Truyền thống là thẻ căn cước của tâm hồn
Mới đây một câu chuyện đau lòng liên quan đến môn Lịch sử lại xảy ra. Hàng trăm học sinh cùng đồng loạt xé đề cương môn Sử và nhiều giấy tờ khác tung giữa sân trường. Nhiều người gọi hiện tượng đó là giọt nước làm tràn li nước vốn đã tràn từ lâu. Rằng học sinh ngày càng ghét lịch sử và văn hóa truyền thống.
Nhưng nếu nhìn ở một góc thẳng thắn hơn thì câu chuyện không đến nỗi bi đát như vậy. Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ trước đây ông cũng từng hò reo khi nghe tin thầy giáo ốm, được nghỉ học. Tất nhiên, không ai có thể phủ định khi gặp trường hợp như vậy mà không vui mừng. Đừng nghĩ là học trò thích thày ốm.
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Song sự việc này cũng là một vết gợn mà chúng ta cần xem xét. Liệu có phải giới trẻ đang ngày càng xa rời giá trị văn hóa truyền thống? Truyền thống Việt tạo nên tính chất đặc trưng cho tâm hồn Việt. Nó bộc lộ trong ăn ở, cư xử, làm việc, từ việc cầm đũa ăn cơm cho đến cách vui, cách buồn... Truyền thống tạo nên căn cước của tâm hồn. Nếu không có nó chúng ta sẽ không ra người Việt.
Hiện nay không ít giới trẻ đang dần lãng quên truyền thống. Nhưng theo nhà thơ thì trách nhiệm là ở thế hệ đi trước. "Như con chim ra ràng chim phải được chim bố chim mẹ dạy tập bay khi rời tổ. Con hổ con báo đều được bố mẹ dạy săn mồi. Có chú bé người được sói nuôi, lớn lên nó mang tập tính sói. Gia đình nền nếp, trọng đạo lý, yêu lẽ phải, chuyên cần chịu khó... sẽ tạo tính cách tốt đẹp, cách sống lương thiện cho con cháu. Nếu các bạn quên truyền thống thì sẽ không ra người Việt, mất đi niềm tự hào dân tộc. Bơ vơ. Bị nhân loại coi thường đấy” – Nhà thơ chia sẻ.
Trong xã hội ngày nay chúng ta không thể đóng cửa để chỉ sống với những giá trị truyền thống. Tiếp thu truyền thống và tiếp nhận văn hóa ngoại lai cả hai đều cần thiết và điều phải có chọn lọc để phát huy. Truyền thống cũng vận động chứ không bất biến. Với ngoại lại cũng cần lọc lấy yếu tố văn minh tiến bộ, phù hợp, không mù quáng chạy theo cái lạ, cái lập dị. Ngoại lai được tiếp nhận rồi sẽ thành truyền thống.
Đừng để phải xây nhiều nhà tù
Trong cuộc sống hiện nay thật đáng buồn khi chúng ta vẫn nhận thấy những hình ảnh không đẹp, những sự vô cảm đến đau lòng. “Tôi đã thấy có thời người lớn cấm trẻ con trong làng chơi với đứa bé con địa chủ, mặc cho thằng bé (hay con bé) kia lang thang một mình. Tội nghiệp lắm! Có khi nó còn bị đánh mà không dám kêu ai, không dám khóc. Hay có khi muốn làm một việc nào đó nhưng lại rất dễ mang vạ vào thân cũng chính là điều đẩy người ta vào vô cảm.
Lỗi này không phải do ai khác mà là từ cách sống của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự vô cảm ấy sẽ có thể được gạt bỏ khỏi cuộc sống nếu mỗi người trang bị cho mình thêm những bản lĩnh đúng đắn.
"Thanh niên hiện nay không thiếu bản lĩnh đâu. Nhưng cần tạo điều kiện cho họ bộc lộ bản lĩnh. Bản lĩnh khi học, khi chơi, khi suy nghĩ, khi tranh luận, khi hành động... Dân chủ thật sự, tôn trọng thật sự với họ sẽ tạo môi trường cho bản lĩnh trẻ bộc lộ và phát huy" - nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.
Để rèn luyện được bản lĩnh mỗi bạn trẻ cần biết rằng "thép đã tôi thế đấy", phải có chông gai thử thách thì chúng ta mới trưởng thành lên được. Và vượt lên tất cả là thanh niên phải luôn giữ sự trung thực, dũng cảm, sự tự tin và niềm tin vào chính nghĩa. Đồng thời cần xã hội hỗ trợ về tinh thần và kĩ năng sống nhất là phương tiện lập nghiệp.
“Nhà nước cần có suy nghĩ lớn, chính sách lớn giúp giới trẻ vượt qua trở ngại này. Xây nhiều nhà máy để khỏi xây thêm nhà tù. Cấp bách lắm. Thanh niên bao giờ cũng thèm làm người tốt. Đừng buông họ rơi vào cám dỗ, rơi vào bức bách, cùng đường. Bớt hội hè đình đám, những thứ tưởng là bảo vệ truyền thống mà thực chất không bằng dùng tiền đó dạy nghề, lập xưởng cho thanh niên.
“Đất trăm nghề, của trăm vùng/ Khách phương xa đến lạ lùng tìm xem” - thơ Nguyễn Đình Thi - mới là truyền thống thật sự, truyền thống tinh hoa" - nhà thơ gửi gắm.
Theo Tiin.vn/TTVN