Hơn chục đầu sách đã ra mắt công chúng, nhưng đây mới là lần thứ hai, Nguyễn Ngọc Tư chịu xuất hiện trong lần ra mắt sách của mình. Nếu hy vọng Nguyễn Ngọc Tư nói nhiều, nói hay như văn của chị có lẽ người đọc có phần thất vọng. Thế nên, ngay lời mở đầu, Ngọc Tư tự nhận mình là người nói dở. Thật ra khi tôi viết cuốn sách, đơn giản là tôi tưởng tượng mô tả kiểu một thằng bé mất trái bóng đi tìm kiếm rất cực khổ, khi nó tìm ra rồi phát hiện ra thứ nó tìm kiếm thực ra là cái gì đó rất mông lung, Nguyện Ngọc Tư tóm gọn những gì mình muốn nói về cuốn sách. Chị mở lời, mong nhận được câu hỏi cho dễ nói.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Tôi không dùng sex câu khách
Sông là cuộc tìm kiếm của nhân vật đồng tính Ân, chị tìm kiếm điều gì cho chính chị?
Tôi chỉ tìm kiếm một khả năng làm việc trước giờ mình nghĩ sẽ không làm. Từ trước tôi chỉ viết ngắn, không bao giờ nghĩ viết tiểu thuyết nên có thể xem như đi tìm khả năng còn ẩn dấu trong con người mình, đem ra xài cho hết.
Trong tiểu thuyết Sông, chị khai thác yếu tố đồng tính. Chị nghĩ sao khi một số nhà văn trẻ hiện nay dùng sex và đồng tính để câu khách?
Thật ra, các bạn ấy viết theo góc độ ý tưởng riêng, rất khó phán xét. Khi viết Sông, nhiều bạn hỏi tại sao không đi sâu vào sex, nhục dục, tôi nghĩ đơn giản đồng tính không chỉ có sex. Họ cũng có ẩn ức khác, những mối quan tâm xã hội, có đời sống rất bình thường. Viết về đồng tính phải cứ phải viết về sex. Khi nhà văn đào sâu tâm tư, ẩn ức của họ cũng rất hấp dẫn.
Dòng sông mà nhân vật trong truyện của chị khám phá có phải mang bản sắc của những con sông Nam Bộ hay là một dòng sông như mọi dòng sông khác?
Là dòng sông như tất cả dòng sông khác. Như câu tôi viết Sông thì phải chảy, cũng như nhân vật cũng khao khát muốn sống tự nhiên. Bạn đọc muốn tìm thấy tâm thức người Việt về cuộc sống sông nước có vẻ hơi thất vọng một chút. Cuốn sách này mặc cái áo du khảo, vừa đi đường vừa kể chuyện.
Khi viết tiểu thuyết so với truyện ngắn có khó khăn gì không?
Khó khăn lớn nhất khi viết tiểu thuyết là thói quen. Khi viết Sông, lâu lâu tôi lại ngó xuống xem viết được bao nhiêu chữ rồi. Bởi trước theo thói quen đánh nhanh, rút gọn, có thói quen dừng ở khoảng chữ này. Một người bạn xui tôi viết tiểu thuyết, để tôi có trải nghiệm mà nếu không viết thì uổng phí đời đối với người viết văn xuôi.
Có một câu trong cuốn sách: Cuộc sống như là món quà ấn vào tay, không nhận không được mà nhận rồi thì khổ. Vậy Sông của Nguyễn Ngọc Tư buồn hay vui?
Cũng có buồn. Thật ra mình theo chủ nghĩa bi quan, có độc giả phàn nàn khi buồn không dám đọc sách của mình, nhiều suy nghĩ yếm thế. Ngay khi viết tác phẩm đầu tay, tôi đã có chút bi quan trong đó, càng ngày càng đậm. Đành coi đây như bản sắc vậy. Sông cũng có chi tiết vui. Giống như xem bộ phim, từ đầu đến cuối mà buồn bã thì chán, nên cần gài vào vài chi tiết hóm hỉnh, pha loãng sự buồn bã để độc giả có chút thư giãn nào đó.
Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách độc giả trong buổi ra mắt sách (Ảnh: Hoàng Ngọc)
Nhiều lúc thấy mình bi kịch
Chị có được tự do hoàn toàn khi viết không? Nếu không viết thì thích làm khác?
Khi viết, cái thôi thúc cũng là cái tự do rồi, không có gì ràng buộc. Ngày trước tôi hay có suy nghĩ, viết cái này bán bao nhiêu tiền. Kể từ khi về cơ quan mới tạo cơ chế thoáng cho mình làm việc, mình xóa được ý nghĩ viết cái này bán được bao nhiêu, không chỉ viết để mưu sinh nữa.
Không viết thì tôi thích chụp ảnh, có khi chỉ thích cái máy ảnh thôi, bởi bản thân thích hàng công nghệ. Rốt cuộc cái mình giỏi nhất, chỉ có thể là viết văn. Nếu có kiếp sau xin làm cái khác, vì cả kiếp làm việc này rồi cũng chán.
Trong tiểu thuyết Sông có chi tiết ấn tượng chợ bán khói, không biết cái chợ ấy thế nào?
Minh rất thích khói. Mỗi tối cùng vài cô hàng xóm đi bộ thường dừng lại hít hà mùi khói người ta đốt cỏ ven đường. Trong tiểu thuyết này tôi theo chủ nghĩa bịa rất cao, nên cứ bịa ra cái chợ bán khói. Vậy nha (cười).
Từ cánh đồng đến dòng sông, chị mang theo và bỏ lại cái gì?
Tôi bỏ lại cánh đồng. Nhiều khi, tôi thấy mình rất bi kịch: Bỏ cánh đồng mà đi rồi, để viết những cái khác, thậm chí đi rất xa rồi nhưng bạn đọc cứ ngồi chỗ cũ, cứ mong chờ mình ngồi ở đó. Nhà văn phải đi, bỏ lại hào quang sau lưng để đi rất xa.
Có người không ngại nói, 5 năm trước Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn nhất, bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư. Chị thấy sao?
Đó là cách nhìn riêng của anh ấy, còn chưa chắc đúng. Tôi rất ngại khi cứ phải được xếp ngồi chiếu này chiếu nọ, nhiều khi làm cho tình đồng nghiệp sứt mẻ đi.
Viết văn như năng khiếu trời cho, chị có sợ một ngày năng khiếu đó mất đi?
Có một thứ tôi tin tưởng, duyên viết văn như trời cho, mình cứ chăm chỉ viết. Nổi tiếng hay được mọi người yêu mến cũng là áp lực. Nhưng còn thứ áp lực khác làm tôi sợ hơ, đó là thời gian. Không biết thời gian sung sức nhất khi viết là bao lâu, nên tôi không bỏ phí. Còn khi mất đi rồi thì thôi, không viết nữa, còn làm khổ mình, khổ bạn đọc làm gì nữa.
Xin cảm ơn chị!
Nhiều tên tuổi của văn giới không ngại ngần bày tỏ sự yêu mến dành cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: dịch giả Phạm Toàn, nhà văn Ngô Thảo, Nguyễn Xuân Khánh Còn Mai Anh Tuấn, người từng được giải thưởng Văn học tuổi 20, với tư cách người đọc hết cuốn sách, đã viết về Sông của Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: Tiểu thuyết này của Nguyễn Ngọc Tư hợp thức dạng thức tiểu thuyết và du khảo. Chị kể nhiều địa danh, tên người tên đất, cột mốc nhưng đấy chỉ là cái vỏ. Tôi thấy trong này có hai con sông, con sông Di nhân vật đang xuôi dòng và một con sông trong trí tưởng tượng. Nguyễn Ngọc Tư còn đưa ra cảm thức về sự biến mất khá phổ biến của giới trẻ thời gian gần đây. Sông chạy theo đề tài khá thời thượng, nhu cầu phượt của giới trẻ, lại cả đồng tính nữa, nhưng đó cũng chỉ là cái vỏ. Đằng sau những cái đó là khả năng tự khám phá bản thân của nhân vật rất rõ. |
Nhật Vũ