Hiện nay, xu hướng viết tự truyện đang tăng lên, đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz. Trước đây, Lê Vân viết tự truyện kết tội bố, lên án cha mẹ mình một cách gay gắt. Mới đây, cựu tiền đạo đội tuyển Quốc gia Việt Nam Lê Công Vinh đã ra mắt cuốn tự truyện Phút 89. Một phần của tự truyện kể về những tranh cãi, bôi xấu đồng đội và chuyện HLV nhận tiền.
Ngay sau khi tự truyện ra mắt, Công Vinh đã nhận được nhiều sự phản đối của những cầu thủ có tên trong tự truyện, họ cho rằng anh viết sai sự thật. Trước những câu chuyện này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thị Trường.
PV: Thưa nhà văn Trần Thị Trường, khi một người viết tự truyện đòi hỏi phải chú ý những yếu tố nào?
Nhà văn Trần Thị Trường: Tự truyện (hay hồi ký) của những người nổi tiếng luôn được người đọc quan tâm, bởi sự bộc lộ tâm tư, tình cảm, phát ngôn và những góc khuất của nhân vật chính (người tự truyện). Đồng thời, người đọc thấy được những nhân vật khác cùng sự kiện, hoàn cảnh, bối cảnh, không gian, thời gian xảy ra với góc nhìn của nhân vật chính.
Sự quan tâm càng lớn thì người viết tự truyện càng phải cẩn trọng. Chỉ một nhận xét ẩu, thiếu công bằng hoặc xuất phát từ góc nhìn, trình nhận thức hạn hẹp cũng sẽ gây ra những cảm nhận lệch lạc không đáng có về các đối tác (đối tượng, bạn bè của chính tác giả) và ngay cả với tác giả.
Thể loại tự truyện (hồi ký) không phải bây giờ mới có, trước đây đã có. Nhưng cuốn của các nhà văn: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bùi Ngọc Tấn sẽ còn được lưu giữ dài lâu vì giá trị văn học cũng như giá trị sự thật. Có những việc/ sự kiện/ câu nói… rất có ý nghĩa với từng cá nhân và với cả cộng đồng chỉ tìm được trong các hồi ký tự truyện đó. Nhân cách và trình thức của các ông là bảo chứng cho điều các ông viết.
PV: Bà đã từng viết tự truyện chưa? Nếu có, những cuốn tự truyện đó hướng đến điều gì?
Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi chưa có tự truyện của bản thân mình mà là người được mời viết cho tự truyện của một ca sĩ nổi tiếng. Tôi ý thức rằng, tự truyện không phải là hư cấu, mà sự thật là điều quan trọng nhất. Sự thật đó được sắp xếp như thế nào để lôi cuốn hấp dẫn người đọc, để nhân vật chính (người tự truyện) được nói lên suy nghĩ của mình. Một cuốn tự truyện có giá trị khi nó thông qua sự thật ấy, thông qua góc nhìn nhân văn của người tự truyện làm cho người đọc có được một cái nhìn thú vị về những gì đã qua, đang có và có thể sẽ có.
PV: Nhiều người cho rằng, việc sao Việt viết tự truyện để "rao bán" quá khứ làm nổi bản thân mình, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà văn Trần Thị Trường: "Rao bán" quá khứ là chuyện tồi tệ nhất (rẻ tiền nhất) trong việc viết tự truyện. Không phải quá khứ của ai cũng có thể "rao bán" và bán được. Loại quá khứ với những scandal rẻ tiền thì sớm muộn cuốn tự truyện cũng rơi vào quên lãng. Nhưng không ít người có quá khứ đáng để người khác biết đến. Và, tự truyện của họ đem đến những giá trị tốt cho cuộc sống.
PV: Công Vinh trình làng cuốn tự truyện Phút 89 được cho là với mục đích kể xấu đồng đội, vị HLV dạy dỗ anh, vậy theo bà điều này có nên không?
Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi không ở trong môi trường bóng đá cũng như hiểu sâu về các nhân vật (tên tuổi) mà Công Vinh nhắc đến trong Phút 89. Nhưng tôi nghĩ, người đọc nên hiểu đó là góc nhìn, là phát ngôn của Công Vinh. Có thể không đáng tin, hoặc chỉ đáng tin một phần nào đó. Không nên căn cứ vào đó để có cái nhìn khác đi về những người mà Công Vinh nhắc đến.
PV: Ngay khi ra mắt, tự truyện Phút 89 của Công Vinh đã “dậy sóng” trong dư luận vì bị cho rằng, sự thật chỉ đúng một phần. Vậy một cuốn tự truyện muốn đến gần với độc giả, công chúng và được công nhận thì yếu tố sự thật quan trọng như thế nào?
Nhà văn Trần Thị Trường: Nếu hầu hết cá nhân bị Công Vinh nhắc đến đã lên tiếng phản bác (như HLV Lê Thụy Hải, Phan Thanh Bình, Lê Tấn Tài, HLV Nguyễn Thành Vinh, Huỳnh Đức...) thì người đọc sẽ tự rút ra kết luận của mình, coi đó là góc nhìn riêng của tác giả tự truyện thôi. Bịa chuyện để thu hút độc giả cũng là chiêu trò mà nhiều người nhắm đến khi viết tự truyện. Tóm lại, yếu tố sự thật và khả năng nhìn nhận sự thật khách quan ấy có cao không, chuẩn không là rất quan trọng.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!