Sáng 17/7, nhiều nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ thông tin nhà thơ Phan Vũ qua đời. Nhà báo Diễm Chi - một người gần gũi với nhà thơ Phan Vũ những năm cuối đời - cho biết ông mất lúc 3h sáng ngày 17/7 tại nhà riêng. Trước khi mất, tác giả Em ơi! Hà Nội phố mắc nhiều bệnh tuổi già, cơ thể suy kiệt.
Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926 ở Hải Phòng. Ngoài viết thơ, ông còn là nhà viết kịch với những tác phẩm được công chúng mến mộ như: Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang.
Phan Vũ còn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Ông là đạo diễn của các phim như: Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại. Cuối đời, Phan Vũ chuyên tâm với hội họa. Ông tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.
Nhà thơ Phan Vũ đã sống một đời dài (gần một thế kỷ), ông hoạt động nghệ thuật từ rất sớm. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cuộc đời nghệ thuật của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực. Đầu tiên ông được yêu mến như một nhà viết kịch, đạo diễn, những vần thơ tìm tòi đổi mới (cùng thời với Lê Đạt, Trần Dần).
Một quãng thời gian tên tuổi ông ít được nhắc tới. Mãi cho đến năm 2008, ông mới có tập thơ đầu tiên ra mắt: tập Phan Vũ thơ (NXB Văn học xuất bản năm 2008). 10 năm sau, cùng những bài thơ này được in lại, có bổ sung thêm, thành tập Ta còn em (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2018). Cuốn sách cuối cùng của Phan Vũ chỉ vừa ra mắt vài ngày trước khi ông qua đời là tập tản văn Ly rượu trần gian (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2019).
Tuy viết từ năm 1972, song Em ơi! Hà Nội phố chỉ lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ. Đến khi được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, công chúng mới biết đến một ca khúc hay, bài thơ hay, tên tuổi Phan Vũ lúc ấy được nhắc đến nhiều.
Nhiều người nghĩ bài thơ chỉ có vài câu như thế. Thật ra đó là một trường ca nhỏ, nồng nàn, da diết, khắc họa, bảo lưu lại nét đẹp Hà Nội bằng thơ. Cho đến khi tập thơ công bố sau này, bạn đọc có cơ hội thưởng thức trọn vẹn tác phẩm đẹp về Hà Nội.