Tối 28/9, đêm chung khảo Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hoà bình Việt Nam) đã diễn ra với sự tham gia của 50 thí sinh lọt vào vòng chung kết. Đêm thi có 2 phần: trình diễn trang phục dạ hội và trình diễn áo tắm kèm hô tên cùng một số tiết mục biểu diễn của các ca sĩ.
Sau đêm thi chung khảo, màn hô tên của các thí sinh được khán giả quan tâm đặc biệt và liên tục bình luận trên mạng xã hội. Khi nhắc đến tên và quê hương mình, các người đẹp thường cố tình kéo thật dài, lên tông, hoặc sử dụng biểu cảm hình thể để đọc tên theo cách thật hài hước để tạo ấn tượng.
Đoạn clip thí sinh Nguyễn Tâm Như với màn gọi tên độc đáo quê hương An Giang đã gây sốt trên mạng xã hội ngay sau đêm thi.
Nhiều khán giả đã bật cười thích thú với những phần hô tên đầy tính hài hước, mang đậm dấu ấn cá nhân của các thí sinh. Tuy nhiên, cũng có người đánh giá là hơi "lố" so với các cuộc thi sắc đẹp.
Sau đêm thi, phần hô tên này cũng tạo nên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi. Nhiều khán giả cho rằng phần thể hiện này đã làm mất đi sự sang trọng cần có ở một cuộc thi Hoa hậu.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, nhà thơ Dương Kỳ Anh - cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho hay: "Tôi thấy cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều về màn thi này, tôi không biết đây là chiêu trò của BTC hay không, nhưng trước đây chúng tôi không bao giờ làm thế. Cái đẹp tự nó nói lên tất cả. Đây là cuộc thi sắc đẹp nên không cần chiêu trò gì cả. Thời tôi làm, cái gì đẹp nhất, hay nhất thì đưa lên sân khấu, nếu không đẹp thì thôi".
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng nhấn mạnh, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây không có màn hô tên to và kéo dài gây cười như vậy. Các thí sinh hoặc MC xướng tên nhưng theo cách bình thường.
"Hai cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt là 2 cuộc thi tôi làm Trưởng ban Tổ chức, Ban giám khảo là không có màn hô tên dài. Có thể, màn này là do phiên bản của cuộc thi Thế giới có nên về Việt Nam mới như vậy. Nhưng theo tôi, không nên có các màn gây cười, lố của cuộc thi Hoa hậu. Nếu tôi làm Hoa hậu, tôi sẽ không làm gì khác với chuẩn mực thuần phong mỹ tục của người Việt", ông nói.
Ông Kỳ Anh cũng bày tỏ về việc "loạn sắc đẹp". Thứ nhất là loạn các cuộc thi Hoa hậu và thứ hai là loạn danh xưng Hoa hậu.
Do đó, ông nhấn mạnh các cuộc thi nên có những quy định rõ danh hiệu, danh xưng. "Cuộc thi nào cấp quốc gia mới gọi là Hoa hậu, còn cuộc thi cấp tỉnh thì nên gọi là Hoa khôi, cuộc thi cấp ngành nên nên gọi là người đẹp… Tôi cũng không theo dõi tất 22 cuộc thi Hoa hậu năm nay mà Bộ VH,TT&DL công bố, khán giả sẽ là người chấm điểm công bằng nhất với các cuộc thi này. Nhưng nếu không phù hợp về cách tổ chức, thì mong các cuộc thi này điều chỉnh để không bị "ném đá" về chất lượng cuộc thi", ông Dương Kỳ Anh cho hay.
Trước đó, chia sẻ với truyền thông về màn thi áo tắm, hô tên, bà Phạm Kim Dung - Trưởng BTC Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 cho biết, format cuộc thi được dựng lên hoàn toàn dựa trên phiên bản gốc. Trong đó phần hô tên ở những phiên bản quốc tế còn sáng tạo và giải trí hơn.
"Nếu theo dõi tại sân khấu có lẽ cảm xúc của khán giả sẽ hoàn toàn khác bởi phần hô tên kết hợp với màn trình diễn bikini vô cùng năng lượng, sôi động. Những video cắt ghép với tần suất hô tên liên tục như thế quả thực khiến người nghe mệt mỏi và cho rằng các thí sinh làm lố, thái quá", bà Dung nói.
Ban tổ chức cho biết, tại đêm sơ duyệt đêm 29/9 và tổng duyệt phúc khảo ngày 30/9, BTC bắt buộc thí sinh tự giới thiệu theo phương án quy định từ BTC, chỉ hô tên và nguyên quán. Theo kịch bản đã dựng từ đầu, đêm chung khảo sẽ có tiết tấu nhanh, vui nhộn và có tính giải trí, còn đêm chung kết được rút ngắn lại, sang trọng và lắng đọng hơn.