâu đời. Tuy nhiên, có thể hạn chế nhu cầu bắt buộc phải về Tết ta như lâu nay. Chúng ta có thể thay đổi dần dần điều này chứ không thể ngay một lúc mà có thể thay đổi được”.
Về lo ngại mất đi truyền thống văn hóa, phong tục tập quán từ ngàn đời mà ông cha để lại nếu gộp Tết ta lại với Tết tây, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa quan điểm, không thể so sánh vì mỗi quốc gia có một bản sắc riêng nhưng chúng ta có thể nhìn sang nước Nhật, truyền thống của họ cũng rất mạnh mẽ và họ vẫn bảo tồn được dù đã chuyển sang ăn Tết Dương lịch như nhiều nước trên thế giới.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, đặt ra vấn đề "gộp Tết tây với Tết ta" ở thời điểm này cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng”, ĐB Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dần dần, bằng những kích thích về mặt vật chất, cộng thêm việc vận động, tạo cho những người sẵn sàng xin không nghỉ Tết âm lịch, tạo điều kiện cho họ được nghỉ Tết tây dài hơn, để họ có thời gian về với gia đình. Khi thấy được những lợi ích về kinh tế thì sẽ điều chỉnh dần tập quán xã hội.
“Rồi sau này, khi lớp người già còn những suy nghĩ như tôi - những người muốn duy trì Tết ta riêng biệt sẽ thay đổi, chứ chúng ta không thể làm thay đổi ngay như một mệnh lệnh hành chính được. Khi mọi việc được thay đổi một cách tự nguyện thì sẽ dễ dàng hơn.
Thêm vào nữa, hai cái Tết giãn cách sẽ tạo ra sức ép về việc nghỉ quá dài, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như lợi ích của doanh nghiệp. Do đó, dần dần điều chỉnh từng bước một, nhưng chắc chắn là phải điều chỉnh từ từ. Từ suy nghĩ đến hành động phải có những bước đi thật thích hợp”, ĐB Dương Trung Quốc đưa ra phân tích.
Ông cũng cho rằng: "Con người càng ngày càng hiện đại hơn. Cũng như bây giờ, chúng ta cứ nói Tết là để về với gia đình, nhưng trên thực tế, tuổi trẻ đâu có về với gia đình mà dịp Tết, họ tìm đến những chuyến đi chơi, đi phượt cùng bạn bè. Như vậy, suy nghĩ của mỗi thế hệ sẽ thay đổi dần đi. Còn nếu lo ngại phai nhạt, mất truyền thống thì cũng không hoàn toàn như vậy. Nếu chúng ta có suy nghĩ hợp lý thì hoàn toàn có thể làm như nước Nhật”.
“Nói như vậy không phải là ủng hộ việc bỏ Tết ta. Tôi nghĩ không thể bỏ Tết ta mà chỉ là tổ chức lại Tết ta, thay đổi tập quán Tết ta đi cho phù hợp”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Dương Thu