Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không tiếc khi bị lỡ đề cử giải Nobel

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không tiếc khi bị lỡ đề cử giải Nobel

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 3, 22/02/2022 08:00

Lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được bức thư mời đề cử ứng viên tham dự xét giải. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã lên tiếng về việc này.

Mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông nhận được thư của Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2022, nhưng khi thư đến tay ông, thời hạn gửi đề cử đã qua hơn 2 tuần. Vì thế, Việt Nam đã bị lỡ cơ hội đề cử giải này.

Chiều 21/2, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin về việc này.

Văn hoá - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không tiếc khi bị lỡ đề cử giải Nobel

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, ông có thể nói về thông tin Việt Nam đã bị lỡ cơ hội đề cử giải Nobel Văn chương năm 2022 do thư mời đến muộn so với quy định?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đây là lần đầu tiên, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển gửi thư cho Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị đề cử tác giả Việt Nam để xét Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2022 bằng thư theo đường bưu điện, nhưng ngày cuối cùng gửi hồ sơ đã qua được khoảng 15 ngày. Nhiều người hỏi tôi, có tiếc không? Không, tôi không tiếc khi bị lỡ đề cử giải Nobel. Tôi vui vì lần đầu tiên, Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển lại gửi thư cho Hội Nhà văn ở Việt Nam. Họ không gửi tràn lan mà phải chọn lựa rất kỹ. Các nhà văn Việt Nam đã được nhiều tổ chức trên thế giới biết đến, họ cũng đã từng đạt nhiều giải thưởng văn chương khác trên thế giới. Đó là một tín hiệu tốt. 

Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đang kiếm tìm một giọng nói văn chương mới, khác biệt, ở những vùng còn khuất trên bản đồ văn chương thế giới, và Việt Nam là một vùng đó. Đây là một dấu hiệu tốt cho cả 2. Sự biểu hiện của văn chương Việt Nam trên thế giới ngày một rõ hơn. Còn chúng ta bị lỡ đề cử của năm 2022, thì chúng ta sẽ đề cử năm 2023, 2024.

Từ việc nhận được thư mời này, chúng ta sẽ biết nền văn học Việt Nam đang ở đâu so với thế giới. Để xác định điều đó, tự thân các nhà văn phải xác lập sự dấn thân của mình trong sự nghiệp sáng tác. Vấn đề của thời đại, của con người không chỉ ở một quốc gia riêng biệt mà là vấn đề của toàn cầu. Và người viết phải thể hiện được sự sáng tạo của xử sở, văn hoá, ngôn ngữ nước mình. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, tôi đã triển khai chiến lược dịch văn học Việt Nam đưa ra thế giới. Đây là một chiến lược đúng và quan trọng. Tôi hy vọng, Chính phủ sẽ thấu hiểu và đứng đằng sau Hội Nhà văn Việt Nam để hỗ trợ, giúp đỡ.

NĐT: Ông có biết phía Ủy ban Nobel đã tiếp cận những tác phẩm nào của văn học Việt Nam?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:  Hiện tại, tôi chưa biết họ đã tiếp cận tác phẩm nào. Nhưng khi nhận được thư, tôi bất ngờ lắm. Không đơn giản để nhận được một bức thư mời đề của của Giải thưởng Nobel. Đây là một tín hiệu nghiêm túc, chắc họ cũng hy vọng ở Việt Nam sẽ có những tác giả, nhà văn có tiếng nói riêng, góp phần quan trọng cho văn chương thế giới. 

NĐT: Có thông tin, ông sẽ gửi thư tới Ủy ban Nobel để cảm ơn, và mong muốn Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục gửi thư cho ông sớm hơn trong dịp xét giải Nobel văn chương 2023?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng vậy, tôi sẽ viết thư cảm ơn và sẽ nói về một số điểm cơ bản của văn học Việt Nam đương đại hiện nay. Tôi sẽ nói thêm về thái độ của người Việt Nam với giải Nobel Văn học này, rằng chúng ta rất trân trọng và đánh giá cao giải thưởng này. Để làm sao, giữ mối quan hệ tốt giữa 2 bên. Tiếp đó, chúng ta sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để bước ra khỏi ranh giới của mình ở những lần đề cử tiếp theo.

NĐT: Văn học Việt Nam đã được thế giới biết đến nhiều hơn, nhưng dường như văn hoá đọc của mình chưa được chú ý nhiều, ông có thấy thế không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 2 thập niên gần đây, văn hoá đọc của Việt Nam chưa được chú trọng. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện, kích cầu văn hoá đọc như các ngày sách Việt Nam, các nhà xuất bản nỗ lực trong việc giới thiệu các ấn phẩm, nâng cao chất lượng nội dung, nhưng cần phải có thời gian để "phục dựng" lại văn hoá đọc. 

Văn hoá - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không tiếc khi bị lỡ đề cử giải Nobel (Hình 2).

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông không tiếc khi bị lỡ đề của giải Văn học Nobel lần này.

NĐT: Theo ông, các tác phẩm văn chương của Việt Nam đã đủ tầm để cọ xát với các tác phẩm trên thế giới để hy vọng sẽ mang giải Nobel về trong thời gian tới không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta lâu nay thường hay tự ti, cho rằng một số lĩnh vực của mình chỉ ở mức độ này, mức độ kia, không thể so với thế giới. Quả thực, so với các nền văn học lớn, chúng ta vẫn cần phấn đấu.

Nhưng chúng đã đã từng có những giải văn chương quốc tế, tôi tin rằng, văn chương Việt Nam đủ yếu tố và tầm vóc để có giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nỗ lực nhiều, xem có khoảng trống này cần lấp đầy không? Chúng ta cần dịch nhiều hơn các tác phẩm của những tác giả Việt Nam ra thị trường sách quốc tế. 

Đó chính là con đường giúp giới chuyên môn và độc giả nước ngoài có thể đón nhận tác phẩm một cách chính xác nhất. Thực tế cho thấy, không ít tác phẩm được thế giới đánh giá cao, sau đó mới được ghi nhận bởi các chuyên gia và độc giả trong nước.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Trên trang Nobelprize những người có một trong số các điều kiện sau đây sẽ có cơ hội được đề cử ứng viên cho giải Nobel: Thành viên Viện hàn lâm Thuỵ Điển hoặc các học viện, viện hàn lâm, các tổ chức có cơ cấu và mục đích tương tự; Giáo sư văn học hoặc ngôn ngữ tại các trường đại học; Những nhà văn đoạt giải Nobel Văn học các năm trước; Chủ tịch các hội nhà văn đại diện cho nền văn học của các quốc gia riêng biệt.

Những người đủ tư cách giới thiệu ứng viên giải Nobel Văn học sẽ được Uỷ ban Nobel gửi giấy mời, đề nghị đưa ra ứng viên thích hợp. Tuy nhiên, không ai được tự ứng cử.

Quy trình lựa chọn giải Nobel Văn học sẽ là:

Tháng 9 năm trước: Gửi thư mời - Uỷ ban Nobel sẽ gửi thư đến 600-700 cá nhân và tổ chức có đủ tư cách giới thiệu ứng viên Nobel.

Tháng 2 năm sau: Chốt danh sách đề cử - Hạn chót để các cá nhân và tổ chức gửi đề cử của mình đến Uỷ ban Nobel là ngày 31/1 năm sau. Uỷ ban sẽ tập hợp danh sách này và đệ trình lên Viện hàn lâm phê chuẩn.

Tháng 4: Vòng sơ khảo – 15-20 ứng viên sẽ được lựa ra để tiếp tục đi tiếp vào vòng chung khảo.

Tháng 5: Chung khảo – Từ danh sách sơ khảo, Uỷ ban Nobel sẽ chọn ra 5 người để tiếp tục đệ trình lên Viện hàn lâm.

Tháng 6-8: Đọc tác phẩm – Trong suốt ba tháng hè, các thành viên Viện Hàn lâm sẽ đọc và đánh giá tác phẩm của các ứng viên đã lọt vào chung khảo. Uỷ ban Nobel cũng sẽ chuẩn bị báo cáo về từng ứng viên.

Tháng 9: Viện hàn lâm thảo luận – Các thành viên Viện hàn lâm sẽ thảo luận về đặc điểm và giá trị trong sáng tác của các nhà văn lọt vào chung khảo.

Tháng 10: Nobel Văn học được quyết định – Đầu tháng 10, Viện hàn lâm sẽ chọn ra người duy nhất xứng đáng. Người được lựa chọn phải nhận được số phiếu bầu quá bán. Sau đó, Viện hàn lâm công bố kết quả cuối cùng.

Tháng 12: Trao giải Nobel – Lễ trao giải diễn ra ngày 10/12 tại Stockholm. Người chiến thắng sẽ nhận được một huy chương, một giấy chứng nhận và 1,4 triệu USD tiền thưởng.

Danh sách các ứng viên còn lại sẽ được Viện hàn lâm giữ bí mật đến 50 năm sau.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.