Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh ra và lớn lên ở vùng ven nội thành Hà Nội (nay thuộc khu phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Anh từng là lính chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam rồi học Lý luận - Biên kịch ở trường Sân khấu Điện ảnh, nhưng nghề báo lại chọn anh.
Chia sẻ về lý do các tác phẩm của mình gắn liền với Hà Nội, anh cho biết: “Hà Nội là vùng đất có nhiều kỷ niệm, ký ức nhất đối với tôi. Không những là nơi sinh ra tôi mà Hà Nội còn nuôi tôi bằng cái nôi văn hoá. Tình yêu của tôi với Hà Nội là sự thẩm thấu dần dần, cứ thế, yêu là yêu thôi…
Đã có rất nhiều người nghiên cứu về Hà Nội, vì vậy mình phải chọn cách viết nào, đề tài nào, và cách thể hiện ra sao để người đọc thấy vẫn mới mẻ. Có những chi tiết đắt giá, thú vị đòi hỏi tôi phải nghiền ngẫm nhiều".
Mới đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ra mắt cuốn khảo cứu Chuyện quanh quanh Dâm Đàm. Cuốn sách dày hơn 400 trang, gồm 8 phần, ghi lại những câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hóa xung quanh khu vực Hồ Tây. Nói về cuốn khảo cứu này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: "Xưa nay có rất nhiều sách vở viết về vùng đất hồ Tây theo các góc nhìn khác nhau song, vẫn còn rất nhiều chuyện bí ẩn quanh đó mà không phải ai cũng biết. Chuyện quanh quanh Dâm Đàm không tham vọng kể hết mọi chuyện quanh Tây Hồ, chỉ là chép lại chút xưa và thêm chút nay nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về vùng đất lịch sử, văn hóa và tâm linh này.
Vì không gian hồ Tây rất rộng, do vậy tôi chỉ viết về các địa danh sát hồ. Tôi kết cấu cuốn sách theo những bước chân quanh hồ Tây thuận chiều kim đồng hồ. Tôi hy vọng rằng, cuốn sách sẽ như một món quà nhỏ, giúp bạn đọc yêu hơn vùng đất văn hóa này".
Trong Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đưa người đọc từ đường Cổ Ngư - Thanh Niên đến Thụy Khuê, Lạc Long Quân hồ Trúc Bạch, cả những câu chuyện về Cuộc rượu thâu đêm ở nhà Thạch Lam bên hồ Tây... Đó là những câu chuyện lịch sử nhưng lại rất "phố", rất hiện đại như bài Tiếng chuông Trấn Vũ và món canh gà Thọ Xương. Vào đầu câu chuyện, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể về chuyện vua Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long năm 1010 và phong cho thần Trấn Vũ là Huyền Thiên Trấn Vũ Chân quán coi giữ mặt thành phía Bắc. Năm 1474, vua Lê Thánh Tông sai tu tạo lại hoàng thành, mở rộng diện tích, xây Trấn Vũ quán ở bên ngoài tường thành tức là vị trí hiện nay.
Ngoài tên Trấn Vũ, người dân Hà Nội quen gọi là đền Quán Thánh vì nằm trên phố Quán Thánh nhưng cũng còn có nghĩa khác là "quán của Thánh". Trong quán Trấn Vũ còn có một quả chuông cao 1,5m đúc cùng năm với phong tượng treo ở gác tam quan. Tiếng chuông vang khắp thành Thăng Long vì thế mới có câu ca dao: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Có một chuyện vui quanh câu ca dao này. Một người ở tỉnh xa về Hà Nội chơi, sau khi được bạn dẫn thăm thú các địa danh nổi tiếng, người này rất vui song vẫn còn chút băn khoăn: "Mình rất hài lòng những nơi bạn đưa mình đến, đã được nghe tiếng chuông ở chùa Trấn Vũ nổi tiếng nhưng nếu bạn đưa mình đi ăn món canh gà Thọ Xương nữa thì chuyến đi sẽ trọn ven hơn".
Nghe xong, anh bạn không dám cười, nhẹ nhàng giải thích: "Thọ Xương là tên một huyện của Hà Nội xưa, còn canh gà là tiếng gà gáy báo canh, không phải món canh gà...".
Đó là những câu chuyện lịch sử nhưng cũng rất "phố", rất nhẹ nhàng khi nhà văn lồng vào cuốn khảo cứu của mình những chi tiết hiện đại của đời sống hiện nay khiến cho cuốn sách càng đọc, càng cảm thấy cuốn hút.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, Hà Nội hiện nay rất khác so với Hà Nội ngày xưa, từ kiến trúc, phố phường, đến diện tích. Tuy nhiên, sự thay đổi đó là do quy luật cuộc sống, nếu không có những sự kiện lịch sử, những thay đổi trên thì Hà Nội sẽ không nhộn nhịp và sầm uất như bây giờ. Anh cũng muốn độc giả đọc những cuốn sách viết về Hà Nội để yêu và trân trọng hơn nơi mình đang sống và làm việc.