Những ngày qua, sự xuất hiện của chú chim khổng tước quý hiếm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh đã gây nên sự chú ý của dư luận.
Tuy nhiên, diễn biến mới của sự việc còn gây tiếng vang hơn khi vào chiều ngày 27/10, một nhà sư ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin nhận lại con khổng tước vừa được đơn vị này bắt trước đó.
Chưa xét đến việc chú chim quý đó có thuộc sở hữu của nhà chùa hay không vì vị sư thầy mới chỉ khẳng định chú chim đó là một trong ba con chim quý mà nhà chùa đã bị mất trộm hôm 22/8 sau… một hồi quan sát. Câu chuyện sẽ ngã ngũ sau khi nhà sư xin được một số giấy tờ xác minh ở địa phương. Vấn đề cần bàn ở đây đó chính là cái nhìn ích kỉ, thiếu khách quan của một số độc giả áp đặt lên cuộc sống của những người tu hành.
Hầu hết những ý kiến trên báo hay mạng xã hội đều coi những nhà sư ở chùa như những tội đồ của thiên nhiên vì đã giam cầm loài chim này. Họ tích cực kêu gọi các nhà sư “tùy duyên”, chú chim đã đi rồi, đừng nên “níu kéo”. Thậm chí có những người còn “hiểm” đến mức sử dụng lối bình luận dẫn bóng tư duy, khiến nhiều người nghĩ rằng các sư ở chùa đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đi ngược lại triết lí nhà Phật khi "giam cầm" một con vật – đặc biệt là động vật quý hiếm ở chùa.
Tuy nhiên, đạo Phật chỉ cấm sát sanh, đâu cấm nuôi dưỡng động vật. Đành rằng với nhiều người thì cảnh chim lồng, cá chậu chẳng khác gì cầm tù. Nhưng nếu con vật được sống trong cảnh “lồng, chậu” đó từ tấm bé, chúng đã quá quen với không gian hạn hẹp, quen với sự chăm sóc của loài người thì môi trường rộng lớn ngoài tự nhiên, sự đấu tranh sinh tồn mà chúng chưa từng được tiếp xúc mới là “tử địa”.
Vậy nếu những nhà sư cứ thuận theo “duyên”, tùy duyên mà bỏ mặc những chú khổng tước mình đã chăm bẵm từ nhỏ thì đó mới là bạc ác, là vô trách nhiệm.
Khi người ta không bắt bẻ được hành động của các nhà sư, người ta sẽ soi xét đến nguồn gốc và tự đặt ra câu hỏi tại sao các nhà sư lại sở hữu những chú chim quý hiếm như thế. Với lối tư duy quy chụp và ích kỉ, nhiều người (tuy không dám khẳng định) nhưng luôn có một lối mòn suy nghĩ rằng các nhà sư trong sự việc này chẳng khác gì những tên chuyên săn bắt thú quý hiếm.
Nhưng quả thật, với một loài chim được đưa vào sách đỏ thuộc nhóm 1B quý hiếm như thế, cả đời người lên rừng, xuống biển có khi cũng chẳng được một lần chiêm ngưỡng chứ đừng nói đến việc các nhà sư bắt được tận 3, 4 con.
Và đương nhiên, việc nhà chùa sở hữu chim quý, chúng ta chỉ có thể dùng chữ “duyên” để lý giải. Không ai biết chắc chắn về nguồn gốc của những chú chim đó nhưng chúng ta bình luận, chúng ta đặt những câu “hỏi cung” tựa như chính chúng ta đã chứng kiến cảnh “săn bắt” của các nhà sư vậy. Có phải chúng ta đang tạo “khẩu nghiệp” hay không?
Con chó, con mèo khi được nuôi trong chùa thì không ai lên tiếng phản đối. Vậy tại sao việc nhà chùa nuôi dưỡng, chăm bẵm những chú chim quý, coi chúng như những người bạn tâm giao thì chúng ta lại cho rằng đó là ác độc, là đi ngược lại tự nhiên?
Ác độc hay không, hãy nhìn vào sự sốt sắng rồi thở phào nhẹ nhõm của các sư thầy khi thấy chú chim quý – người bạn, người con của mình được bình an. Ác độc hay không, hãy nhìn vào sự khỏe mạnh, rực rỡ, đẹp đẽ của những chú khổng tước đó.
Ác độc, đôi khi chỉ đơn giản là lời nói, tư duy quy chụp của những người "ngoài cuộc" như chúng ta mà thôi.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả