Hỏi: Tôi có biết một nhà dòng kia (tập thể tôn giáo) vào những năm 1990 cuộc sống rất là khó khăn, vì vậy họ cũng phải đi làm kinh tế để mưu sinh. Hồi đó luật pháp nhà nước không cho phép các tổ chức tôn giáo mua bán đất đai và đứng tên (bây giờ tôi cũng không rõ đã có gì thay đổi chưa, tôi chỉ nghe loáng thoáng các tổ chức tôn giáo chỉ được nhận tặng hiến đất, nhưng cũng chưa rõ thực hư thế nào)? Vì vậy, các thành viên trong tập thể đó đã đứng ra để mua một vài thửa đất để canh tác trồng cà phê, và mỗi người đứng tên một bìa đỏ (cũng có người đứng tên 4-5 bìa đỏ).
Các thửa đất này đều liền kề với nhau. Tất cả các thành viên này đều là những người tu hành, họ không có con cái, và mọi của cải đều là của chung. Thế nên, để tránh những khó khăn, tranh chấp xảy ra sau khi họ qua đời, tất cả những thành viên này đều muốn sang tên các sổ đỏ đất mà họ đang đứng tên cho tập thể tôn giáo của họ đứng tên (tập thể này đã được nhà nước công nhận và có tư cách một pháp nhân). Vậy thì luật pháp nhà nước về đất đai sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp này? Việc chuyển nhượng như vậy có được không? Có ngăn trở, khó khăn hay tốn kém tiền bạc nhiều không? Hoặc có cách nào khác để làm thủ tục sang tên từ các thành viên cho tập thể tôn giáo đó không? Xin Quý Vị giải đáp và tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cám ơn! (Nguyenha@...)
Trả lời: Trước tiên, ta cần hiểu thế nào là một tổ chức tôn giáo, cở sở tôn giáo và Pháp luật Việt Nam quy định điều kiện như thế nào để có thể coi là một tổ chức tôn giáo được Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.
Hiện nay theo quy định tại . Khoản 3, 4, Điều 3 Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 thì: Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận; Tổ chức tôn giáo cơ sở là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của đạo Cao đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hoà hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác; . khoản 7, Điều 3 Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo ngày 18/06/2004 thì: Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.
Khoản 1, Điều 28 pháp lệnh này cũng quy định: Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 Luật đất đai Việt Nam năm 2003 về người sử dụng đất thì: Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất. Như vậy, theo quy định này thì tổ chức tôn giáo được thành lập hợp pháp, sẽ được Nhà nước công nhận quyền sử dụng hoặc giao đất. Như vậy, có thể thấy rằng tổ chức tôn giáo được thành lập hợp pháp, tuân thủ các quy định của Pháp luật Việt Nam đều được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.
Quay trở lại vấn đề ta đã nêu ở trên, thì các thành viên là nhà tu hành hoàn toàn có thể chuyển nhượng các thửa đất trên cho tổ chức tôn giáo, và các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo có quyền được nhận chuyển nhượng theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành cụ thể như sau: Tại khoản 1, Điều 28 Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo thì: Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo hoàn toàn có thể thực hiện được.
Sau khi sang nhượng đất thì người đứng đầu tổ chức tôn giáo, sẽ thay mặt giáo xứ thực hiện các quyền về nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Theo Chất lượng Việt Nam