Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân hỏi cung tù binh Mỹ

Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân hỏi cung tù binh Mỹ

Thứ 3, 08/10/2013 17:35

Dưới đây là một số trang viết của nhà văn Tô Hoài về những đêm Hà Nội nằm trong tầm bom tọa độ của B52 và cuộc gặp gỡ đặc biệt của hai nhà văn Việt Nam Nguyễn Tuân và Tô Hoài với một số tù binh phi công Mỹ tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội vào dịp Noen năm 1972 khi các pháo đài bay B52 của Mỹ đang ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam.

 “Vừa lên đèn, lại một toán giặc lái được dẫn từ sau lưng Nhà hát Lớn ra đi qua Tràng Tiền, Tràng Thi xuống Cửa Nam, về Hoả Lò. Năm mươi hai người hàng đôi, áo bà ba xám nhờ, chân đi dép râu. Đủng đỉnh, thong thả, mệt nhọc. Cách quãng, một bộ đội kèm. Không phải lo tù binh chạy, mà để phòng đám đông hai bên đường xô xuống đánh. Ở ngã tư đầu Tràng Tiền, người nhốn nháo giơ tay hô đả đảo giặc Mỹ, đả đảo giặc Mỹ! Đến Tràng Thi, đám đông hò hét loạn xạ. Mấy người nhảy ra thụi bừa một quả rồi lại chạy ngay vào. Có một bà vào đến hè, cười nắc nẻ: Cái gáy thằng Mỹ nát nhẽo, ghê cả tay! Những người giải tù chạy lên chạy xuống cản người ùa ra. Không để ý cả tiếng còi báo động trên nóc nhà hát lại rú lên. Nguyễn Tuân và tôi ở cửa hàng Tràng Thi cầm vại bia đứng trông ra đám túi bụi. Lại một bà nạ dòng phốp pháp tất tả dưới đường lên, cười hơ hớ: “Cái thằng Mỹ trông hộ pháp thế mà thịt bạc nhạc quá”.

Đêm Nôen năm nay chúng tôi lại vào Hoả Lò chơi với giặc lái. Âu cũng thêm một phong tục thời chiến, Nôen thăm Tết tù binh. Thói quen người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm có món thịt gà tây – như ta Tết ông táo cúng cá chép. Thời Pháp, Tây đem gà tây giống sang nhưng thỏ và gà tây vẫn chưa thành món quen như gà thiến, gà ta… Cũng không mấy ai nuôi gà tây. Con gà tây đốm đen, mào đỏ, người đến gần thì cau có, xoã cánh chĩa đuôi ra kêu cộ cộ. Thế mà những năm ấy, nhiều làng hai bên sông Đuống, hợp tác xã đã chuyển ruộng cho các xóm khác, để chuyên nuôi gà tây. Đến áp Nôen, hàng đoàn xe tải số biển đỏ của quân đội về lấy gà. Gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết.

Xã hội - Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân hỏi cung tù binh Mỹ

Bữa tối của tù binh phi công Mỹ đêm Noel.

Cả hai cuộc kháng chiến, chúng tôi đã gặp nhiều lính tàu bay và tù binh Mỹ sĩ quân cấp úy, tá. Trong chiến dịch Biên giới phía bắc 1950, ở châu Bắc Sơn Lạng Sơn, Nam Cao và tôi đã trò chuyện với tù binh Pháp, đám quân quan thua trận của các binh đoàn Sáctông, binh đoàn Lơpa bị bắt trên đường số 4. Đông quá, không có lán trại, phải lùa cả vào các khe đồi, hốc đá. Những đám lính tráng bạt mạng và tuyệt vọng ngay từ khi xuống tàu sang Đông Dương. Có đứa khát nước hay khát rượu, nằm rống lên một lúc, rồi thắt cổ. Có đứa phơi lá ruối khô nhét vào ống đu đủ làm thuốc lá hút phì phèo tiêu sầu. Những bước chân phiêu lưu vào lính, coi như cầm cái chết trong tay, người lính trong binh đoàn Tabor lê dương thời ấy chỉ còn biết nốc rượu và giết người.

Một lần kia, gã da đen gác cửa khách sạn Kônisốp ở Bonn, nước cộng hoà Liên bang Đức. Rimi người Marốc quê ở Casablanca – Rimi hỏi tôi:

- Thưa ông về Hà Nội?

- Phải.

- Tôi xin nhờ ông giúp tôi một việc.

- Việc gì?

- Ông nội tôi là Rimi Jdri, đi lính Pháp sang đánh nhau bên Đông Dương năm 1949. Mấy chục năm nay gia đình chúng tôi không được tin tức. Thưa ông, nếu ông có khi nào gặp ông tôi…

Có thể người lính da đen quê ở Casablanca ấy đã đăng lính trong những binh đoàn Tabor bị tiêu diệt, bị bắt sống rồi chết trên các chiến trường rừng núi Lạng Sơn. Có khi tôi cũng đã gặp hay đã trông thấy nấm mồ anh ta ở Bắc Sơn.

Nhưng lính Mỹ khác hẳn. Hầu như người nào cũng từa tựa nhau. Trước cái chết có thể và sự giết người, mỗi người đăng lính đều đã tính toán thành công con số. Lương chính, phụ cấp chiến trường gửi nhà băng tỉnh quê. Ăn uống hàng ngày và chi tiêu bằng tiền thưởng, sổ ghi cẩn thận. Không đọc báo, chỉ đọc truyện tình báo, đi câu và đi săn. Hết ba năm, dành dụm làm sao gom nổi tiền mở được một cửa hiệu trong thị trấn hay tậu một trang trại còm và một đàn bò khi mãn lính. Những cái tính cộng trong túi mỗi người đại để thế, đi lính kiếm ra đồng tiền nhanh hơn nhiều  nghề lao động khác.

Nhà Hoả Lò, vẫn trong căn phòng mọi lần, một chậu cảnh trồng một cây xương rồng châu Phi, cao bằng chiếc đũa cả, hệt giống xương rồng ông. Một lát, chiếc xe zép đít vuông che bạt kín mít tiến vào sân. Bạt sau mở, một thằng lái bước xuống sau người lính. Tôi ngờ tên tù binh này cũng ở trong nhà Hoả Lò này. Các ông quản giáo cho bịt kín xe, đi loanh quanh một lúc rồi quay về.

Xã hội - Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân hỏi cung tù binh Mỹ (Hình 2).

Tù binh phi công Mỹ nhận thư và ảnh của gia đình.

Trung uý Giôn 26 tuổi, chưa vợ, người bang Ôhiô. Bố mẹ chết tai nạn ô tô. Hai em ở trại cứu tế. Lái A4, bị đạn cao xạ. Lết ra biển cách bờ khoảng hai cây số phải nhảy dù ngoài khơi Hà Tĩnh, tháng ba 1966. Hai mươi lần đi ném bom, tám trận ra đánh miền Bắc. Đã được đi nghỉ ở Nagasaki ở Manila, ở Băng Cốc. Hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển Đông, Giôn chưa đặt chân xuống Việt Nam lần nào.

Chúng tôi và người phiên dịch, với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ Đô bao bạc và một đĩa kẹo. Chiếc ghế đẩu của thằng tù thấp – không được ghế mây như khách, mà Giôn vẫn cao lêu đêu ngang chúng tôi.

“Tôi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sưng không cựa quậy được. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh. Không một máy bay tới cứu. Tôi chưa kịp mở điện đài. Bị bắt hơn một tháng, không bị sút cân. Thưa các ông, lúc nào cũng thèm thịt bò. Thèm mãi không có rồi quên đi. Bây giờ đã hơn ba năm, ba năm hai tháng, một ngày rồi”.

(Chiếc áo tay rộng ống màu lá cơi. Số 31 in trước ngực và lưng áo. Dạo có những cuộc trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm, tôi đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá, cổ đeo chuỗi hạt gọt bằng mắt tre, gộc tre, trong cái túi lưới đeo vai đựng bộ quần áo cánh có số và đôi dép râu, hệt quần áo và dép của trung uý Giôn. Họ xin được đem những kỷ niệm ấy về xứ).

Trung uý Giôn này lấc cấc, nhanh nhẩu, không ủ rũ, mệt mỏi (như thiếu tá tù binh Măctuên năm ngoái chúng tôi gặp, cũng ở cái phòng này).

“Tôi bị bắt lúc khoảng 2h trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo một quãng rồi xe camiông đem đi. Một mình tôi trong thùng xe, với một người gác. Cảm giác đầu tiên: Thế là cuộc đời đánh dấu chấm hết. Nhưng đến chặp tối, được khai giấy tờ, có bác sĩ đến khám, cho thuốc bó cái đầu gối sưng, tôi thoáng nghĩ như tôi đang chờ đợi cái gì, cái gì không rõ, nhưng không phải là cái chết”.

“Cho đến hôm nay, tôi còn sống, thế là tốt. Và cái tôi chờ đợi đã rõ. Tôi hy vọng một ngày kia được trở về. Bằng cách nào? Chỉ có Thượng Đế biết được. Còn tôi, tôi cầu mong Chính phủ Mỹ có suy xét đúng về cuộc chiến tranh này. Hai bên thương lượng, cuộc đổ máu sẽ đi vào quá khứ. Nhưng bây giờ thì tôi đương ở trong tay các ông. Tôi được sống hay tôi phải chết, không phải do tôi”.

(Giôn thở dài rồi chép miệng. Giôn hay thở dài như lấy hơi rồi chép miệng. Giôn lực lưỡng, cao lớn. Tôi nhớ một phi công Mỹ lái máy bay hai thân, ném bom ga xe lửa thành phố Vinh hơn hai mươi năm trước, bị Nhật bắn rơi. Tôi trông thấy một người lính Nhật giải tù binh vừa bị bắt sống qua trước ga Vinh mới phải bom sập, còn khói nghi ngút. Người tù binh cao to, hai cánh tay bị trói giật sau lưng, người lính Nhật cầm cái thừng dắt đi. Miệng người tù binh Mỹ há hốc, máu đỏ lòm chảy ròng ròng hai bên mép. Không biết bị đánh gãy hết răng hay nhảy dù ngã).

“Thưa ông vâng, hoà bình, tôi được trở về. Tôi sẽ được tha”.

(Áo bà ba của Giôn rộng thùng thình, nhưng không có túi. Nguyễn Tuân cầm bao Thủ Đô, kéo một điếu mời. Giôn cảm ơn. Cầm bao diêm Nguyễn Tuân đưa, Giôn rút một que đánh. Nhưng đã thó nhanh hai que diêm khác, cong ngón tay, gảy vào giấu trong ống tay áo. Tôi trông thấy).

“Tôi được ông cho biết là Chính phủ Giônxơn đương điều đình với các ông. Tôi cũng nghe loa phát thanh tiếng Anh được biết. Tôi nghĩ cuộc nói chuyện có thể có kết quả, nếu chính phủ miền Bắc thôi tiếp tế cho Việt Cộng. Tôi đã được cho biết từ khi mới đến Đông Dương như thế. Chẳng rõ có đúng không”.

(Ngoài cửa sổ đột nhiên mưa rơi bập bùng xuống lưng tàu chuối, như trống đánh. Tiếng nhạc dài oang vào tường, vang đi vang lại vách đá. Không biết ở các buồng giam, có nghe tiếng mưa, tiếng hát mọi khi cũng như thế này?).

“Thưa ông, ông bảo tôi nên kết luận lấy? Quả thực tôi không biết thế nào, theo ý các ông. Người ta bảo tôi: Chính phủ Hồ Chí Minh không muốn thương lượng nên chiến tranh vẫn tiếp tục.

Vâng, vâng, tôi xin trả lời câu hỏi: Tôi chỉ đánh phá xuống những nơi có thể cắt đường tiếp tế súng đạn và lương thực của miền Bắc cho Việt Cộng. Tôi biết Việt Nam qua báo chí và những điều cấp trên chúng tôi cho biết. Tôi phải thi hành lệnh cấp trên, vì tôi là lính.

Vâng, tôi ở hạm đội 7. Tôi chỉ biết Việt Nam trên bản đồ. Mỉa mai quá, đây là lần đầu tiên rơi xuống đất liền.

Thưa, các ông là nhà báo. Ông hỏi tôi có cảm tưởng thế nào, khi gặp các ông. Tôi ít đọc báo lắm, chỉ xem phim. Tôi nghĩ là các ông muốn biết ý kiến một tù binh Mỹ về chiến tranh và hoà bình. Tôi xin nói: Hoà bình tốt, chiến tranh xấu. Nhưng một ngày kia không còn chiến tranh nhân dân thế giới sẽ đối với nhau như người một nhà.

(Mỗi khi nghe xong câu hỏi, Giôn trả lời ngay. Có lẽ bản tính nó bốp tốp thế).

“Không, không phải độc lập của Mỹ hay của Việt Nam bị xâm phạm. Nhưng nếu Mỹ không chặn lại thì cộng sản quốc tế sẽ chiếm miền Nam Việt Nam rồi thôn tính Thái Lan, Miến Điện và nước khác. Vì thế người Mỹ phải sang đây cầm súng. Ông hỏi nếu tôi được trở về Mỹ mà thấy trong thành phố có biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam thì thái độ tôi thế nào?”.

“Nếu tôi được về nước, chắc khi ấy chiến tranh đã chấm dứt. Thế thì không còn biểu tình chống chiến tranh nữa. Nhưng nếu còn chiến tranh mà tôi vẫn là lính, tôi cũng không để ý đến đám biểu tình. Vì Chính phủ Mỹ đã trả lương cho tôi không phải để làm việc ấy. Nếu tôi là thường dân, tôi có đi biểu tình không? Tôi không trả lời được ngay bây giờ, chỉ biết là tôi phải xem hai bên thế nào đã. Các ông bảo tôi lo bị bí mật thu tiếng để các ông phát lên đài, nếu tôi nói về chiên tranh không như Chính phủ Mỹ đã nói, tôi có thể mất lương, có thể bị tù, khi trở về. Xin lỗi các ông tôi không biết, tôi không trả lời được câu này”.

“Tôi học trường đại học tổng hợp Pensuile. Chuyên khoa địa lý, nhưng bỏ dở, năm thứ ba khi 18 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình”.

(Nguyễn Tuân cười khẩy: Chuyến này ông sinh viên địa lý biết thêm địa lý Việt Nam).

“Tôi đã thưa với ông, tôi chỉ được biết Việt Nam trên bản đồ. Tôi mới học kiến thức chung về địa lý. Năm thứ ba phải thôi học. Tôi đi kiếm ăn lấy. Khá vất vả. Bố mẹ tôi chết, khó khăn quá cho chúng tôi”.

“Một giờ bay đi thả bom, tôi được phụ cấp bao nhiêu? Thưa ông, phụ cấp ở chiến trường trả theo cấp bậc và chuyến khác nhau, bay làm gì, đi đánh phá, đi yểm trợ, đi cứu đồng đội… tiền phụ cấp, tiền thưởng theo cách tính ấy. Trung bình, mỗi tháng tôi lĩnh trên dưới một trăm đô la, chưa bao giờ hai trăm. Tôi được bay ít lắm. Không hiểu tại sao”.

(Nguyễn Tuân bảo: “Anh nói dối”, trung uý Giôn chỉ đáp: “Thưa ông” rồi im lặng. Sự thực, hạm đội 7 vào trận đánh, mỗi phi công phải cất cánh ngày một lần, không kể các chuyến bay ngoại lệ).

“Thưa ông, tôi rất thích không quân. Bởi khi giải ngũ vẫn có nghề. Nhưng tôi không muốn bay trên trời Việt Nam làm những việc như vừa qua. Nếu còn làm nghề này, tôi chỉ muốn bay trên trời nước Mỹ của tôi”.

(Tôi nhận xét: “Trông trung uý Giôn như một tài tử điện ản”. Giôn mỉm cười, cảm ơn. Nguyễn Tuân nói nghiêm nghị: “Nhưng thật thì chúng ta đương ngồi trước mặt một tên giết người”. Nghe xong câu ấy, nét mặt hớn hở của Giôn chìm hẳn, Giôn mím môi.)

“Chiến tranh là tàn khốc, tôi biết, nhưng tôi phải làm theo lệnh Chính phủ. Máy bay Mỹ bị các ông bắn, người lái rơi chết, nghĩa là các ông cũng giết người. Vì các ông tiếp tế cho Việt Cộng, cho nên chúng tôi phải ngăn lại hành động xâm phạm miền Nam của các ông”.

(Nguyễn Tuân cười nhạt, hỏi vặn: “Giá như bây giờ anh lái tàu bay từ Bắc nước Mỹ lên ném bom Nam nước Mỹ, thì thế nào?”).

“Mỹ và Việt Nam khác nhau. Bắc và Nam Việt Nam là hai nước”.

(Nguyễn Tuân gõ gõ đầu tẩu thuốc. Đấy là cách lấy lại bình tĩnh. Thế là Nguyễn Tuân bực mình rồi. Những tiếng bộp bộp nặng nề vào cái gạt tàn thuốc trong đêm thanh vắng, làm những vết nhăn trên trán Nguyễn Tuân giãn ra, Nguyễn Tuân nói, thong thả: “Nếu được tha, anh hãy về học lại địa lý. Đại học địa lý rồi mà dốt quá! Ai bây giờ bảo Nam Mỹ là tư sản, Bắc Mỹ là cộng sản, anh nghĩ thế nào?”).

“Thế là điên, thưa ông”.

(Nguyễn Tuân trỏ tẩu thuốc vào mặt Giôn, nghiêm khắc: “Anh đương nghe lệnh một bọn điên đấy”).

“Tôi chỉ làm theo Chính phủ tôi. Tôi đã khai là có lái máy bay đi bắn và ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhưng tôi chỉ ném bom bắn cầu đường phá tiếp tế cho Việt Cộng. Thưa ông, tôi không giết người”.

(Giôn ngồi ở cái ghế đẩu như chiếc ghế năm trước. Tôi vừa nhận ra con số 2541 quét sơn trắng ở chân ghế, đúng cái ghế năm ngoái thiếu tá tù binh Măctuên đã ngồi. Lúc nào Giôn cũng giữ một tay lên bụng áo. Chắc Giôn không biết tôi đã mấy lần thấy nó lấy cắp que diêm nhét vào ống tay, Giôn biện bạch một thôi).

“Vâng, tôi chỉ được phép phá cầu, phá đường. Nếu có người chết, cũng là chẳng may người ấy gặp tai nạn, tôi không cố ý. Nhưng dù thế nào, xảy ra cái chết cũng là bất hạnh, tôi không muốn. Đức chúa Trời dạy con người phải thương yêu nhau. Chúa dạy tôi sợ máu, tôi không dám nhìn máu, tôi không dám giết ai. Đức chúa Trời…”.

(Nguyễn Tuân lắc đầu nhè nhẹ. Giết người mà lại còn nói con người phải thương yêu nhau! Không hiểu”).

“Thưa ông, tôi không giết người, tôi không… Tôi không thù ghét, nước Việt Nam Cộng Hoà hay nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũng thế. Những người chết là những người bị tai nạn chiến tranh. Tôi chỉ bắn phá cầu đường mà thôi. Đúng như thế. Nếu trên cầu, trên đường lúc ấy, chỗ ấy không có người thì không ai chết. Vì người ta đi đến đấy chứ tôi không cố ý làm người ta chết. Và chúng tôi không thể báo trước những nơi sẽ bị bắn phá…”.

(Nguyễn Tuân cáu kỉnh lừ lừ đứng dậy, giơ tay: “Bao giờ được về thì nhớ học lại địa lý. Không có hai nước Hoa Kỳ, không có hai nước Việt Nam. Nhớ đấy”. Trung uý Giôn nắm tay chúng tôi, con mắt xanh lơ ngơ ngác).

“Không phải các ông là nhà báo. Có phải các ông là quan toà? Các quan toà đến lấy khẩu cung tôi. Các ông sắp đem tôi ra xử. Tôi xin hỏi thực các ông?”.

(Nguyễn Tuân rút hai điếu Thủ Đô đưa cho trung uý Giôn. Anh này mặt lúc đỏ, lúc tái run rẩy cầm thuốc: Cảm ơn, cảm ơn. Các ông có phải… Cũng không buồn giải thích hay an ủi, Nguyễn Tuân bước ra, mặc kệ câu nói dang dở sau lưng. Nguyễn Tuân trầm mặc, chính trị, một vẻ ta đây. Tôi thường chứng kiến dáng điệu nghiêm chỉnh đĩnh đạc ấy ở Nguyễn Tuân, chỉ riêng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Nguyễn Tuân lý lẽ và cứng cỏi. Âu cũng lại một thói quen, cái người hay nói tôi không thích chính trị cũng đương chính trị mà không tự biết)n

Trích “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.