Trước ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta” của một số cá nhân đang tạo tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Dương Kỳ Anh xung quanh vấn đề này.
Ông có suy nghĩ như thế nào về ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”?
Tôi nghĩ rằng, Tết Nguyên đán hay còn gọi Tết ta là truyền thống từ hàng nghìn năm nay. Ông cha ta ăn Tết như thế nào thì đến ngày nay, chúng ta duy trì và quen với điều đó. Bây giờ, nếu thay đổi, gộp Tết tây với Tết ta tôi nghĩ cũng chẳng mang lại điều gì tốt đẹp hơn.
Truyền thống tốt đẹp ông cha ta đã lưu giữ qua hàng nghìn năm thì chúng ta nên cố gắng giữ gìn. Tôi phản đối trước ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”, bởi Tết tây là Tết tây, còn Tết ta là Tết ta, không thể lẫn lộn và đánh đồng hai khái niệm.
Một số quan điểm ủng hộ gộp Tết tây với Tết ta cho rằng, Tết Nguyên đán kéo dài và xa Tết Dương lịch gây lãng phí, tốn kém, thời gian nghỉ dài ngày khiến kinh tế phát triển trì trệ. Ông nghĩ sao về điều này?
Nếu đã ăn Tết tốn kém, đã cố tình chúc tụng với phong bao phong bì thì Tết nào cũng như thế cả thôi. Điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của mỗi người ứng xử với Tết như thế nào. Cái tốn kém, lãng phí không phải do Tết mà thành.
Tết ta đã là truyền thống tốt đẹp. Nếu chúng ta cũng ăn Tết ta vui tươi, đơn giản, đúng nghĩa như ông cha từ xưa thì không có gì phải bàn. Một năm làm lụng vất vả, mưu sinh xa quê hương rất cần có những ngày nghỉ như Tết Nguyên đán để con cháu có dịp vui vầy, sum họp, gặp mặt nhau hàn huyên câu chuyện. Để rồi qua mỗi cái Tết, những phong tục tập quán sẽ lại được nối tiếp, truyền từ đời này sang đời khác.
Tết Nguyên đán không chỉ là ngày nghỉ bình thường mà còn là đời sống tinh thần của cả dân tộc. Mà trong cuộc sống, đời sống tinh thần là điều vô cùng quan trọng. Tinh thần có tốt, cơ thể mới khỏe mạnh. Tinh thần lạc quan, vui tươi có thể chiến thắng mọi bệnh tật.
Ông cha ta gửi gắm hết cả những truyền thống tốt đẹp nhất vào bánh chưng, câu đối chứ không phải điều đơn giản và dễ dàng bỏ đi hay thay đổi.
Ngày nay, cũng bởi tham nhũng mà sinh ra những điều tiêu cực chứ cái Tết truyền thống không có chỗ cho chuyện vật chất tầm thường.
Ông có cho rằng, ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta đang quay lưng lại với truyền thống?
Không hẳn là như vậy. Nhưng rõ ràng, họ đang muốn đi đến những điều tiện lợi mà vô tình quên mất rằng, có những truyền thống nghìn đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức là vô cùng quan trọng, không dễ dàng bỏ được.
Thêm nữa, như tôi đã nói, nếu chúng ta thay đổi theo kiểu gộp 2 cái Tết vào làm một thì cũng không mang lại lợi ích gì, sự thay đổi để tốt đẹp hơn là không có. Nếu thay đổi để chấm dứt điều gì đó tệ hại thì hãy thay đổi. Còn Tết Nguyên đán đang diễn ra rất tốt đẹp, không có điều gì cần phải thay đổi. Những việc tiêu cực là do bản thân chúng ta tạo nên chứ không phải do Tết.
Ông có thể nói rõ hơn về những tiêu cực khiến một số quan điểm sợ Tết?
Tiêu cực ở đây là biếu xén quà cáp, là lợi dụng Tết để lấy lòng người này, tranh thủ sự ủng hộ của người kia. Còn với Tết cổ truyền nguyên bản, điều tốt đẹp nhất nằm ở những câu chúc giản đơn, tấm lòng chân thành mong cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Người ta không đo tình cảm bằng những chiếc phong bì dày hay mỏng, trị giá quà tặng bao nhiêu nghìn đô-la...
Những người lợi dụng Tết để làm việc cá nhân là không hay. Lợi dụng Tết để “mua quan bán chức” là điều rất xấu. Điều tiêu cực đó không phải do Tết mà ở cách ứng xử của con người với Tết.
Nếu đã có suy nghĩ tiêu cực thì dù có gộp Tết tây với Tết ta hay để riêng biệt thì vẫn sẽ tiêu cực như vậy.
Những người tham nhũng, chạy chọt, lợi dụng Tết để mưu lợi việc cá nhân là bản thân họ đang thực dụng hóa, nặng nề truyền thống tốt đẹp.
Ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của Tết cổ truyền trong đời sống hiện nay?
Không phải ngẫu nhiên mà Tết Nguyên đán đã tồn tại và được giữ gìn qua hàng nghìn năm như vậy. Đó là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là sự chứng kiến của đất trời với những đổi thay của mỗi con người. Đó là những điều khiến con người hứng khởi bắt đầu năm mới nhiều thành công. Đó là phương thuốc đặc biệt ru dưỡng tinh thần. Chỉ một số những tư tưởng thực dụng biến cái Tết thành không hay.
Có ý kiến cho rằng, gộp Tết tây với Tết ta là để hội nhập và phát triển cùng thế giới. Cá nhân ông có quan điểm thế nào?
Hoàn toàn không phải như vậy. Hòa nhập, hội nhập là ở nhiều khía cạnh, không phải gộp Tết để hòa nhập. Chúng ta hướng đến hội nhập nhưng không hòa tan, cần phải giữ gìn những gì là truyền thống. Cũng như người Nhật, dù có hội nhập và phát triển mạnh mẽ nhưng họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Một dân tộc mà không còn truyền thống, bản sắc riêng thì dân tộc ấy đã bị hòa tan chứ không phải hội nhập. Nếu để hòa tan, không còn gì là của mình thì sẽ rất nguy hiểm.
Một số ý kiến cho rằng xu hướng đi du lịch ngày Tết đang gia tăng và Tết truyền thống đã có phần phai nhạt?
Tôi thấy rằng, giới trẻ có thể rất háo hức với Tết Dương lịch, đón Noel một cách hào hứng hơn nhiều năm trước đây. Nhưng đến cuối cùng, họ vẫn quay về với gia đình, với truyền thống nghìn năm.
Chúng ta có thể nhìn vào sự háo hức của con trẻ, mong ngóng bao lì xì ngày Tết của chúng để thấy rằng “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” vẫn vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại.
Gộp Tết tây với Tết ta là điều không cần thiết. Con người Việt Nam vẫn rất háo hức với Tết truyền thống. Không khí Tết vui vẻ rộn ràng đang đến gần, đừng để chủ nghĩa thực dụng làm méo mó hồn Tết Việt, để rồi vin vào và muốn gộp Tết tây với Tết ta. Nếu sẵn tư tưởng thực dụng thì dẫu gộp vào, Tết cũng sẽ không trọn vẹn yêu thương.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)