Những người thời xa vắng ấy, kể lại Nguyễn Tất Nhiên còn nổi tiếng hơn khi kiện đòi tiền bản quyền những bài thơ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc. Khi ấy, 5 bài hát phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên được ký hợp đồng độc quyền với một hãng băng đĩa có tiếng. Tất nhiên thời ấy, những bài thơ của cậu thanh niên chưa đến 20 tuổi mà được Phạm Duy phổ nhạc phải lấy là hãnh diện. Đằng này cậu ta lại kiện... đòi tiền nhạc sỹ quả là “ngông cuồng”. Có người nói, chẳng phải ham tiền đâu, thật ra cái tính của Nhiên là thế.
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Sau này, khi gửi các bài thơ trên tập san Hợp Lưu, anh cũng có thói quen đòi chủ bút Khánh Trường phải trả tiền nhuận bút. Bởi vì tờ báo nghèo, những người cộng tác có bài đăng là vui rồi, có ai nghĩ đến nhuận bút đâu. Vậy nhưng, chủ bút Khánh Trường lại trả nhuận bút cho Nguyễn Tất Nhiên vì thương bạn. Và Nguyễn Tất Nhiên là người duy nhất được trả nhuận bút ở tờ báo ấy.
Vụ đòi chia bản quyền của Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành câu chuyện ồn ào của văn đàn Sài Gòn năm 1970. Có người nói, Nguyễn Tất Nhiên đã “đòi” nhạc sỹ Phạm Duy trả 1 triệu đồng. Mãi sau này, người vợ của thi nhân quá cố bà Nguyễn Thị Minh Thủy mới hé lộ chút ít: Anh không phải túng thiếu hay ham tiền đến nỗi phải thưa kiện. Điều bận tâm duy nhất của anh lúc đó vẫn là những vần thơ mình rút ruột làm ra, nếu được dùng ở đâu đó cũng phải ghi kèm tên tác giả. Nguyễn Tất Nhiên và nhất là cha mẹ anh rất bực bội khi thấy những bản nhạc được in bán dưới hình thức từng bài lẻ có đề tên người sáng tác là Phạm Duy mà không nhắc tới tên tác giả thơ.
Ngay cả lúc bài “Thà như giọt mưa” được bán bản quyền cho hãng đĩa Việt Nam để soạn thành ca khúc tân cổ giao duyên (do các nghệ sĩ Chí Tâm và Lệ Thủy trình bày) cũng vậy. Tên tuổi thi sĩ hoàn toàn bị gạt ra ngoài... hư vô. Với tính tình nóng nảy, anh chạy đi cầu cứu với giới báo chí. Đúng lúc thiên hạ đang bất mãn giùm cho thi sĩ Linh Phương có thơ được phổ nhạc nhưng không được nêu tên. Vì vậy, một số tờ báo đã đứng về phía những nhà thơ, phát động phong trào đặt lại vấn đề tác quyền cho người làm thơ .
Theo lời kể của cha mẹ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy cũng tìm lên nhà anh ở Biên Hòa và gặp họ. Nhưng gặp theo kiểu ghé qua nhà cho biết chứ không hề đề cập đến vấn đề. Chờ đợi mãi một lời nói chính thức nhưng không được đáp ứng, cuối cùng họ mới giao cho một luật sư (là người bà con) đứng ra can thiệp. Vụ kiện sau đó đã được điều đình để tránh phải lôi nhau ra tòa, nhằm cứu vãn thanh thế cho nhạc sĩ này. Bên nguyên đã bãi nại và nhận một số tiền bồi thường do những cơ sở thương mại đứng ra chi trả.
Thời gian hơn 40 năm trôi đi, nhiều điều người ta đã quên, nhạc sỹ Phạm Duy 93 tuổi- người trong cuộc vẫn còn nhớ rõ. Ông cũng khẳng định: “Phạm Duy chưa bao giờ đến nhà Nguyễn Tất Nhiên. Tôi đến đấy làm gì kia chứ”? Nói về vụ kiện bản quyền đình đám, nhạc sỹ của những bản tình ca nói: “Vụ kiện này, hắn (Nguyễn Tất Nhiên- PV) hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Vì thế tôi đã nói thẳng: Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết”.
Nghĩ lại chuyện bản quyền ồn ào khi xưa, nhạc sỹ Phạm Duy bây giờ chỉ thấy... buồn cười. Ông khẳng định: “Tôi còn giữ được những bản thảo, những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên “xin” tôi phổ nhạc”.
Theo thời gian, vụ kiện đình bản quyền đình đám cũng dần lãng quên. Có lẽ chẳng ai còn giận ai nữa khi một người đã đi về nơi rất xa, tận bên kia thế giới và chỉ có khúc giao cảm thơ- nhạc ở lại với đời.
Minh Khánh