Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Đừng vì thể diện mà bắt phạt con em!'

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Đừng vì thể diện mà bắt phạt con em!'

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 2, 05/06/2017 09:14

Hồi hôm, tôi đọc được tin nữ sinh THPT Kiến Tường- Long An viết trên Facebook của mình, và kết quả là em bị hạ hạnh kiểm. Thứ ta thấy trong câu chuyện này là người lớn có quyền đang áp đặt...

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao trước thông tin một nữ sinh lớp 12 trường THPT Kiến Tường (Long An) cho biết mình bị kỷ luật khiển trách, cuối năm bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống còn trung bình, vì “chê” bệnh viện khu vực trên Facebook. Sự việc gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. 

Để có thêm một góc nhìn, báo điện tử Người Đưa Tin xin đăng tải quan điểm của nhà văn Hoàng Anh Tú về sự việc của nữ sinh kể trên nói riêng và phương pháp giáo dục học sinh ngày nay nói chung:

"Hồi nọ, tôi nghe thấy một câu chuyện bà mẹ bày mưu khuyến khích con đọc sách bằng việc cứ khi nào con làm được việc tốt hay điểm cao, bà mẹ sẽ cho con bốc thăm 1 trong 3 lá thăm gồm: Đồ chơi- Sách- Đi chơi. Cậu con trai lần nào cũng bốc trúng lá thăm “Sách” nên từ đó rất yêu sách, coi sách như “định mệnh” đời mình mà biết đâu mẹ đã bày mưu để cả 3 lá thăm đều là "Sách". Tôi nghe xong vô cùng bức xúc. Dù cố biện minh rằng cha mẹ cần định hướng cho con thì đôi khi cần phải “lừa” con. Nhưng chúng ta sẽ đối diện với con thế nào khi chúng biết ta đã lừa dối chúng, là người đầu tiên trên thế giới này lừa dối chúng? Xã hội ngoài kia hàng trăm hàng ngàn cạm bẫy, dối trá chưa chắc đã khiến đứa con quỵ ngã bằng việc chúng bị chính cha mẹ mình lừa dối. Cho dẫu đó là vì muốn tốt cho con.

Hồi hôm, tôi lại đọc được tin nữ sinh trường THPT Kiến Tường- Long An viết trên Facebook của mình: "Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi". Kết quả là em bị hạ hạnh kiểm. Người lớn bảo: Em nói thế là vi phạm Điều 41, thông tư 12: Các hành vi học sinh không được làm. Cụ thể là khoản 1: “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.”. Thế nên dù em đã xoá dòng trạng thái trên Facebook thì em vẫn bị hạ hạnh kiểm.

Gia đình - Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Đừng vì thể diện mà bắt phạt con em!'

 Những dòng chia sẻ được xem là "nói xấu" bệnh viện của nữ sinh T..

Thứ ta thấy trong câu chuyện này là cả đám người lớn có quyền đang áp đặt lệnh trừng phạt lên một nữ sinh. Là bác sỹ, nhân viên, y tá trong bệnh viện hẳn đã “tác động” đến nhà trường về việc nhà trường “giáo dục” một học sinh không tốt để học sinh đó lên mạng ăn nói hàm hồ. Là thầy cô trong trường THPT Kiến Tường, hẳn đã “xót xa” cho việc bệnh viện bị bêu xấu nên quay trở lại mắng phạt “con” mình. Nó thật giống với nhiều bậc cha mẹ luôn đặt thể diện bản thân lên trên tất thảy. Con cái mà làm điều gì không cần biết sai hay đúng, cứ khiến bố mẹ mất mặt với hàng xóm láng giềng là con cái phải chịu phạt. Và nữ sinh này bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống trung bình. Dù sau đó, ông Nguyễn Văn Tiệp, GĐ Sở GD-ĐT Long An đã chỉ đạo kiểm tra- xét lại để nâng lên hạng khá thì câu chuyện vẫn “một chiều” như thế. Quyền bính nằm ở người lớn. Đứa trẻ không được nói gì hết. “Cha mẹ” đặt đâu con ngồi đấy.

Thậm chí, ông Tiệp còn nói: "Qua báo cáo của trường, em này bị hạ hạnh kiểm là có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì bị kỷ luật. Tuy nhiên, do là năm cuối cấp nên cần cân nhắc, vì hạnh kiểm xấu có thể ảnh hưởng đến tương lai của em". Tôi vốn chờ đợi sự công tâm khác chứ không phải sự ban ơn kiểu: May cho em đây là năm cuối cấp. Tôi nghĩ đến tương lai của em thôi đấy nhé! Vẫn không một sự công tâm hay lắng nghe lũ trẻ.

Thứ giáo dục áp đặt là thứ giáo dục nhồi nhét, người ta đã và đang tìm cách giảm bớt và thay đổi. Nhưng việc thay đổi nội dung giáo dục mà không thay đổi cách giáo dục thì chẳng để làm gì. Như cái cách bỏ văn mẫu để học trò làm văn tự luận nhưng chấm điểm vẫn dựa trên quan điểm của thầy cô thì có gì thay đổi? Như sách vở thầy cô học về củ cải khổng lồ nặng 13kg, ví dụ thế, thì cho dẫu theo thời gian, loài người đã phát triển ra cây củ cải 17kg thì vẫn là sai, thầy cô chỉ chấm 13kg là đúng. Tôi nghĩ, vẫn là tư duy của các thầy cô cần được thay đổi vậy.

Tôi cho rằng trong chuyện nữ sinh này, thay vì bắt em ấy gỡ dòng trạng thái trên Facebook xuống, sao nhà trường không đứng về phía học sinh? Sao không mời em và bệnh viện lên cùng trao đổi. Hãy coi nữ sinh đó là “con em” mình mà tin tưởng vào nó trước khi lên án hay phạt nó. Sao không cùng “con em” mình tìm ra sự thật. Nếu “con em” mình nói sai hoặc nghĩ chưa đúng về bệnh viện thì nhân chuyện đó để sẻ chia với các em, dạy các em về sự thông cảm, bao dung cũng như sự tổn thương mà các em gây ra với người khác nếu có. Tại sao đến nữ hoàng Anh hay tổng thống Mỹ họ cũng sẵn sàng vì một ý kiến bé xíu của một đứa trẻ mà thay đổi cả một chương trình trong khi thầy cô là cha, là mẹ mà không thể bớt chút thời gian để lắng nghe con em mình?

Tôi cho rằng, trong chuyện này, các thầy cô ở Long An đã và đang hành xử “một chiều” khiến không chỉ nữ sinh này, sẽ rất nhiều học sinh khác của trường Kiến Tường sẽ im lặng suốt đời trước cái xấu, cái ác. Bởi các em “bị giáo dục” bằng hình phạt nhãn tiền. Các em rồi sẽ im lặng với tất thảy điều chướng tai gai mắt các em gặp trên đường vì sợ bị phiền phức, sợ bị hạ hạnh kiểm, sợ bị trù dập. Như hiệu ứng cánh bướm thôi, tôi thật lòng lo lắng cho lớp học sinh trường Kiến Tường nói riêng và học sinh ở Long An nói chung".

Trao đổi trên báo VnExpress, ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo Long An - cho biết, Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường) chiều 2/6 đã bỏ phiếu đánh giá lại hạnh kiểm của nữ sinh chê bệnh viện trên Facebook.

"Kết quả có 17 phiếu xếp loại khá, 1 phiếu xếp loại trung bình, do đó, hội đồng xếp em này hạnh kiểm khá. Tôi nghĩ như vậy là hợp tình, hợp lý", ông Tiệp nói. 

Theo bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Hiệu trưởng trường - trước đó trường đã thông tin kết quả xét hạnh kiểm nhưng đến ngày 31/5, phụ huynh em này mới đến trường yêu cầu xem xét lại.

"Chúng tôi đã làm đúng quy trình, vì ngoài bị kỷ luật, nữ sinh còn có thái độ chưa chuẩn mực đối với giáo viên, đi trễ, vắng học...", bà Thảo nói.

Còn phụ huynh nữ sinh cho biết vẫn không vui với kết quả xếp loại hạnh kiểm lại của con mình và sẽ tiếp tục khiếu nại.

Cha mẹ nữ sinh khẳng định, họ theo dõi quá trình học tập chỉ thấy con mình vắng một buổi lao động tập thể và một buổi phụ đạo, không sai phạm gì khác.

"Con tôi phát ngôn vậy là không nên, nhưng khi biết chuyện chúng tôi đã bắt cháu đến xin lỗi các cô chú ở bệnh viện rồi. Chỉ vì lý do này mà kỷ luật cháu thì chúng tôi không thể ngờ. Học lực cả năm của cháu được 8,7, nhưng trường không xét danh hiệu gì vì lý do này nên hiện cháu rất buồn", mẹ nữ sinh nói.

Trước đó, nữ sinh này bị tai nạn, khi chữa trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười em không hài lòng với thái độ phục vụ tại đây.

Đến ngày 5/3, em lên Facebook cá nhân viết: "Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi".

Hôm sau, nữ sinh bị ban giám hiệu mời làm việc, rồi xóa nội dung trên Facebook. Nhưng sau đó, em này vẫn bị nhà trường kỷ luật khiển trách và bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống trung bình.

Qua phản ánh từ báo chí, Sở Giáo dục Long An chỉ đạo xem xét lại hạnh kiểm trường hợp này sinh để không ảnh hưởng xấu đến tương lai của học sinh.

 

Hoàng Anh Tú

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.