Nhà văn Di Li: "Tham lam" vì không ai được sống hai lần

Nhà văn Di Li: "Tham lam" vì không ai được sống hai lần

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Xuất hiện và để lại dấu ấn trong thể loại văn học trinh thám và hài hước, Di Li gần như tả xung hữu đột ở dòng văn học này. Không chỉ là nhà văn, Di Li còn làm cho không ít người ngạc nhiên bởi "dấu ấn" trong dịch thuật, truyền thông. Với chị "tham lam" trong công việc bởi một lẽ đơn giản không ai được sống hai lần.

Người đẹp cầu toàn và ...tham lam

Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, truyền thông, dịch thuật… còn "nhà" nào mà công chúng chưa được biết về chị? Chị có nghĩ mình đang "tham lam" quá không?

Tôi ngưỡng mộ và kính nể những người "tham lam" mà lại không bị mang tội "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" như đạo diễn, nhà thơ, họa sĩ Đỗ Minh Tuấn, lĩnh vực nào ông cũng thu được những thành tựu đáng kể, chưa kể ông còn viết văn, viết nhạc và từng học triết học. Nhạc sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến cũng vậy. Anh đã thành công trên những lĩnh vực mình theo đuổi.

Xã hội - Nhà văn Di Li: 'Tham lam' vì không ai được sống hai lần

Làm nhiều nghề một lúc có thuận lợi là kiến thức của nghề nọ bổ sung cho nghề kia rất đắc lực, thành ra lại nhàn hơn được một chút. Giống như tôi từng học 4 ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp, Ý, thấy rất nhàn, vì cấu trúc câu và từ vựng của cả 4 ngôn ngữ này có nhiều điểm chung. Học sang ngoại ngữ thứ 2, thời gian học của tôi rút ngắn hơn người khác, sang đến ngoại ngữ thứ 3 thì còn ngắn hơn nữa. Tôi nghĩ rằng mình đang làm việc chuyên nghiệp và bình đẳng với từng nghề, không có thứ nào là tay trái hay tay phải cả. Tôi tâm niệm mỗi ngày luôn sống lạc quan, có ý nghĩa và cố gắng làm được những điều mình muốn. Vì không ai được sống hai lần cả.

Ông xã của chị thích chị là "nhà" nào nhất?

Có lẽ chẳng thích "nhà" nào cả. Ngày trước tôi nghĩ ổng thích tôi là nhà giáo. Nhưng sau thấy tôi lúc "chạy sô" sang trường đại học này dạy PR, trường đại học kia dạy tiếng Anh, trường nọ dạy văn hóa Anh - Mỹ, chưa kể dạy thêm tiếng Việt cho người nước ngoài... Lúc đó, chồng tôi đều thở dài, bảo "tham". Giờ chắc thấy tôi rất đáng ghét.

Trẻ trung, xinh đẹp, năng động nhưng thể loại văn chương mà độc giả ấn tượng về Di Li lại là thể loại trinh thám với sự kinh dị, phiêu lưu. Tại sao lại có sự "đối nghịch" như vậy?

Trong con người tôi mọi sự đều mâu thuẫn và đối nghịch nên tôi nghĩ điều này cũng hợp lý thôi. (cười)

Chị nghĩ sao khi nhiều người gọi chị là Người đàn bà đẹp viết?

Tôi chẳng nghĩ gì, chỉ đang sợ, không biết người ta gọi mình như thế được mấy hồi. Vì chẳng có cụ bà nào được gọi như thế cả. (cười)

Hình ảnh Di Li xuất hiện trước công chúng khá chăm chút và hoàn hảo, có vẻ chị "kiểm soát" hình ảnh của mình quá kỹ?

Tôi là người duy mỹ. Tôi thích sự hoàn hảo. Không phải bây giờ mà tôi vốn đã là người cẩn trọng với hành vi, lời nói và cách phục sức. Đối với người khác cũng vậy. Nếu tôi phỏng vấn nhân vật, họ đưa cho tôi một cái ảnh không đẹp lắm, tôi sẽ đề nghị họ phải gửi lại ảnh khác, nếu không tôi sẽ tự đến chụp. Ngay cả ảnh của các nhân vật mà tôi đưa lên website riêng cũng rất cầu kỳ.

Đó là về hình ảnh bên ngoài, còn trong công việc?

Trong công việc, tôi yêu cầu văn bản không được sai một lỗi chính tả, một dấu chấm, dấu phẩy. Cách trình bày in ấn và thiết kế đều phải đạt thẩm mỹ. Lẵng hoa đặt tại sự kiện cũng phải phù hợp với màu sắc tổng thể. Cũng may đó là một trong những yêu cầu vô cùng khắt khe của nghề PR và quảng cáo. Khi dạy học trò chuyên ngành PR, ngày nào lên lớp tôi cũng nhắc, các em phải nhớ một điều nằm lòng rằng nghề của chúng ta cái gì cũng phải làm cho đẹp, đẹp từ tờ giấy in trở đi. Ai cũng yêu cái đẹp mà, chẳng lẽ nhà văn là cứ phải úi xùi, xấu xí thì mới viết văn hay.

Luôn lắng nghe...

Trong Trại Hoa Đỏ có 3 tuyến vụ án, 8 vụ án mạng, kéo dài 600 trang, với vô số chi tiết điều tra hình sự. Chị từng chia sẻ là, nhiều cảnh sát hình sự cũng không phê bình gì về tính phi logic của truyện. Làm sao chị có thể làm được điều này?

Tôi cần phải đọc rất nhiều sách chuyên ngành. Và bản thân tôi cũng là người rất logic.

Ngoài việc đọc nhiều sách chuyên ngành và bản thân là người rất logic, chị có nhận được sự giúp đỡ đặc biệt nào về chuyên môn không khi sáng tác Trại hoa đỏ?

Không, ngoài việc hồi đó tôi đang làm quản lý cho một công ty, có hai cô nhân viên tình cờ tốt nghiệp ngành luật hình sự. Họ mang đến cho tôi mấy cuốn giáo trình về giám định pháp y và Những vụ án chưa tìm ra thủ phạm. Sách của họ rất sơ sài nhưng tôi cũng vô cùng mừng rỡ. Chúng giúp tôi rất nhiều cho những chi tiết trong Trại Hoa Đỏ.

Quay trở lại với Chuyện nhà văn, tác phẩm vừa ra mắt công chúng. Chị có chia sẻ la:õ "Viết chân dung ở vị trí một người bạn, một người luôn lắng nghe và học hỏi từ nhân vật của mình". Chị có thể nói chi tiết hơn về sự học hỏi này?

Tôi luôn học hỏi từ những người xung quanh, coi như tôi đi đến tri thức và kỹ năng thực hành bằng con đường ngắn nhất là biến chất xám của họ thành chất xám của mình. Tôi khó có thể nói cụ thể rằng người này tôi học được điều gì, người kia được điều gì. Chỉ biết sự thu nhận này đến từ từ và càng ngày tôi càng nhiều kiến thức thông qua một phần lớn là giao tiếp.

Xã hội - Nhà văn Di Li: 'Tham lam' vì không ai được sống hai lần (Hình 2).Nhà văn Di Li.

50 nhân vật xuất hiện trong Chuyện làng văn, ai là người để lại ấn tượng với chị nhất?

Điều bạn hỏi thực sự làm khó tôi. Khó có thể nói ai để lại ấn tượng nhất với tôi, với mỗi nhân vật tôi lại có một ấn tượng riêng. Tôi hài lòng với tất cả các nhân vật trong tác phẩm của mình. Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm đều là những nhà văn mà tôi có nhiều dịp tiếp xúc nên tôi không mất nhiều thời gian để phác họa chân dung họ. Chỉ có nhà văn Kim Lân là nhân vật ngoại lệ. Tôi đã ngồi nói chuyện với ông hai tiếng để có thể cho công chúng nhận ra một Kim Lân chất phác, hồn hậu và giản dị qua các chi tiết rất đời thường. Có những chi tiết về các nhân vật mà chính họ cũng phải ngạc nhiên là tôi "vẽ" chân dung họ chính xác đến thế. Thực sự đó là một niềm vui rất lớn với tôi.

Các nhân vật có hài lòng với các tật xấu "dễ thương" đó trong Chuyện làng văn?

Khá may mắn cho tôi vì các nhân vật trong tác phẩm đều hài lòng. Thực sự khi viết chân dung tôi không chỉ phải làm hài lòng nhân vật mà còn phải hài lòng ban biên tập, hài lòng độc giả và hài lòng chính bản thân tôi. Điều đó quả thật không đơn giản.

Chị có thể chia sẻ một chút về tổ ấm của mình?

Tôi có một cô con gái 10 tuổi. Và chồng tôi là họa sĩ, kiêm công việc tổ chức sự kiện. Chúng tôi có cùng nghề này, nên mọi thiết kế trong sự kiện của tôi thường là cây nhà lá vườn. Tôi có thể tham lam được như vậy cũng phải nhờ sự ủng hộ, cảm thông của người thân rất nhiều.

Sau Chuyện làng văn, Blach Diamond, sắp tới tác phẩm nào của Di Li sẽ ra mắt công chúng?

Tháng sau tôi sẽ ra mắt tập truyện ngắn bao gồm 10 truyện mới với tên chung là "San hô đỏ".

Điểm xấu...dễ thương

Nhà văn khó tránh khỏi những tật xấu. Chị có né tránh những tật xấu của họ trong các tác phẩm của mình?

Ai cũng có những điểm xấu. Ngay chính bản thân tôi cũng có. Chỉ có điều điểm xấu đó có được nhận ra hay không thôi (cười). Những nhà văn cũng thế, nhưng tôi nhìn thấy những điểm xấu của các nhân vật khá "dễ thương" bởi trên tất cả họ lao động và cống hiến hết mình cho công việc, cho niềm đam mê.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

Duyên nợ một bút danh

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh. Chia sẻ về bút danh khá đặc biệt của mình, chị kể rằng cách đây hơn chục năm chị tới trụ sở báo Người Hà Nội gặp thi sĩ Bế Kiến Quốc, bấy giờ là tổng biên tập của tờ báo này. Cô có đưa những tác phẩm của mình cho ông đọc. Những truyện ngắn ấy không phải xuất sắc lắm, song Bế Kiến Quốc vẫn nhận ra sau cái còn mong manh ấy một cây bút nhiều hứa hẹn. Sau buổi nói chuyện, ông đã khuyên Diệu Linh nên bỏ cái tên cúng cơm và lấy bút danh Di Li. Từ đó, cái tên Di Li là bút hiệu chính thức của cô nhà văn "tây tây" Diệu Linh.

Đỗ Thơm (thực hiện)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.