Pháo đài Phước Thắng (năm 1820, còn có tên gọi khác là đồn) là nơi diễn ra chiến công vang dội của triều Nguyễn khi lần đầu tiên nổ súng chống quân xâm lược Pháp tấn công Nam Kỳ.
Đến năm 1898, đồn Phước Thắng thất thủ, người Pháp san bằng pháo đài và các khu vực xung quanh để xây dựng Bạch Dinh, làm khu nghỉ mát cho toàn quyền Pháp - Paul Doumer, ở Đông Dương.
Tuy nhiên, ông Paul Doumer về nước khi công trình còn dang dở. Sau khi Bạch Dinh hoàn thành, nơi này biến thành nhà an trí của vị vua yêu nước Thành Thái.
Nơi vua Thành Thái bị giam lỏng hàng chục năm.
Vua giả mất trí nhớ để chống Pháp
Nhắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu, người ta nghĩ đến nơi với những bãi biển đẹp. Nơi đây, từ giữa thế kỷ XIX đã hứng chịu những phát súng đầu tiên của quân dân triều Nguyễn chống giặc Pháp xâm lược ở vùng Nam Bộ. Trong những năm quân Pháp xâm lược, chúng coi Bà Rịa - Vũng Tàu như một chốn ăn chơi hưởng thụ của quan binh.
Đặc biệt, ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn ghi dấu ấn một công trình kiến trúc gắn liền với những ngày tháng đau thương của vua Thành Thái (vị vua yêu nước của triều đình nhà Nguyễn). Đó là Bạch Dinh hay dinh ông Thượng, là nơi quân Pháp dùng để an trí vị vua yêu nước của triều đình nhà Nguyễn. Thực ra, giữa chốn "sung sướng" chưa phút giây nào vị vua này nguôi nỗi đau mất nước.
Bất cứ ai khi thả bộ trên dọc đường Trần Phú, bãi Trước, bãi Sau (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) đều có thể nhìn thấy ngôi "biệt thự trắng” xóa nằm giữa một rừng cây xanh ngút ngàn. Mùa nào hoa ấy nở, toả ngát hương. Toà nhà ấy nổi bật, hướng nhìn ra biển. Ngoài cái tên Bạch Dinh, người dân địa phương còn gọi toà nhà ấy bằng cái tên thân mật - dinh Ông Thượng hay Bạch Điền.
Vào năm 1820, nơi đây là pháo đài Phước Thắng của triều Nguyễn (được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20). Chính tại đây, quân dân pháo đài Phước Thắng, lần đầu tiên bắn súng vào hạm đội quân Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định từ đường biển.
Sau khi chiếm và bình định Nam Kì, viên toàn quyền Pháp - tên là Paul Doumer đã ra lệnh san bằng pháo đài Phước Thắng để xây dựng biệt thự riêng cho mình. Theo những gì được kể lại, thì vị toàn quyền này đã lấy tên con gái là Villa Blanche (nghĩa là Bạch Dinh theo tiếng Hán Việt) đặt tên cho biệt thự.
Trước những hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, vua Thành Thái, tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân đã thể hiện quyết tâm chống Pháp đến cùng. Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà hoàng hậu Từ Minh (tên huý là Phan Thị Điểu). Năm vua Thành Thái 4 tuổi, vua cha Dục Đức bị phế ngôi và chết trong tù.
Vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi. Dù còn nhỏ nhưng vua Thành Thái đã thể hiện tính cương nghị và lòng yêu nước. Lễ đăng quang của vị vua này cũng chưa từng có trong tiền lệ lịch sử (triều Nguyễn và các triều đại phong kiến khác của dân tộc) khi không truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc, cũng không có di chiếu. Bởi lúc trước, khi rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Không ấn ngọc, không di chiếu, nhưng lại có một toán lính Pháp "bồng" súng ở bên trong cửa Ngọ Môn.
Vua Thành Thái được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Theo nhiều nhà sử học sau này đánh giá, những việc làm này của vua Thành Thái không ngoài ý định là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người cấp tiến, hiểu Pháp để chống Pháp.
Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với văn minh phương Tây. Ông được đánh giá là vị vua gần gũi với dân chúng và thường xuyên vi hành. Vua Thành Thái cho phép hoàng phi đi cùng xe với mình.
Vua Thành Thái tỏ ý kiên cường chống Pháp, làm người Pháp rất khó chịu. Đặc biệt, ông thường bí mật liên lạc với các nhà cách mạng của phong trào Đông Du, khuyến khích việc đưa thanh niên ra nước ngoài học hỏi để dùng vào việc đại sự về sau. Trước các ý tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, người Pháp lo ngại, tìm cách ngăn cản. Để che mắt người Pháp, vua Thành Thái sẵn sàng giả hành động của người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, vua Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi nhằm xé nát các bản vẽ.
Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp nên không để Thành Thái tại ngôi được nữa. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, phải thành thực hồi tâm, chuyển ý. Vua Thành Thái đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn của người Pháp xuống đất, từ chối đòi hỏi của người Pháp. Năm 1907, nhân dịp Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévêque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong Đại nội.
Nỗi lòng nơi nhà tù không song sắt
Không yên tâm với việc giam lỏng vị vua yêu nước Thành Thái tại Huế, người Pháp đưa ông an trí tại Bạch Dinh (từ năm 1907 đến năm 1916). Quân Pháp đã biến Bạch Dinh thành "nhà tù trắng". Chúng đã nhốt ông ở đây và đưa hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San (con thứ năm của vua Thành Thái) mới 8 tuổi lên làm vua để dễ bề điều khiển.
Tuy nhiên, có lẽ thực dân Pháp cũng không thể ngờ vị vua Duy Tân (Vĩnh San thái tử) còn quyết tâm kháng Pháp hơn cả vua cha. Vua Duy Tân cũng chịu chung số phận giống cha, bị thực dân Pháp giam lỏng ở Bạch Dinh 3 ngày, rồi đưa đi đày ở Angiêri (châu Phi) xa xôi, khắc nghiệt về thời tiết.
Bạch Dinh được khởi công xây dựng năm 1898, do kiến trúc sư người Pháp Bơrôma thiết kế, mang đậm kiến trúc châu Âu thế kỉ XIX. "Biệt thự trắng" cao 19m, dài 25m, rộng 8m, gồm 3 tầng: Hầm, trệt, lầu. Bạch Dinh có 3 mặt giáp biển, lưng tựa núi lớn nhất Vũng Tàu, với độ cao 27,7m so với mặt nước biển. Từ Bạch Dinh cũng có thể nhìn thấy bãi Trước, núi Lớn, núi Nhỏ, nhìn xuống có thể thấy hòn Hải Ngưu, xưa kia là nơi vua chúa ngồi câu cá.
Quanh ba mặt tường chính của toà nhà có 8 bức tượng đá bán thân mang phong cách nghệ thuật Hy-La cổ đại. Phía sau và bên phải Bạch Dinh là rừng cây giá tỵ (cây tếch) nhiều chục năm tuổi. Bên trái là lối đi bộ nguyên thủy, với 146 bậc tam cấp và rừng sứ cổ thụ. Những viên gạch lát nền vẫn được giữ nguyên vẹn, dù chúng đã ít nhiều xuống cấp bởi thời gian và bước chân của hàng ngàn du khách đến thăm.
Chủ trương xây Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi cho mình, nhưng Paul Doumer đã về Pháp tranh cử Tổng thống trước khi Bạch Dinh hoàn thành. Suốt thời Pháp thuộc và sau này, dưới thời Việt Nam cộng hòa, Bạch Dinh được dùng làm nơi nghỉ ngơi cho các đời Toàn quyền Đông Dương, Tổng thống, Thủ tướng và các tướng lĩnh cao cấp. Hơn 100 năm qua, Bạch Dinh vẫn uy nghi, trang trọng với 19 khẩu thần công hướng ra phía biển nhưng lại rất hoà nhã với kiến trúc Rô-ma cận đại và rừng cây xanh ngút ngàn.
Bao quanh Bạch Dinh là khuôn viên rộng gần 6 ha với một nửa diện tích là cây giá tỵ. Theo anh Lê Đức Quang, đường Trần Phú (TP.Vũng Tàu) thì, vào mùa mưa, Bạch Dinh tràn ngập những cành giá ty; mùa lá rụng, hai con đường đi lên Bạch Dinh tràn ngập hoa sứ với hương thơm phảng phất, êm dịu. Ở đây, hoa sứ rất phong phú, đa dạng như sứ đỏ của Thái Lan; sứ trắng, hồng, vàng từ Chăm-pa. Mặc dù được an trí ở nơi có phong cảnh hữu tình nhưng vị vua yêu nước chưa lúc nào nguôi nỗi đau đất nước. Ông mang nỗi lòng của mình gửi vào thơ ca.
Hiện nay, tấm bia khắc bài thơ Sầu tây bể cấp chan chứa tâm sự buồn thương, uất hận của vua Thành Thái vẫn được lưu giữ trong khu vực di tích Bạch Dinh. "Sống thuở nào có biết hôm nay/Nhìn thấy non sông đất nước này/Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/Ruột tằm đòi đoạn mối sầu Tây/Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt/Bể cấp tứ bề sóng bủa vây/Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc/Dẫu cho sắt đá cũng chau mày" - trích trong bài thơ Sầu tây bể cấp. Đến năm 1916, thực dân Pháp bí mật đưa vua Thành Thái đi an trí tại đảo Réunion (châu Phi).
Đến tháng 5/1947, Pháp đưa ông về nước và giam tại Vũng Tàu. Năm 1953, ông mới được về thăm Huế và trở vào Sài Gòn, rồi mất sau đó 1 năm. Đ.T
Đỗ Thơm