"Ban đầu tôi tìm hiểu nước mắm vì tò mò. Mỗi lần đi đến khu cộng đồng người Việt, tôi thấy nước mắm có một vị trí rất quan trọng, siêu thị nào cũng bán nước mắm, cửa hàng nào cũng để nước mắm ở trên bàn. Tôi hỏi rất nhiều người về điều đó và dần dần tôi nhận ra, trong nước mắm có một cái gì đó đặc biệt. Nó không chỉ là một thứ gia vị, nó là hương vị của Việt Nam. Khi bạn ngửi thấy mùi nước mắm, bạn "ngửi thấy" Việt Nam...", "Đại sứ nước mắm" Bruce Weigl tâm sự.
Nhà thơ Mỹ say đắm nước mắm Việt
Bruce Weigl là một gương mặt thân quen đến thân thuộc của văn đàn thế giới, là một cái tên thân thương của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Bất cứ ai gặp ông đều nhận thấy sự thân thiện và thân tình... vì một nỗi ông Việt Nam quá.
Qua rất nhiều "cầu nối", chúng tôi được gặp Bruce Weigl vào một buổi sáng đẹp trời, đẹp trời, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen vì hôm nay là một ngày nắng đẹp giữa mùa đông, Bruce chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi cộc tay khi đi đến điểm hẹn. Còn nghĩa bóng? Nhân vật quá tuyệt cho một bài báo, thậm chí vài bài. Ông nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi, khuyến khích vốn tiếng Anh ít ỏi trong tôi và thỉnh thoảng còn trêu chọc anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi.
Sau vài lần thấy chúng tôi trao đổi bằng tiếng Việt, Bruce hỏi: "Anh ta là sếp của bạn à?", tôi cười nói đúng rồi. Bruce nháy mắt với tôi rồi quay sang nói với anh bạn: "Bình thường phỏng vấn ở Mỹ là phải trả phí nhé, không biết là tôi đã nói chưa nhỉ? Lần này tôi lấy 500 đồng nhé". Tôi hỏi lại: "500 đồng thôi á?", Bruce nhanh nhảu sửa: "500 đô, 500 đô". Anh bạn đồng nghiệp hơi bất ngờ và bối rối nhưng cũng quay ra "ok, ok", Bruce phì cười bảo: "Không, không, tôi đùa đấy".
Hình ảnh Bruce Weigl trên con phố Nguyễn Du (Hà Nội).
Bruce trở nên thân thương vì một lẽ, ông được mọi người tặng cho danh hiệu "Đại sứ nước mắm". Nói "chuyện tình" của Bruce với nước mắm có thể viết thành sách thì hơi ngoa chứ lên báo thì đếm không xuể. Bruce yêu nước mắm, ông dùng nước mắm hàng ngày trong mọi bữa ăn. Nghĩ bụng chắc Bruce nghiện nước mắm rồi. Hỏi ông thấy nước mắm thế nào, ông nói: "Nước mắm rất tốt cho sức khỏe, tốt cho tim của bạn. Tôi dùng nước mắm thay cho muối và nó là một loại gia vị vô cùng đặc biệt, có thể ăn cùng với hầu hết các loại thực phẩm như rau, trứng, thịt gà... Thậm chí, cho một giọt nước mắm vào tách cà phê...". Nghe đến đây mấy anh em tròn mắt ngạc nhiên, uống cà phê và nước mắm? Chưa bao giờ nghĩ đến. Bruce thấy thế liền cười: "Chưa uống thế bao giờ à? Thử đi, ngon lắm đấy". Tất cả đều bật cười.
"Ban đầu tôi tìm hiểu nước mắm vì tò mò. Mỗi lần đi đến khu cộng đồng người Việt, tôi thấy nước mắm có một vị trí rất quan trọng, siêu thị nào cũng bán nước mắm, cửa hàng nào cũng để nước mắm ở trên bàn. Tôi hỏi rất nhiều người về điều đó và dần dần tôi nhận ra, trong nước mắm có một cái gì đó đặc biệt. Nó không chỉ là một thứ gia vị, nó là hương vị của Việt Nam. Khi bạn ngửi thấy mùi nước mắm, bạn "ngửi thấy" Việt Nam.
Tôi còn biết để làm ra nước mắm, người Việt đã phải vất vả thế nào, từ người đánh bắt cá đến người làm ra nó. Cả một công đoạn dài và khó khăn mới có được một giọt nước mắm nguyên chất. Và mỗi bữa ăn, chỉ cần một giọt nước mắm là đã khác lắm rồi", Bruce nói. Thú thật là tôi chưa từng thấy ai nói về nước mắm hay như thế, và cũng chưa bao giờ có được cái cảm nhận như của Bruce, cho đến khi ông nói ra... tự dưng lại nghĩ ra một danh hiệu nữa dành cho Bruce: "Nhà nước mắm học".
Tự làm nước mắm tại nhà
Người bạn đi cùng Bruce, "cầu nối" cho buổi phỏng vấn này, "phím" chúng tôi: "Ông ấy từng tự làm nước mắm đấy, hay lắm, hỏi ông ấy về chuyện đó đi". Bruce cười, viện dẫn một bài báo ông đã viết về nước mắm: "Tôi đã được ăn nước mắm cùng với nhiều người Việt. Nước mắm thật là ngon, một sự phối hợp tuyệt vời giữa sự đậm đà và ngọt ngào, và sự trù phú của một dòng sông chảy về bóng tối nơi thời gian chiếm hữu. Kể từ lúc đó tôi ăn với nước mắm bất cứ khi nào có thể ở chiến trường Việt Nam, nhưng cơ hội đó không nhiều. Dĩ nhiên nước mắm không nằm trong khẩu phần lương khô hoặc trong những bữa ăn được chuẩn bị cho lính Mỹ nơi căn cứ trại. Nhưng tôi luôn giữ hương vị của nó trong tâm trí tôi".
Thấy ông vẫn chưa kể về "phi vụ" ông tự làm nước mắm ở Mỹ, tôi hỏi lại. Bruce xua tay nói: "Tôi làm sai cách". Rồi Bruce hé lộ một câu chuyện rất buồn cười: "Hồi ở Việt Nam, tôi đã hỏi cách làm nước mắm. Họ nói bắt cá và để trong một cái thùng có lỗ, lấy cái gì đó hứng và chờ cho đến khi có nước chảy ra là có thể dùng được. Tôi đã làm và thử ăn, nó thật kinh khủng. Đến khi quay lại Việt Nam, đến Phú Quốc tôi mới biết người ta chế biến nước mắm trong những cái thùng lớn và có cả hệ thống làm sạch. Quy trình đúng phải là 12 tháng thì có những giọt nước mắm ngon và trong vắt".
"Thế nước mắm của ông làm trong mấy tháng?" - tôi ngắt lời. Bruce cười: "Chẳng được tháng nào cả, có vài ngày thôi. Vì khi để những con cá chết ở trong nhà, nó có mùi rất tệ. Chỉ vài ngày sau khi tôi ướp mấy con cá để thử làm nước mắm, cảnh sát đã vây kín nhà tôi. Thấy bóng dáng của cảnh sát ở bên ngoài đang trao đổi với những người hàng xóm của tôi, tôi liền ra hỏi. Một viên cảnh sát nói với tôi là họ được trình báo rằng ở nhà tôi có mùi gì đó giống như mùi xác chết đang phân huỷ.
Tôi liền nói: "Ồ không, tôi không nghĩ thế, đi theo tôi" và tôi dẫn họ đến chỗ tôi ướp cá. Họ buộc tôi phải vứt chúng đi vì mùi của nó rất ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thật ra tôi cũng thấy mùi nó tệ nhưng tôi nghĩ rằng đó là một phần của quá trình”.
"Sau đó ông còn thử làm nước mắm nữa không?", tôi thắc mắc. "Không", Bruce trả lời thẳng thừng rồi nói: "Bạn biết đấy, thời gian trước tìm nước mắm rất khó, không có bất cứ khu chợ Việt nào ở Ohio nên tôi mới làm thử để ăn. Bây giờ thì nhiều rồi, tôi cũng sành hơn, tôi biết loại nào ngon, loại nào không, biết tại sao nước mắm Phú Quốc lại ngon. Thỉnh thoảng, khi nấu ăn mời bạn bè, tôi dùng một ít nước mắm để nấu những món ăn châu Âu mà họ yêu thích. Và thường sau bữa ăn, bạn tôi sẽ nói rằng thức ăn thật ngon và mùi vị rất đặc biệt, rồi hỏi "Anh đã dùng gia vị gì trong công thức chế biến đấy...? Cái vị này rất đặc biệt"... Tôi không bao giờ kể cho họ nghe. Cho đến hôm nay, tôi muốn giữ bí mật đó cho mình".
Tôi khen Bruce rằng ông trở thành chuyên gia về nước mắm rồi, ông cười ra vẻ đồng ý. Rồi ông nói nhỏ với tôi: "Hứa với tôi là bạn sẽ thử nước mắm với cà phê, một giọt thôi, cho vào ly cà phê không đường. Thử đi rồi báo lại cho tôi", nói rồi ông đưa tay để lên khóe miệng, ngón cái và ngón trỏ tạo thành một vòng tròn, ra dấu "ngon tuyệt".
Một hiện tượng của thi ca Mỹ Bắt đầu buổi trò chuyện, Bruce lấy tập thông tin trên tay tôi rồi bảo: "Bạn tìm thông tin về tôi trên mạng có được nhiều không?", tôi thành thật trả lời: "Cũng nhiều, giờ phỏng vấn ông lại thành ra khó vì ông nổi tiếng quá", Bruce nói: "Quá nhiều ấy chứ, thế bạn muốn biết thêm gì nữa?". Và chúng tôi bắt đầu với Nguyễn Thị Hạnh Weigl, cô con nuôi của Bruce. Nhưng chuyện về Hạnh sẽ kể sau, trước tiên tôi nhận thấy mình có trách nhiệm giải thích sự nổi tiếng của Bruce cho những độc giả chưa biết về ông. Xin mượn lời nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (dịch giả đã chuyển ngữ 2 tác phẩm của Bruce ra tiếng Việt): "Giáo sư Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thi ca Mỹ. Sinh ngày 27/1/1949 tại Lorain, Ohio, ông từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến 1968 và đã chứng kiến những sự thật kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trở về sau cuộc chiến, ông tìm đến văn chương như một sự cứu rỗi linh hồn. Sau tập thơ đầu tay Một mối tình (1979), ông là tác giả của 13 tập thơ riêng và quyển hồi ký nổi tiếng mang tên Vòng tròn của Hạnh. Giáo sư Bruce Weigl nguyên là Chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ". |
Thanh Xuân - Anh Đức
Kỳ 2: Ông bố Tây và hành trình nuôi dưỡng tâm hồn Việt