Xoay quanh sự việc bộ phim điện ảnh Vợ ba, sau 4 ngày công chiếu đã ngừng chiếu vì tranh cãi việc diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Từ việc bộ phim Vợ ba bị ngừng chiếu rạp, anh có đánh giá như thế nào?
Cá nhân tôi nghĩ, mỗi nền văn hóa có giới hạn khác nhau về cảnh “nóng” trong phim. Khán giả ở mỗi quốc khác nhau có cách tiếp cận khác nhau cũng rất bình thường. Riêng câu chuyện của phim Vợ ba, tôi nghĩ có lẽ sự chấp nhận của văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn chưa thoải mái lắm.
Ban đầu, bộ phim được hội đồng kiểm duyệt thông qua, cấp phép để trình chiếu đã thể hiện sự cởi mở nhất định. Tuy nhiên, đáng tiếc là sự chấp nhận của phần đông khán giả chưa trọn vẹn.
Mỗi bộ phim được làm ra đều có một lý do khác nhau. Đa số các bộ phim muốn có được doanh thu, để tái đầu tư. Cũng có một ít bộ phim chỉ để thỏa mãn đam mê của đạo diễn, biên kịch hay nhà sản xuất. Cũng có những bộ phim như Vợ ba, được làm ra nhằm tham dự các liên hoan phim quốc tế. Và thực tế nó đã làm được điều này khi đã đi chu du khắp các quốc gia khác rồi về Việt Nam công chiếu, thậm chí được 28 nước khác mua bản quyền.
Tôi tin, ê-kíp sản xuất bộ phim Vợ ba không có mục tiêu tìm kiếm doanh thu “khủng”. Vì thế, mục tiêu của bộ phim đã hoàn thành. Còn việc công chiếu ở Việt Nam có thể được xem như “duyên nợ” với khán giả nước nhà.
Những ngày qua, ồn ào xung quanh việc bộ phim có cảnh nhạy cảm của một nữ diễn viên 13 tuổi có khiến anh băn khoăn hay không?
Tôi theo dõi vấn đề từ đầu và đã xem phim khi vừa công chiếu. Từ đó, tôi nhận ra rằng, phản ứng và bình luận của khán giả, nói đúng hơn là của cộng đồng mạng, đều đến từ những người chưa xem phim. Mọi người cứ hỏi xoáy vào việc tại sao để cô bé 13 tuổi diễn những cảnh gợi dục. Chính vì chưa xem phim nên rất ít người có thể hiểu hết được tổng thể bộ phim, hiểu rằng những cảnh đó có giá trị như thế nào cho câu chuyện của phim. Sự ồn ào này thể hiện tâm lý đám đông và những điều không an toàn thì thường bị phản đối.
Nói cho cùng, Vợ ba là một bộ phim nghệ thuật. So với những phim giải trí khác thì nó đã có những khó khăn nhất định. Đa phần khán giả Việt Nam thích dòng phim như hài, tình cảm, siêu anh hùng,... Bản thân bộ phim Vợ ba đã rất khó tiếp cận khán giả. Vì thế, khi nó được bàn tán, bình luận sôi nổi cũng được xem là một phần thành công, nếu nhìn ở góc độ lạc quan.
Điều tôi cảm thấy chưa “đẹp” trong cách hành xử trong ồn ào này chính là mọi người đang sử dụng câu chuyện của một nhân vật, một diễn viên để công kích cả bộ phim. Có vẻ như đây là thói quen của nhiều người theo kiểu một con sâu làm rầu nồi canh. Có hợp lý không khi chỉ cần thấy một con sâu thì phán đoán cả nồi canh có sâu và phán xét, chỉ trích? Nhưng nói chung, ở đâu thì phải chấp nhận ớ đó. Chuyện bộ phim bị ngưng chiếu, đối với tôi thì không bất ngờ.
Phim đã bị ngưng chiếu, nhưng theo anh, sự ồn ào này khi nào sẽ kết thúc? Và liệu, phán quyết nào sẽ được đưa ra?
Phải thừa nhận rằng, nếu tôi có con gái và muốn tham gia bộ phim có những cảnh nhạy cảm như vậy, tôi sẽ không chấp nhận. Nhưng không có nghĩa là một gia đình khác cũng không chấp nhận, vì quan điểm của mỗi người là khác nhau.
Tôi nghĩ, bản thân diễn viên Trà My và mẹ của em ấy cũng đã có những sự e dè nhất định. Nhưng trong nghệ thuật, có những quyết định nằm giữa đường ranh, rất khó nói là đúng hay sai. Họ cũng hiểu rằng sẽ có tranh cãi, nhưng chắc là không lường trước sự phản ứng từ dư luận lại mạnh mẽ như hiện nay.
Nói thẳng vào vấn đề, nếu như mọi người cho rằng ê-kíp sản xuất phim Vợ ba và gia đình diễn viên Trà My làm sai thì sau khi bộ phim bị ngưng chiếu, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có khung hình phạt cho diễn viên tham gia phim trái quy định pháp luật hay chưa? Hay tất cả chỉ đang phán xét theo cách cảm tính và áp đặt.
Nếu pháp luật, đặc biệt là luật Điện ảnh quy định rõ về độ tuổi đóng phim, mức độ nhạy cảm phải phù hợp thế nào với từng đối tượng diễn viên,... thì tôi đồng ý. Nhưng thực tế là chưa có.
Còn việc chúng ta mượn Bộ luật Lao động để nói đến trường hợp này thì chúng ta có nên suy xét lao động trong một tác phẩm nghệ thuật sẽ khác như thế nào với những loại hình lao động khác? Trường hợp này có sự thuận tình của người giám hộ, là mẹ của diễn viên Trà My nên càng phức tạp hơn. Câu chuyện bị đẩy đi quá xa, nhưng không hề có cơ sở nào đủ thuyết phục.
Như vậy, từ trường hợp đầu tiên này, bài học chúng ta rút ra được là gì?
Cũng giống như quy định gắn nhãn cho phim, cấm trẻ em dưới 13 tuổi, dưới 16 tuổi hoặc dưới 18 tuổi, chúng ta chỉ mới được thực hiện chưa được 2 năm gần đây. Vì thế, xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ hơn từ trường hợp này là rất cần thiết. Để sau này, với các trường hợp khác, chúng ta sẽ sòng phẳng nói chuyện với nhau. Còn hiện nay, mọi luận điểm vẫn đang rất cảm tính và chạy theo dư luận.
Đối với phim Vợ ba, đây là trường hợp đầu tiên. Cũng vì chưa có tiền lệ nên nó buộc phải trở thành “vật tế thần” để bị chỉ trích. Chuyện này hoàn toàn dễ hiểu khi điện ảnh Việt Nam vẫn còn ở trường mẫu giáo trong khi người ta đã vào đại học. Song, điều này cũng là thuận lợi để chúng ta nhìn được bài học của các nền điện ảnh nước khác để học hỏi, phát triển. Nhưng đó cũng là hành trình rất khó nếu hệ thống pháp luật không có sự quan tâm đúng mức cho văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!