Điện lực là xương sống của nền kinh tế, vì thế hoạt động tư vấn thiết kế điện lực là ngành kinh doanh có điều kiện với các điều kiện hết sức khắt khe. Theo văn bản số 32/2006/QĐ-BCT của Bộ Công thương, đơn vị muốn được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn điện phải có chuyên gia tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm hoạt động từ 5 năm trở lên. Cụ thể, muốn tư vấn, thiết kế điện lực đến 110 KV phải có ít nhất 10 chuyên gia có chứng chỉ hành nghề tư vấn điện đến 110 KV.
Đơn vị tư vấn, thiết kế trạm biến áp 110 KV phải có tối thiểu 10 chuyên gia có chứng chỉ hoạt động điện lực
Thế nhưng dù là con đẻ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (là đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc – NPC) nhưng từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH MTV tư vấn điện miền Bắc vẫn chưa có được giấy phép “Hoạt động điện lực”; Không có đủ 10 chuyên gia có chứng chỉ hành nghề tư vấn điện đến 110KV. Bất chấp các quy định chặt chẽ của Bộ Công thương, Cty này vẫn kinh doanh dịch vụ tư vấn điện cho nhiều dự án điện đến 110 KV.
Trong số này, có rất nhiều dự án liên quan sát sườn đến xã hội và cả nền kinh tế như: Dự án Nâng công suất trạm 110 KV Thường Tín (Hà Nội); Dự án cải tạo trạm biến áp 110 KV Sơn Tây (Hà Nội); Giám sát thi công trạm 110 KV Bắc An Khánh và nhánh rẽ (Hà Nội); Giám sát thi công trạm 110 KV Gia Lâm (Hà Nội); Đường dây và trạm 110 KV Lục Nam (Bắc Giang); Trạm biến áp 110 KV Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Trạm biến áp 110 KV TP.Thái Bình…
Vì sao liên quan đến một lĩnh vực hệ trong như vậy mà doanh nghiệp này vẫn làm ăn kiểu “chui lủi” như vậy? Lần ngược thời gian, tháng 6/2009, khi ông Tô Hiến Sơn được bổ nhiệm làm giám đốc thì Trung tâm tư vấn xây dựng điện 1 (nay là Công ty TNHH MTV tư vấn điện miền Bắc) có tới 40 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư vấn điện đến 110 KV – có chứng chỉ hành nghề tư vấn điện. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo NPC và Công đoàn cấp trên của Công đoàn Công ty TNHH MTV tư vấn điện miền Bắc cho thấy: Đến nay, số người có chứng chỉ hành nghề chỉ còn dưới 10 người. Trong đó, có đơn vị cả lãnh đạo lẫn nhân viên đều không có chứng chỉ hành nghề. Nguyên do là, kể từ khi chuyển thành Cty TNHH MTV, do lương thấp, nợ lương kéo dài, do công tác quản lý, điều hành yếu kém… khiến phần lớn các chuyên gia bỏ đi hoặc nghỉ không lương dài hạn.
Trong điều kiện hoạt động chặt chẽ, việc Công ty TNHH MTV tư vấn điện miền Bắc bất chấp quy định của Nhà nước khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về tính pháp lý và chất lượng các công trình mà doanh nghiệp này đảm trách, nhất là trong thời gian qua, một loạt sự cố điện liên quan đến các trạm 110 KV đã xảy ra.
Bất chấp việc đội ngũ chuyên gia bỏ đi vãn người, như Thanh tra Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã làm rõ, doanh nghiệp này vẫn nợ người lao động tới 21 tỷ đồng tiền lương, trong đó có tới 4,9 tỷ đồng đã bị sử dụng sai mục đích.
Bên cạnh đó, dù năm nào công ty cũng hạch toán hoàn thành kế hoạch, làm ăn có lãi nhưng tiền lương của người lao động không chỉ bị trả chậm mà số nợ lương ngày một tăng, tiền lương bình quân không tăng mà có xu hướng giảm. Chẳng hạn, đơn giá tiền lương năm 2009 là 41,5% thì đến nay chỉ còn 38,5%. Trái lại, vốn chủ sở hữu của cty được Tổng công ty cấp còn tăng theo thời gian: Tháng 6/2009 là 2,7 tỷ đồng, cuối năm 2009 NPC cho vay không tính lãi 6 tỷ đồng, đến tháng 2/2012 vốn chủ sở hữu tới 17,5 tỷ đồng.
Phong Nhĩ