Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ Lady Borton là một người gắn bó với Việt Nam. Đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, bà là nhà văn Mỹ duy nhất có mặt ở cả hai miền Nam - Bắc thời chiến tranh.
Năm 2004, bà hoàn tất bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Năm 2008, bà dịch xong cuốn “Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư và hiện tại, bà vừa dịch xong cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trò chuyện cùng phóng viên VOV, bà Lady nói rằng, các bạn thật tự hào vì có một vị tướng huyền thoại như Tướng Giáp.
Hơn 20 năm có mặt thường xuyên ở Việt Nam với rất nhiều công việc như viết báo, viết sách, dịch giả, làm từ thiện, bà Lady không có mong muốn gì hơn là giúp thế giới hiểu rõ về lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam.
Trong hành trình thiện tâm ấy, bà Lady dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về hai nhân vật lịch sử mà tiếng tăm từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Viêt Nam, đó là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: "Từ nhân dân mà ra, những năm tháng không thể nào quên, chiến đấu giữa vòng vây, Điểm hẹn Điện Biên Phủ... cho đến Tổng hành dinh trong mùa xuân Đại thắng là gần trọn vẹn cả đời ông.... cộng với những tác phẩm mang tính tổng kết về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tác giả kiệt xuất đã để lại một di sản thật đồ sộ về TK 20 hào hùng và đầy thử thách. (trích cuốn sách ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo bà, người nước ngoài rất thích thú vì ông đã sống hơn 100 tuổi. Sách bà dịch đến đâu, bán chạy đến đó. Về bản dịch cuốn hồi ức “Điện Biên Phủ- điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà nói: “Tôi mất rất nhiều năm để hoàn thiện cuốn sách này. Lịch sử của các bạn có một bề dày truyền thống, để hiểu được nó, tôi phải đọc và nghiên cứu rất kỹ. Tôi khâm phục tinh thần, ý chí cũng như sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Khi đọc cuốn sách đó và dịch nó ra tiếng Anh, tôi hiểu cặn kẽ hơn về nguyên nhân dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Nó cũng khiến tôi hiểu được rằng vì sao người Mỹ không bao giờ thành công trong cuộc chiến tại Việt Nam”.
Còn khi cuốn sách “Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư xuất bản năm 2004, bà nói “dù chỉ hơn 100 trang nhưng là người trong nghề nên biết ngay đây là cuốn sách rất đặc biệt, cụ thể và tỉ mỉ. Người viết ra nó lại là người rất thân thiết và gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình ông”.
Điều bà thú vị nhất khi dịch cuốn sách này là muốn trả lời cho bạn đọc thế giới câu hỏi: Vì sao một người từ quê nghèo Quảng Bình, không có dịp được đào tạo trong một trường quân đội chính thống lại trở thành Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lại lãnh đạo quân đội chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Bà nói: “Điều đó có vẻ lạ nhưng cũng thật dễ hiểu vì Tướng Giáp là một người rất am hiểu về các vấn đề kinh tế, chính trị trên thế giới. Ông đã đọc rất nhiều lịch sử các nước thuộc địa Đông Dương và thế giới, nhất là lịch sử Pháp, nhân vật lịch sử Napoleon. Ông Giáp cũng có một quyển sách giới thiệu tất cả các tướng của Napoleon. Và có lẽ người Pháp lúc đó không ngờ một người ở nước thuộc địa lại có thể hiểu về nước Pháp như thế. Ông ấy hiểu người Pháp, lịch sử, tâm lý, cách quản lý, tổ chức của người Pháp rất sâu sắc. Nên chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân”.
Nghiên cứu về thời trai trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như trận chiến Điện Biên Phủ, bà Lady có một kết luận: “Vị Đại tướng của Việt Nam là một con người từ nhân dân mà ra. Ông ấy luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý: có dân là có tất cả. Những chiến công lịch sử gắn liền với tên tuổi của ông ấy không thể có được nếu không có nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông". “Từ nhân dân mà ra” cũng là tựa đề cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa được bà Lady Borton hoàn thành bản dịch
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV rằng: “Từng tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dịch các cuốn sách của ông, vậy bà đã khi nào đến nhà hoặc dự lễ sinh nhật của Đại tướng hay chưa?", bà Lady Borton hào hứng nói: “Tất nhiên là có rồi. Tôi đã từng đến nhà Đại tướng vài lần để lấy thêm tư liệu hoàn thiện các bản dịch của mình. Tôi cũng có mặt trong đoàn nhà báo đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sinh nhật của ông. Từ sáng sớm đến chiều, có rất nhiều đoàn đến chúc mừng, từ đoàn Cao Bằng, Thái Nguyên đến những phái đoàn nước ngoài. Ông giỏi lắm, nói được cả tiếng Tày, tiếng Mông, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…Đến 18h, tôi mệt lắm dù tôi chỉ ngồi hoặc đứng để nói chuyện hay quan sát thôi. Còn ông Giáp thì ai vào cũng nói chuyện cũng bắt tay,… Ông ấy giỏi quá!…”.
Năm 2011, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, bà Lady đã có mặt ở nhiều sự kiện mừng sinh nhật ông. Vẫn chiếc áo hoa cũ, khoắc thêm một chiếc khăn lụa, người phụ nữ Mỹ đã ở cái tuổi 70 này luôn nói đi nói lại một câu rằng: “Mong chi Đại tướng sống lâu hơn nữa”.
Theo VOV