Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang gây áp lực buộc các công ty liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn phải minh bạch hơn khi tình trạng thiếu chip toàn cầu tiếp tục tàn phá nhiều ngành công nghiệp, các quan chức cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese hôm 23/9 đã có cuộc họp với đại diện của các công ty, bao gồm ba nhà sản xuất ô tô lớn (Big Three) có trụ sở tại Detroit, Michigan, là General Motors, Ford Motor và Stellantis, cũng như các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, gồm Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), Samsung Electronics Co., Apple Inc. và Intel Corp., theo những nguồn thạo tin.
Raimondo cho biết đã đến lúc "mạnh tay" trong việc giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn ngày càng trầm trọng khiến các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp của các ngành khác phải cắt giảm sản lượng và ảnh hưởng đến hàng nghìn công nhân Mỹ.
"Đã đến lúc phải quyết liệt hơn. Tình hình không những không khá hơn mà còn có xu hướng xấu đi”, Raimondo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Theo Raimondo, Nhà Trắng dự kiến yêu cầu các công ty cung cấp thông tin trên tinh thần tự nguyện trong tuần này để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề chip từ phía ngành công nghiệp, “và mục tiêu là tăng cường tính minh bạch để chúng tôi có thể cố gắng xác định đâu là điểm nghẽn và sau đó dự đoán những thách thức”, cũng như tìm ra các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Bộ Thương mại sẽ yêu cầu các công ty điền vào bảng câu hỏi để cung cấp thông tin về "cung và cầu, hàng tồn kho, đặt hàng và phân khúc khách hàng" trong 45 ngày tới, Raimondo cho biết.
Đồng thời, bà cảnh báo, nếu các công ty không phản hồi trên tinh thần tự nguyện,"chúng tôi có các công cụ khác trong bộ công cụ của mình để khảo sát các công ty và yêu cầu thông tin. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không cần phải làm đến mức đó. Nhưng nếu cần, chúng tôi sẽ làm".
Tình trạng thiếu hụt chip đã khiến sản xuất bị đóng băng và làm giảm doanh số bán hàng ở nhiều loại hình kinh doanh, từ ô tô đến máy tính xách tay.
Đây là lần thứ ba một cuộc họp như thế này được tổ chức, quy tụ đại diện từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ nhà sản xuất chip đến người dùng, và thông điệp của chính quyền tiếp tục giống như các phiên họp trước.
Raimondo và các quan chức khác đã nhấn mạnh rằng, khu vực tư nhân phải hành động quyết liệt hơn và minh bạch hơn nếu muốn chính quyền giải quyết thành công tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trong trung hạn.
Tuy nhiên, giờ đây, Nhà Trắng dường như đang gia tăng áp lực đối với các công ty. Nhiều công ty đã miễn cưỡng cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc cung và cầu của họ.
Phản ứng từ ngành ô tô
Ford cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9, họ đánh giá cao nỗ lực của chính quyền trong việc củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia và hỗ trợ người tiêu dùng Mỹ và ngành sản xuất.
“Chúng tôi khuyến khích tất cả các thành viên của chuỗi cung ứng hỗ trợ quy trình thu thập dữ liệu của Bộ Thương mại để cải thiện tính minh bạch và giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn”, phát ngôn viên của Ford, Melissa Miller, cho biết trong một tuyên bố với Automotive News.
“Trong thời gian chờ đợi, các nhóm của chúng tôi đang làm việc để tối đa hóa sản lượng, với cam kết tiếp tục sản xuất các mẫu xe mà khách hàng có nhu cầu với chất lượng như mong đợi”.
Liên minh Đổi mới Ô tô, tổ chức đại diện cho Ford, GM, Stellantis và các nhà sản xuất ô tô lớn khác ở Mỹ, cũng thừa nhận nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm giải quyết “thách thức quan trọng của chuỗi cung ứng”.
“Các nhà lãnh đạo từ ngành bán dẫn và ngành ô tô đang tích cực làm việc để giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể, và đang nỗ lực tăng cường tính minh bạch và khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng bán dẫn ô tô”, John Bozzella, CEO của Liên minh, cho biết trong một tuyên bố.
“Cuộc thảo luận hôm nay là một cơ hội quan trọng để tiếp tục nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn ô tô và đặt nền tảng cho các giải pháp trung và dài hạn”.
Hệ thống cảnh báo sớm
Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng với các đại sứ quán Mỹ khắp nơi trên thế giới, sẽ thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm để đảm bảo rằng những gián đoạn liên quan đến Covid-19 trong sản xuất có thể được giải quyết nhanh hơn, một quan chức trong Chính quyền Tổng thống Biden nói với các phóng viên.
Với thông tin thu thập được từ các đại sứ quán, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và những đơn vị khác, hệ thống sẽ cho phép chính quyền phát hiện những gián đoạn tiềm ẩn sớm hơn, đồng thời hỗ trợ giải quyết vấn đề nhanh hơn và phối hợp tốt hơn với các đối tác thương mại và khu vực tư nhân, cân bằng với việc đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, hỗ trợ hệ thống y tế công cộng phản ứng và mở cửa lại các nhà máy một cách an toàn.
Hệ thống này cũng được thiết kế để bảo vệ thông tin nhạy cảm về quyền sở hữu hoặc kinh doanh cho các công ty tự nguyện tham gia.
Chính quyền muốn đảm bảo rằng họ đang hỗ trợ tối đa về vật chất và kỹ thuật cho những địa điểm này để duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất chất bán dẫn chủ chốt và các cơ sở quan trọng khác.
Minh Đức