Ông Nguyễn Hoàng Phương - phó chủ tịch Công đoàn VBSP trao đổi với PV tối 29/10. Ông Phương là người trực tiếp thực hiện chương trình quy tập hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của “cậu Thủy” (tức Nguyễn Thanh Thúy) vừa bị bắt vì nghi lừa đảo.
Ông Nguyễn Hoàng Phương: Tất cả mới chỉ là nghi ngờ, chúng tôi đang chờ mọi việc được làm rõ.
- Tại sao Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam lại tham gia trong việc quy tập hàng chục hài cốt liệt sĩ, thưa ông?
- Đây là việc làm phát tâm của Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm thực hiện văn bản của Chính phủ, Ban bí thư về xã hội hóa trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Ngoài ra, cũng xuất phát từ bức thư của một cựu chiến binh của ngân hàng đề nghị công đoàn cùng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác để nhân dân thờ phụng. Đây là việc thiện nguyện, không có gì gọi là vụ lợi khi làm cả.
Trên cơ sở đó, công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội được nhận nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chương trình này, từ khi bắt đầu đến khi triển khai.
- Vậy dựa vào đâu ngân hàng giao công việc tìm kiếm này cho ông Thúy trong suốt cả chương trình?
- Đầu năm 2012, nhiều người trong và ngoài ngân hàng đã nhờ ông Thúy tìm giúp thân nhân liệt sĩ và giới thiệu chúng tôi tiếp cận. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp các gia đình, thân nhân của liệt sĩ để xem lại các thước phim họ quay được. Có cả những kỷ vật của liệt sĩ mà họ đã chứng nhận là đúng nên chúng tôi tin tưởng, nghĩ việc này không ai toan tính trục lợi.
Nhà tâm linh tự xưng Nguyễn Thanh Thúy tức Cậu Thủy trong một lần đi tìm hài cốt Liệt sĩ tại Bình Phước.
Từ đó, ngân hàng phối hợp với ông Thúy đã tổ chức được 4 đợt tìm kiếm và quy tập được 97 hài cốt liệt sĩ. Tất cả đều được bàn giao cho Sở Lao động Thương binh Xã hội các tỉnh.
- Trong quá trình tìm kiếm hài cốt ở Quảng Trị, tại sao khi Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có những ý kiến nghi ngờ khả năng của ông Thúy và yêu cầu ngừng tìm kiếm, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn cương quyết làm?
- Trong suốt quá trình tiến hành, có nhiều ý kiến đưa ra nhưng ngân hàng vẫn tin tưởng kết quả như những lần tìm kiếm của “cậu Thủy” trước đó. Khi khai quật từng hố, từng điểm quy tập đều thấy có kỷ vật của liệt sĩ. Có những gia đình xác nhận "chiếc bi-đông này em tôi từng cầm về nhà trước khi vào Nam chiến đấu" và khẳng định vết khắc trên đó là đúng. Phải đứng ở đó tại thời điểm ấy thì sẽ rất tin tưởng vào câu chuyện này.
Chúng tôi không có nghiệp vụ để xác định hài cốt là xương người hay động vật. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào "cậu Thủy" vì sự việc vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra, tất cả mới chỉ là những nghi ngờ. Cần chờ một thời gian để làm rõ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định chi phí trả cho "cậu Thủy" là tiền đóng góp của cán bộ nhân viên, không phải từ ngân sách.
- Vậy trước khi trả khoản chi phí lớn cho ông Thúy tìm mộ liệt sĩ, ngân hàng làm cách nào để thẩm định độ xác thực của các hài cốt?
- Khi đã nghĩ làm đúng, chúng tôi không nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác. Mỗi lần, chỉ căn cứ vào các biên bản đã bàn giao cho Sở Lao động Thương binh Xã hội rồi thanh toán tiền thôi. Với mỗi một hài cốt tìm được, ngân hàng trả cho ông Thúy 75 triệu đồng, đều có giấy biên nhận.
"Trước vong linh của các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi cam kết không có bất kỳ hành vi trục lợi, thông đồng, tiếp tay nào. Nếu ông Thúy có hành vi làm giả hài cốt liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị để chiếm đoạt tiền mà đoàn viên Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tự nguyện đóng góp để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thì ông Thúy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Đoàn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội nói. |
- Có thông tin cho rằng Ngân hàng đã tìm cách "ép" Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phải công nhận kết quả tìm kiếm hài cốt. Ông nói sao về điều này?
- Vì có ý kiến rằng không có cuộc chiến nào xảy ra tại địa điểm khai quật cả nên chúng tôi mới đưa nhân chứng vào để đối chiếu. Ngân hàng Chính sách Xã hội có làm việc với tỉnh cũng như đưa một cựu chiến binh đến để nói rõ hơn với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thôi. Ngân hàng chỉ đưa ra bằng chứng để thuyết phục, chứng nhận đó là hài cốt liệt sĩ.
- Chi phí để trang trải cho tìm kiếm một hài cốt liệt sĩ như ông nói là 75 triệu đồng. Vậy ngân hàng lấy nguồn tiền ở đâu để thực hiện?
- Đây toàn bộ là tiền đóng góp tự nguyện của cán bộ, nhân viên, các nhà hảo tâm trong và ngoài ngân hàng. Sau khi thống nhất chủ trương, công đoàn có văn bản gửi cho cơ sở phát động mỗi người đóng góp một ngày lương cho chương trình quy tập mộ liệt sĩ. Đầu năm 2013, thấy đây là việc làm cao cả, công đoàn lại phát động để đóng góp thêm một ngày lương nữa. 2 ngày lương này huy động được hơn 6 tỷ đồng. Phần còn lại là do nhà hảo tâm khác ngoài ngân hàng chính sách xã hội đóng góp. Tổng quỹ đóng góp đến năm 2013 là khoảng 9 tỷ đồng.
- Lần nào ông Thúy đi tìm di hài liệt sĩ đều có sự tham gia của cán bộ, nhân viên ngân hàng. Thậm chí, người của ngân hàng còn "nhập đồng". Nên lý giải vấn đề này thế nào thưa ông?
Cán bộ nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội đã rất tin tưởng ở nhà tâm linh vừa bị bắt này.
- Mỗi khi tiến hành quy tập ở đâu, công đoàn lại thành lập một ban chỉ đạo để làm công việc này. Xin khẳng định, đa phần những cán bộ ngân hàng mặc áo xanh này đều rất trẻ. Nhân dịp làm việc thiện nguyện này, chúng tôi muốn giáo dục về truyền thống, về sự mất mát hy sinh cho họ. Ngoài ra, đấy cũng là cách để công đoàn báo cáo đã chi tiền đóng góp của họ như thế nào.
Còn chuyện nhập đồng, không phải lúc nào cũng rơi vào cán bộ của ngân hàng. Như tại Ea H’leo (Đắk Lắk) hồn cũng nhập vào tổ trưởng tổ phụ nữ.
- Ông nói gì khi Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã thông báo không công nhận kết quả tìm kiếm hài cốt 9 liệt sĩ do ông Thúy tìm được?
- Khi quy tập, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu của 9 bộ hài cốt liệt sĩ nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả giám định. Ngân hàng cũng mong muốn hãy làm rõ tất cả và sẽ không bao che cho bất cứ trường hợp giả mạo, lợi dụng liệt sĩ để lừa đảo.
Theo Vnexpress.net