Như Người Đưa Tin đã thông tin, trong mùa tuyển sinh năm nay có 4 trường: Trường đại học Văn Lang (Tp.HCM), Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường đại học Tân Tạo (Long An) và Trường đại học Duy Tân mở rộng khối xét tuyển ngành y không có môn Sinh học hoặc không có môn Hóa học mà thay bằng môn Ngữ Văn.
Thông tin này gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người lo ngại nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Riêng trường đại học Duy Tân, 5 ngành về sức khỏe là ngành điều dưỡng, ngành dược, y khoa chuyên ngành bác sĩ đa khoa, ngành răng hàm mặt chuyên ngành bác sĩ răng hàm mặt, ngành kỹ thuật y dược có tuyển tổ hợp tuyển sinh A16 là Toán, Khoa học Tự nhiên (KHTN), Văn; tổ hợp B03 là Toán, Sinh Văn; C02 Văn, Toán, Hóa.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân cho rằng, nhiều năm qua, các tổ hợp môn xét tuyển đào tạo ngành Y của trường vẫn luôn giữ nguyên các yếu tố xét tuyển truyền thống của ngành, luôn đảm bảo sinh viên có kiến thức đầy đủ về Khoa học Tự nhiên, đặc biệt là Sinh học ngay từ Trung học Phổ thông (THPT) và tiếp tục được bổ sung các kiến thức chuyên sâu ở trình độ đại học.
Từ năm 2017 đến nay, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT đổi mới môn thi tốt nghiệp, thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và thí sinh chọn thêm 1 bài thi KHTN gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, hoặc 1 bài thi Khoa học Xã hội (KHXH) gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân.
“Như vậy, việc trường Đại học Duy Tân bổ sung thêm tổ hợp môn Toán, Văn, KHTN để xét tuyển thí sinh vào ngành Y với môn Ngữ Văn bên cạnh bài thi KHTN là xuất phát từ việc đổi mới bài thi THPT, phù hợp với các văn bản và quy định của tuyển sinh đại học”, thầy Hải nói.
Vị Phó hiệu trưởng cho biết thêm, với thực tiễn của ngành Y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ, khả năng giao tiếp và chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân, các yêu cầu về các giá trị nhân văn, đạo đức, kỹ năng đọc, hiểu là không thể thiếu trong đào tạo Y khoa.
Điều này cho thấy sự cần thiết để mỗi sinh viên nên có kiến thức vững chắc về Ngữ Văn nhằm áp dụng vào từng tình huống xử lý y khoa đòi hỏi việc ra các quyết định nhân văn cụ thể.
Những thí sinh có điểm Ngữ Văn cao, tức ngưỡng đảm bảo đầu vào ngành Y, là điều kiện thuận lợi để hình thành nên tính nhân văn, và sẽ làm tốt công việc của ngành sau này.
“Cũng không thể mặc định cho rằng những thí sinh giỏi Ngữ Văn là dở Khoa học Tự nhiên trong khi những điều kiện đảm bảo về KHTN cũng vẫn được giữ nguyên trong tổ hợp môn xét tuyển”, tiến sĩ Hải giải thích.