Cuộc sống vật chất tuy vất vả, nhưng ông vẫn luôn tự hào khi có văn thơ để bầu bạn, có người vợ hiền cũng như những đứa con hiếu thảo, thành đạt. Ông là Trương Quang Thứ (SN 1951), ở làng Trắp, xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Làm thơ, viết văn đều giỏi
Trong hẻm sâu lầy lội ở xã nghèo, ngôi nhà của ông Trương Quang Thứ chất đầy những tập thơ, sách báo và tạp chí. Thấy khách lạ vào nhà, ông liền đứng dậy xởi lởi tiếp chuyện. Ông Thứ đứng lên với tư thế khác hẳn những người bình thường, hai bàn tay chống mạnh vào chiếc ghế sôfa, đôi chân đạp lên sàn nhà và từ từ nâng người lên, một điều đặc biệt là phần lưng của ông không hề cong xuống mà thẳng như tấm phản.
Người vợ đặc biệt đã cùng ông chia sẻ bao đắng cay, ngọt bùi.
Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, ông liền phân trần: "Lưng tôi bị tật, có khi nào cúi xuống được đâu, khó khăn lắm tôi mới ngồi xuống ghế này được".
Quả thật, khi ngồi xuống, tư thế của ông như đang nằm trên ghế chứ không phải ngồi.
Ông kể: "Khi 21 tuổi, trong một lần đi cày ruộng, không may giẫm phải mảnh bom vỡ, lúc đó phần do chủ quan, phần không có tiền đi bệnh viện nên vết thương của tôi càng ngày càng nặng, sau này ảnh hưởng tới khớp, xương sống sau lưng của tôi cũng bị chứng cứng khớp. Từ một thanh niên khỏe mạnh, thông minh, chàng trai Thứ đã bị tàn tật vĩnh viễn. Đó là một cú sốc lớn đối với tôi khi bố mẹ và mọi người trong gia đình ai cũng tin tưởng vào năng khiếu viết lách mà tôi có được".
Trương Quang Thứ sinh ra trong gia đình có 11 người con, nhưng 1 người đã hy sinh, 3 người khác đã mất do bệnh hiểm nghèo. Là người con trai thông minh, lanh lợi, Thứ được cả nhà đặt hy vọng vào nhiều nhất. Thế nhưng, lần tai nạn hy hữu đó đã vùi tắt những dự định của ông.
Mong đứa con trai không bị tàn tật suốt đời, gia đình liền đưa ông đi chữa trị khắp nơi từ bệnh viện Đông y, Bạch Mai, Việt Nam - Ba Lan, nhưng tất cả đều vô vọng. Sau đó, ông được đưa lên bệnh viện Hà Bắc ở tỉnh Bắc Giang chữa trị. Mặc dù bệnh tình không thuyên giảm nhưng chính nhờ chuyến đi đó đã giúp ông tìm được người con gái mà sau này cùng ông nâng khăn sửa túi.
"Nhiều lúc suy nghĩ thấy đời mình bi đát, nhưng tôi thầm cảm ơn nó vì bị tật, phải ngồi một chỗ như vậy tôi mới có cơ hội làm thơ, viết báo, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn", ông chia sẻ.
Mặc dù, từ thời học cấp 2, ông đã bộc lộ năng khiếu viết văn của mình, thỉnh thoảng có những bài báo nhỏ đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Thế nhưng, chính từ lúc thành người tàn tật ông mới thể hiện được tài năng của mình và niềm đam mê của ông càng ngày càng lớn dần.
Không giống như những người khác viết sách trên tư thế ngồi, ông Thứ viết thơ và báo bằng tư thế đứng. Điều đặc biệt trong túi áo trên người ông lúc nào cũng có chiếc bút và tờ giấy trắng: "Thơ văn không giống như những cái khác, nhiều lúc nó đến bất chợt, tôi lại bị tàn tật nên việc đi lại rất khó khăn, do vậy phải để sẵn giấy, bút bên người, mỗi khi câu chữ đến, mình kịp ghi lại", ông nói.
Một điều dễ thấy là trong những bài thơ của ông thường tập trung sáng tác về thơ thiếu nhi. Những câu chữ, ngắn gọn, mộc mạc, dễ nhớ nhưng mang ý nghĩa giáo dục nhân văn cao. Chia sẻ về điều này, ông nói: "Lúc trước tôi thường dạy học và kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn cho các con, đến khi kể hết chuyện không biết lấy đâu để kể tôi liền tự bịa ra và đọc cho con nghe. Cứ thế, câu chữ và giọng điệu của ông ngày càng sắc sảo hơn".
"Hạnh phúc lớn nhất của tôi là gia đình"
"Cuộc đời không bao giờ lấy hết mọi thứ của ai, đó là điều ông tâm đắc nhất khi nghĩ về số phận của mình”. Cuộc đời đã lấy đi con người ông sự lành lặn, khỏe mạnh, nhưng cũng chính cuộc đời đã giúp ông có được sự nghiệp, niềm đam mê và hơn hết đó là người vợ hiền, thương lo chồng con, biết lo cho gia đình và những đứa con thành đạt.
Hồi đó, khi ông đang nằm điều trị trong bệnh viện Hà Bắc (cũ) (nay là bệnh viện tỉnh Bắc Giang) ông đã tình cờ gặp cô gái với vóc dáng cao, nước da trắng trẻo Nguyễn Thị Nị lúc cô đang vào thăm bạn nằm cùng phòng với ông.
Mới đầu là những câu hỏi thăm xã giao, dần về sau, hai con người xa lạ lại tự tìm đến với nhau. Tình cảm cứ thế lớn dần nhưng họ chỉ biết dấu sâu trong lòng, không dám nói ra.
Ngày về trình bày với gia đình mình, cả hai đều nhận được sự phản đối kịch liệt của bố mẹ, nhất là gia đình bà Nị. Nhắc đến điều này, bà Nị chỉ biết nhìn ông rồi nở một nụ cười bí ẩn. Có bố mẹ nào ai đời lại dám gả con gái cho người tàn tật, nghèo đói ở một nơi xa lạ chưa một lần đặt chân đến bao giờ đâu. "Nhưng đó là duyên số cả cháu ạ", bà chia sẻ về mối tình của mình.
3 tập thơ được xuất bản của ông Trương Quang Thứ.
Năm 1976, sau 2 năm yêu nhau với bao sóng gió đổ xuống, ông bà chính thức kết duyên vợ chồng. Cô gái xinh đẹp ở vùng núi về làm dâu chàng trai tàn tật ở vùng biển.
Chừng đó thôi, chuyện tình của ông bà thời bấy giờ khiến bao người cảm phục, nhưng cũng có không ít người bĩu môi, cười khẩy về mối tình được xem là đũa lệch của họ, có người nói: Lấy nhau như vậy xem chúng có nuôi sống nổi nhau không? Nhưng chính cuộc tình đặc biệt đó là động lực để ông Thứ vươn lên.
Khi nhắc đến gia đình của mình, mắt ông liền ánh lên rạng ngời. "Chính nhờ vụ tai nạn hy hữu đó mà tôi mới có gia đình và cuộc sống như ngày hôm nay", ông bộc bạch. Lúc mới lấy nhau về, ông bà không có gì ngoài hai bàn tay trắng, một mình bà Nị bươn chải đủ nghề từ nấu rượu, nuôi lợn, lên rừng chặt củi về bán cho đến xuống sông bắt con ngao, con hến, bà đều không ngần ngại.
Sau một thời gian, ông bà mới xây được căn nhà nhỏ hai gian, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn vì ông không làm được việc gì nặng, chỉ thỉnh thoảng có đôi đồng tiền nhuận bút từ việc viết báo nhưng chẳng thấm vào đâu so với những lo toan của cuộc sống gia đình.
Thương vợ con vất vả, ông tự dặn lòng mình phải quyết tâm sống tốt. Từ chỗ gần như không thể đi lại được, ông tập nhúc nhắc chân từng chút một. Cứ kiên trì tập luyện, cuối cùng ông đã có thể đi lại loanh quanh nhà, giúp đỡ bà những việc nhỏ vặt trong gia đình. Ông không thể cúi xuống được như người bình thường, nên dù làm việc gì, người ông vẫn thẳng đứng.
Chính vì thế, mọi thứ đồ vật mà ông dùng, bà phải cẩn thận làm thật dài. Từ cái cuốc mà bà làm cho ông để ông làm cỏ vườn dài hơn 2m, có lẽ là cái cuốc có cán dài nhất Việt Nam. Cái kệ bếp được bà xây lên rất cao để ông thuận tiện trong việc nấu nướng. Dù khó khăn, vất vả nhưng ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời, tất cả là nhờ vào những vần thơ được ông viết ra.
Ở xã Quỳnh Lập, vợ chồng Trương Quang Thứ là trường hợp hiếm hoi nuôi được 3 người con học đại học đến nơi đến chốn. Với một gia đình bình thường, đó đã là một niềm tự hào. Nhưng với một gia đình đặc biệt như gia đình ông, điều đó còn ý nghĩa hơn rất nhiều, bởi để có được niềm tự hào về con cái như ngày hôm nay, không thể kể hết những cơ cực mà vợ chồng ông đã trải qua.
Ba người con trai của ông bà: Trương Quang Văn, tốt nghiệp trường đại học KHXH&NV, Trương Quang Chương, tốt nghiệp trường sỹ quan chỉ huy thông tin và Trương Quang Phương, tốt nghiệp đại học Thủy Sản, giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định. Đó là món quà lớn nhất mà ông bà có được sau ngần ấy năm sống cơ cực, chịu thương chịu khó chắt chiu để nuôi con thành người. Ông Thứ đã tặng riêng 3 đứa con của mình bài thơ đặc biệt với tựa đề: "Khi con vào đại học"
"Đường cha đi học không tới đích/Giờ đây vui đến ngỡ ngàng/Con thay cha vào đại học/Cuộc đời rộng mở sang trang”.
Đến nay, ông Thứ đã có trên tay 3 tập thơ được xuất bản. Đó là: Tình Trăng, (xuất bản năm 1999) và hai tập thơ thiếu nhi: Mâm hoa quả biết đi (xuất bản năm 2004) và Hoa hậu mèo (xuất bản năm 2010). Ông đã gặt hái được một số giải thưởng: Giải nhì hội Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh 1991; giải ba báo Nhi đồng năm 1994; giải B báo Nghệ An năm 1996; giải B tạp chí Sông Lam 1998; giải khuyến khích báo Thiếu niên tiền phong năm 2000, giải thưởng Văn học Hồ Xuân Hương 2005... và rất nhiều bài thơ, bài báo được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí trung ương đến địa phương. Đó là niềm vui cũng là động lực giúp ông sáng tác, viết lên nhiều vần thơ hay có ý nghĩa hơn. |
Kim Long - Khánh Ly