Nhà thơ cho biết, ông vừa đi khám ở bệnh viện về, đó là đợt khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe cho người già. Ở tuổi 74, nhưng trông ông khỏe mạnh và linh hoạt, nhất là khi nói đến thơ, ánh mắt ông lấp lánh đam mê. Tuy không được đào tạo bài bản về văn chương, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc với những tác phẩm mang "dáng dấp" thời đại…
Từ bác sĩ thành nhà thơ
Nhà thơ Vũ Quần Phương kể cho chúng tôi nghe rất nhiều kỷ niệm và những hồi tưởng của ông luôn gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định. Điều làm nên những khác biệt trong thơ Vũ Quần Phương chính là chất suy tưởng và những tình cảm nồng thắm, bình dị được thể hiện trong những bài thơ của ông. Đọc thơ ông, người ta có cảm tưởng như đang đọc một câu chuyện mà ông khéo léo dẫn dắt người nghe đến những suy nghĩ giàu triết luận, đúc kết từ những kinh nghiệm của chính cuộc đời ông. Những bài thơ về tình yêu của nhà thơ Vũ Quần Phương đọc lên ta thấy, đó là tiếng lòng của bất kỳ người đang yêu nào, có nhớ nhung, chờ đợi, hồi hộp và ưu tư.
Nhà thơ Vũ Quần Phương tại nhà riêng.
Nỗi nhớ và những người con thành đạt Ở tuổi 74, nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ đang sống những ngày tháng yên bình, tuy nhiên nỗi nhớ con, cháu vẫn thường trực trong ông bà. Hai con trai làm việc bên Mỹ, một dạy toán ở Đại Học Yale, một là chuyên gia công nghệ của hãng Google. Ông cho biết, thỉnh thoảng ông và vợ sang Mỹ để thăm con cháu. Hàng năm, nhà toán học Vũ Hà Văn đều về nước vào dịp hè để giảng tại Viện toán cao cấp và các trường đại học ở Việt Nam, các cháu cũng tranh thủ hè về thăm ông bà. |
Nhà thơ kể, ông đến với thơ một cách rất tình cờ. Nhưng có lẽ, việc gắn đời mình vào những câu chữ ấy đã tạo cho ông sự tinh tế, nhạy cảm với những thay đổi của cuộc sống. "Sáu tuổi tôi mồ côi bố. Mười tuổi đã xa nhà đi trọ học. Ngay từ những ngày ấy tôi đã thấm thía nỗi cô đơn. Có lúc thấy mình lủi thủi không có ai chia sẻ. Sự nghĩ ngợi đến với tôi từ rất sớm và có lẽ, đó cũng là cách tôi tìm đến thơ, yêu những con chữ từ rất sớm. Đó là khởi đầu cho những uẩn khúc trong tâm tư, tạo nên chiều sâu của tâm hồn tôi". Sau khi bố mất, mẹ con ông phải sống nhờ trong một ngôi nhà thờ họ, mùa đông phải dán thêm giấy bóng che bớt những cơn gió lạnh. Bao nhiêu năm rồi ông vẫn nhớ cái cảnh ấy, không có nhà, thỉnh thoảng mẹ con ông lại phải chuyển đi nơi này nơi khác. Cảnh nghèo ấy khiến ông sớm phải suy nghĩ và lo toan cho cuộc sống của mình.
Ý thức được sự vất vả của cuộc sống, nhà thơ Vũ Quần Phương học hành rất nghiêm túc, hết phổ thông, thi vào đại học Y Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc và về công tác tại bộ Y tế. Đối với ông, công việc khởi đầu như thế là thuận lợi. Nhưng rồi nỗi đam mê với thơ đã ám ảnh ông. Năm 1969, nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương ít nhiều có lưỡng lự bởi chính mẹ nhà thơ cũng khuyên ông rằng, nên ở lại bộ Y tế để làm việc. Mãi đến 2 năm sau ông mới quyết định dứt bỏ nghề Y về công tác tại chương trình tiếng thơ, thuộc Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đó, ông vừa biên tập cho chương trình, lại vừa tham gia nói chuyện thơ và trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp, một nhà phê bình thơ được tin cậy.
Làm ở chương trình tiếng thơ được 12 năm, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm biên tập ở Nhà xuất bản Văn học. Trong 6 năm làm xuất bản, ông đã trực tiếp biên tập, tuyển chọn làm tuyển tập cho các tác giả thuộc lớp tiền chiến. Thời kỳ này ông dành nhiều thời gian để viết phê bình thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng Vũ Quần Phương có tài "điểm huyệt" văn chương, lột tả thần thái của bài thơ một cách chính xác và thuyết phục. Những bài bình thơ của ông luôn được đón nhận, nhất là với học sinh, sinh viên, trở thành tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều thế hệ học trò suốt mấy chục năm qua.
Nhiều người đã đọc thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương và cho rằng, thơ ông luôn có cách nói bằng tứ, ngôn từ bình dị nhưng ý tưởng thâm thúy. Dường như ông đã dùng cách cảm của mình để nói giùm nỗi lòng của rất nhiều người, như bài "Đợi", "Áo đỏ", "Chiều", "Trước biển"… Dù đọc những bài thơ đã đi qua gần 50 năm, nhưng nhiều người vẫn cảm nhận được hơi thở của xã hội hiện đại trong đó. Đến nay, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có khoảng hai nghìn cuộc nói chuyện thơ cho đủ các tầng lớp nhân dân, khắp các miền đất nước và trở thành một trong những nhà bình luận thơ đương đại xuất sắc nhất hiện nay.
Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương (ở giữa) cùng vợ chồng con trai - GS Vũ Hà Văn (đứng ở hai bên phía ngoài ảnh).
Lớp trẻ "tỉnh táo" với thơ?!
Bài thơ "Đợi" đã được phổ nhạc "Đợi" của nhà thơ Vũ Quần Phương là một bài thơ đầy đặn với cảm xúc của một người đang yêu, chờ người con gái của mình đến chỗ hẹn. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, bài thơ này cũng chính là cảm xúc của tác giả, nhưng nó cũng là tâm trạng của những người đang yêu nói chung. Đợi chính là niềm tin vào tương lai, vào tình yêu được đơm hoa kết trái: "Anh đứng trên cầu đợi em/Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/Nước chảy bên lòng, anh đợi em…". "Đợi" đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc từ 1986, ngay khi mới ra đời. Bằng cách hoán đổi vị trí nhân vật trữ tình giữa "Anh" và "Em" và với chất liệu ca trù tạo nên giai điệu thiết tha, ngọt ngào, trong sáng. |
Khi nhắc đến bài thơ "Áo đỏ" của mình, ông chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm ra đời bài thơ ấy: Đó là vào năm 1973, khi Hà Nội vừa trải qua cuộc đánh bom Điện Biên phủ trên không trong 12 ngày đêm khói lửa. Trong thời chiến, nhiều người dân đều mặc màu xanh công nhân, hoặc màu cỏ úa bộ đội, nữ thì thêm xanh da trời, màu lòng tôm, màu da bò... thì ở giữa phố Khâm Thiên, những ngày đầu hòa bình ấy, xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ, cái sắc đỏ đã làm cả một góc phố phải chú ý, ai cũng phải ngoái lại nhìn. Có cụ cao niên đạp xe dấn lên để ngoái lại nhìn gương mặt cô gái. Một chàng trai đang cạo râu đầu phố, khẽ gạt tay người thợ cạo ra để ngó: " Áo đỏ em đi giữa phố đông /Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không"… Bài thơ chỉ có 4 câu thôi, nhưng ý nghĩa của nó lại dài hơn thế. Màu áo đỏ như dấu hiệu đầu tiên của đời sống yên bình, như một khát khao về cuộc sống hòa bình và no đủ.
Khi nhắc đến thơ đương đại, nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá: Trong những nhà thơ trẻ hiện nay cũng có những người tài, nhưng họ lại không yêu văn chương đến đam mê, dám bỏ cả đời như thế hệ trước. Họ tỉnh táo hơn. Điều đó cũng có mặt hay. Họ có năng lực ở nhiều lĩnh vực. Mà cuộc đời cũng đang mở ra nhiều lĩnh vực. Họ vẫn làm thơ theo cảm xúc, theo ý thích, nhưng họ không coi đấy là một nghề nên cũng không bỏ hoàn toàn tâm trí và thời gian. Chính vì điều này, nhiều nhà thơ trẻ hiện nay, chỉ làm thơ như một nghề tay trái đầy ngẫu hứng. Đây là điều làm nhà thơ Vũ Quần Phương và một số tác giả cùng thời với ông lo lắng. Nhưng lo mà để bụng thôi. Bởi ông nghĩ rằng, cuộc đời hôm nay nhiều bất ngờ. Một nhà khoa học, có khi giữa đời quay sang văn chương nghệ thuật. Ngày nay tốc độ tư duy cần cho cả khoa học lẫn nghệ thuật. Điều đó lớp trẻ bây giờ mạnh hơn thời trẻ của cha anh.
Trả lời câu hỏi, văn học Việt Nam sau 1975 có rất nhiều tác phẩm hay, nhưng vì sao không có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh, ông cho biết: "Ở ta, không thể tách rời văn học khỏi điều kiện chính trị, xã hội. Hiện nay, tổ chức xã hội đang lúng túng, văn chương cũng đang lúng túng để tìm cho mình một lối đi riêng. Lý luận văn học chưa rõ đâu. Riêng về thơ giới trẻ, tài năng chưa tập trung vào những cá nhân nhất định. Nhiều tác phẩm văn học được đánh giá là hay, có giá trị nhân văn cao, nhưng chưa được đưa vào chương trình phổ thông cũng có nhiều lý do. Bởi khái niệm thơ hay, văn hay hiện nay còn rất nhiều tranh cãi, vì thế việc đưa một tác phẩm vào trường học không đơn giản và phải qua nhiều khâu xét duyệt".
Lạc Thành