Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vừa mang lại tia hy vọng cho Ukraine về gói viện trợ quân sự bổ sung mà quốc gia Đông Âu này đang cần gấp để chống lại các lực lượng Nga trên tuyến đầu.
Nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại cơ quan dân biểu “xứ cờ hoa” cũng đồng thời gợi ý những điều kiện, mà ông gọi là “những đổi mới quan trọng”, sẽ được ràng buộc với gói viện trợ cho Kiev vốn đã bị trì hoãn từ nhiều tháng nay.
Trong những tuần gần đây, ông Johnson đã ngỏ ý muốn gắn viện trợ cho Ukraine với việc Chính quyền Biden đảo ngược quyết định tạm dừng cấp phép cho các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Chủ tịch Hạ viện đã đích thân nêu vấn đề với Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp riêng vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ điều này.
“Tổng thống đã nói rõ rằng Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nên thông qua thỏa thuận an ninh quốc gia lưỡng đảng đã được Thượng viện thông qua càng sớm càng tốt, để cung cấp cho Ukraine viện trợ mà nước này cần để tự bảo vệ mình khỏi Nga”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm 2/4.
“Tổng thống ủng hộ việc tạm dừng phê duyệt các giấy phép xuất khẩu LNG mới để đánh giá tác động kinh tế và khí hậu đối với người tiêu dùng và cộng đồng”, tuyên bố nêu rõ.
Hồi tháng 1, Chính quyền Biden đã ra lệnh tạm dừng cấp phép cho các dự án mới về xuất khẩu LNG sang châu Âu, châu Á và các quốc gia khác không phải là đối tác thương mại tự do của Mỹ, trong khi Bộ Năng lượng Mỹ đánh giá xem lĩnh vực này ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Lệnh cấm có nguy cơ làm gián đoạn các kế hoạch đối với các dự án xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD dọc theo bờ biển vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ, bao gồm cả một cơ sở xuất khẩu quy mô lớn được Venture Global LNG Inc. lên kế hoạch cho bang Louisiana, quê hương của ông Johnson, có tên là CP2.
Ông Johnson cũng đã nêu ra trường hợp của dự án này trong cuộc gặp với ông Biden, theo New York Times, tờ báo trước đó đã đưa tin về cuộc gặp.
Trong lúc viện trợ vẫn bế tắc ở Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất hỗ trợ quân sự trị giá 100 tỷ Euro (108 tỷ USD) cho Ukraine trong 5 năm tới. Theo Reuters, đề xuất này sẽ được tranh luận trong cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Brussels vào ngày 3-4/4.
Hãng thông tấn DPA của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao NATO cho biết, đề xuất nhằm mục đích giúp vấn đề hỗ trợ cho Ukraine bớt phụ thuộc vào diễn biến chính trị ở từng quốc gia thành viên và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm trong toàn liên minh.
Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)