Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cuốn sách Hương của nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, tác phẩm sẽ phát hành tại Việt Nam và 1.000 bản đầu tiên đã được chuyển tới Mỹ phục vụ kiều bào tại Mỹ và các nước lân cận.
Tiểu thuyết là những trang viết xúc động, nhằm giúp tuổi trẻ hôm nay và mai sau hiểu thêm về thế hệ cha anh đã hy sinh cả tuổi xuân và xương máu của mình cho độc lập, tự do của dân tộc đồng thời có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về lịch sử, về những người lính từng chiến đấu. Cuốn sách đã tái hiện lại cuộc đời của một người lính tên Lĩnh, người giáo viên trẻ mới vào nghề đã xung phong vào chiến trường khốc liệt. Tại mảnh đất Quảng Trị mưa bom bão đạn này, anh đã gặp được một mối tình khắc cốt ghi tâm, mối tình như duyên tiền định với người con gái tên Hương.
Vượt lên trên tất cả những đau thương, mất mát mà chiến tranh giáng xuống, tình yêu vẫn tỏa màu xanh sự sống. Nhưng chiến tranh đã đẩy họ ra xa, làm cho họ không có cơ hội gặp lại, để đến tuổi xế chiều Lĩnh mới tìm ra Hương thì cô đã không còn trên cõi đời này. Nhưng cuộc đời vẫn ưu ái cho anh khi để anh gặp lại Bao - người bác sĩ phía bên kia chiến tuyến, người đã từng cứu chữa, che chở cho anh trong những tháng ngày ở bệnh viện và người đã làm chồng của Hương, làm cha của con anh khi không tìm được tin tức gì của anh trong thời buổi loạn lạc của chiến tranh. Bên cạnh đó, Lĩnh còn được gặp con gái của mình sau bao năm xa cách.
Cuốn sách cũng như một nén hương tưởng niệm những anh hùng thầm lặng đã ra đi vì Tổ quốc thân yêu, những con người làm nên bảng tráng ca của lịch sử năm 1972 ở Quảng Trị.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về cuốn sách này, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cho hay: "Cuốn sách tôi viết nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ thành cổ năm 1972. Tôi muốn mọi người biết thêm về những khốc liệt của chiến tranh để trân quý hơn ngày hôm nay. Với Hương, tôi đã trộn lẫn bút pháp hư cấu và phi hư cấu, như chương 9 là không hư cấu chút nào, đó là những câu chuyện thật của bạn bè tôi ở chiến trường.
Tôi mất khoảng 2 tháng thì xong truyện, bố cục của tác phẩm tôi có từ lâu, khi được sự ủng hộ của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật thì tôi viết rất nhanh. Tôi và hoạ sĩ Lê Thiết Cương chơi với nhau khá lâu rồi nên anh Cương hiểu và vẽ bìa sách cho tôi. Anh Cương vẽ theo ý tưởng của mình mà tôi không phải can thiệp".
Nói về động lực viết sách khi văn hoá đọc hiện tại chưa được giới trẻ chú ý nhiều, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cho biết: "Tôi viết để sau này, con cháu tôi sẽ đọc, chúng sẽ hiểu về chiến tranh ở thành cổ Quảng Trị như thế nào. Tôi đặt tên tiểu thuyết là Hương vì nhân vật nữ trong chuyện tên như vậy, đồng thời Hương cũng là sự ẩn dụ: Thành cổ Quảng Trị sẽ đọng lại Hương mãi mãi, nén Hương tưởng nhớ người nằm xuống, chiến đấu anh dũng cho Tổ quốc".
Nhà thơ cho biết thêm, sau Hương, ông sẽ viết một cuốn sách về chiến tranh ở Trường Sơn. Ngoài viết về âm nhạc, ông còn có gần 2.000 bài thơ tình - một con số không hề nhỏ, thể hiện bút lực mạnh mẽ. Trong đó có một số bài tạo dư luận: Không đề, Những giọt mưa đồng hành, Cởi, Đại đội đỏ... Thơ của ông còn được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Mỹ, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha.
Ông là người sống rất trọn vẹn khi xuất bản hẳn một số tập thơ dành riêng cho quê hương Hải Phòng: Mẹ cửa biển, với thủ đô Hà Nội đang sống: Càn khôn ngàn tuổi, với người vợ "đầu ấp tay gối": Hiền và người nông dân: Lúa tím.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thụy Kha còn tham gia viết lý luận âm nhạc và truyện ngắn với: Đêm trăng muộn (in Báo Văn nghệ), Người lính của tôi (tập truyện), Cây lá đỏ, Ta lư... được độc giả rất yêu thích. Năm 2014, ông cùng một năm đoạt giải thưởng cấp trung ương của Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ mà trong lịch sử văn nghệ Việt Nam tới nay chưa ai cùng lúc được hai thành tích này.
Khi được hỏi: Làm thế nào để giới trẻ quan tâm đến văn hoá đọc hơn? Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cho hay: "Tôi cho rằng phải cần nhiều yếu tố như phải có tác phẩm hay, tác phẩm phải được truyền thông mạnh mẽ. Với bản thân tôi, tôi chỉ biết viết hết lòng còn nhận xét như nào là do khán giả".