“Anh về với bao la
Cỏ xanh vừa chấm ngực
Hiếm hoi như hạnh phúc
Mùa thu ngơ ngác xanh”
(Hoàng Nhuận Cầm)
Thế là nhà thơ của “chiếc lá buổi đầu tiên” đã về với bao la như câu thơ anh viết.
Hoàng Nhuận Cầm là thi sĩ tôi mến mộ nhất. Nói cách khác, với cảm nhận của riêng tôi, thơ Hoàng Nhuận Cầm là những bài thơ “đập vào tim“ nhất, ấn tượng nhất. Tôi yêu mến những bài thơ của anh Cầm suốt thời sinh viên, đi qua những tháng năm gian khó hay thăng hoa nhất của cuộc đời. Với tôi, đó là những vần thơ lấp lánh nhất, rực rỡ nhất và cũng bâng khuâng nhất.
Giọng thơ anh Cầm với những nét đặc trưng về nhạc điệu, cảm xúc, sự liên tưởng ... đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sinh viên, độc giả, và cả những tác giả, những nhà thơ đương đại nổi tiếng nhất cùng thế hệ hoặc sau anh một chút. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ đó kéo dài ít nhất 4 thập niên, từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến tận hôm nay. Chỉ có điều, nhiều người được coi là chuyên nghiệp trong giới văn chương không nhận ra hoặc cố tình không thừa nhận điều này. Họ chỉ coi anh là thi sĩ của giới sinh viên-một đánh giá đúng, nhưng chưa đủ.
Anh Cầm viết không nhiều, nhưng với riêng tôi, anh là nhà thơ vĩ đại nhất sau 1975. Thơ anh phủ bóng lên rất nhiều tác giả đương đại. Họ hát rất hay bằng nhịp điệu và ngôn ngữ do Hoàng Nhuận Cầm phát hiện, và khiến nhịp điệu, ngôn ngữ rất riêng của anh trở thành một gia tài chung.
Mây rất thờ ơ
Trời xanh màu tự thú
Tóc em thờ ơ bay
Ngày em hai mươi tuổi
Anh ngửa đôi bàn tay
Tình yêu hương cỏ may
Ngủ âm thầm trong đất
Lòng anh cũng vậy thôi
Hơn một lần đánh mất
Trả cho em nước mắt
Lăn ngang ngực đàn bà
Trả cho anh cát bụi
Những đêm hành quân xa
Anh về với bao la
Cỏ xanh vừa chấm ngực
Hiếm hoi như hạnh phúc
Mùa thu ngơ ngác xanh
Bay vụt qua đời anh
Mắt buồn và tóc rối
Khi mà mình có tội
Mây rất thờ ơ trôi
( Rút trong tập “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm)
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, là con đầu của nhạc sĩ Hoàng Giác. Năm 1971, khi đang học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học. Đến năm 1981, ông về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó ông chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng phim truyện Việt Nam năm 2005. Ông cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nổi tiếng bởi nhiều bài thơ (trong đó phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi yêu thích), với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi. Tiêu biểu như các bài thơ “Chiếc lá buổi đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...
Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim như “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”, “Lỗi lầm”, “Đằng sau cánh cửa”, “Pháp trường trắng”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Đoạn trường chiêm bao”, “Nhà tiên tri”…
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ “Xúc xắc mùa thu”.
Trong vai trò biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải thưởng Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất (Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17, năm 2011) và Giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất (Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011) cùng với kịch bản phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”. Ông còn nổi tiếng với nhân vật "Bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" của Đài Truyền hình Việt Nam và vai Nhà thơ trong phim Số đỏ.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời chiều 20/4/2021, hưởng thọ 69 tuổi.
Nguyễn Tiến Thanh