Từ trải nghiệm công việc nhà giáo, nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng, cách đánh giá và quản lý giáo dục hiện nay đã khiến việc dạy học trở nên hình thức. Trong khi đó, sự thấu hiểu và lắng nghe học sinh dễ hóa giải những mầm mống tiêu cực lại ngày càng ít đi.
Thưa cô, với tâm thế của một nhà văn, nhà giáo và cũng là người mẹ, cô có cảm xúc gì khi xem những hình ảnh bạo hành học sinh tại TP.HCM vừa bị phát hiện?
Không hẳn đến mức bạo lực mới khiến tôi đau lòng, mà ngay cả chuyện giáo viên lơ là với học sinh trong những việc rất nhỏ cũng dấy lên một nỗi lo ngại trong tôi. Vì từ lơ là sẽ xảy ra những hậu quả sau này.
Khi 2 đứa trẻ đánh nhau, người giáo viên ít khi hỏi thăm hoàn cảnh của các em mà chỉ chăm chăm xử lý các em bằng cách đánh phạt hay cô lập học sinh, cho nó ngồi một bàn riêng. Dần dần, điều đó sẽ trở thành mầm mống cho những việc tồi tệ. Mà kiểu giáo viên như vậy thì quá nhiều.
Họ đối đãi với giáo dục không còn tâm huyết nữa. Nhiều khi, họ bị đánh lừa bởi chính họ khi nghĩ rằng mua tập vở cho học trò, nói chuyện ngọt ngào với các em là tâm huyết, là việc làm đúng. Nhưng thật ra, tìm hiểu học trò, lắng nghe và hiểu các em đang muốn gì, cần gì thì mới là việc cần thiết nhất.
Liệu có phải cách trừng phạt học sinh của giáo viên thời nay có phần quá nặng nề so vói ngày xưa hay không?
Hình thức phạt bây giờ so với ngày xưa không phải là quá đáng mà là không có tâm. Ngày xưa phạt rất nặng nhưng là do thời điểm đó phải như vậy và tâm hồn của thầy cô rất trong sáng, phạt chỉ vì dạy học trò chứ không có thù hận. Còn bây giờ, đôi khi không cần phạt nặng nề nhưng đuổi học trò ra khỏi lớp đã thể hiện sự xa lánh học trò. Thầy cô bây giờ dạy dỗ học trò không phải vì đạo đức mà vì “chất lượng” học sinh.
Một đứa trẻ không thuộc bài, không phải vì nó không muốn thuộc bài. Chúng ta cũng từng đi học, đứa trẻ nào cũng muốn học giỏi nhưng có những đứa gặp khó khăn hơn những đứa khác. Như vậy, giữa chuyện nhớ hay không nhớ, đứa trẻ không được lựa chọn.
Giáo viên phải nhìn ra được điều đó và xem lại cách dạy của mình và chọn giải pháp khác. Khi mình đã quan tâm dạy dỗ thì những phụ huynh sẽ không bao giờ giận hờn. Còn nếu vì đứa trẻ không thuộc bài mà bắt nó đọc đi đọc lại 100 lần, 1000 lần thì sẽ trở thành một nỗi ám ảnh với học trò.
Những giáo viên tâm huyết trong việc lắng nghe, thấu hiểu học trò ngày càng ít đi, theo cô thì vì sao lại như thế?
Từ lãnh đạo, họ không đánh giá cao và chú trọng những người có tâm huyết. Họ chỉ đánh giá trên tiết dạy, giáo viên có “diễn giỏi” hay không, các báo cáo có “đẹp” hay không? Cứ răm rắp những báo cáo, sổ sách đó thì sẽ được đánh giá cao.
Có những giáo viên làm báo cáo rất dở nhưng họ tâm huyết với học trò lắm. Chỉ cần một em học sinh có biểu hiện thất thường là hôm đó giáo viên đã nắm bắt được. Họ sẽ tìm hiểu, lắng nghe các em.
Nhưng những giáo viên như vậy thì ít khi được đánh giá cao. Cứ đánh giá theo kiểu “án tại hồ sơ”, mọi thứ đều thể hiệu qua số liệu báo cáo mà không chú trọng các kỹ năng mềm của giáo viên thì không phải là cách quản lý giáo dục tốt.
Vậy còn mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh thì sao. Có phải những áp lực bên ngoài cũng khiến giáo viên dần mất đi vị thế trong quá trình dạy học của mình?
Giáo viên thường ngại đụng chạm, nhưng nếu có tấm lòng thì mình hướng dẫn được cho phụ huynh cách dạy con thì họ sẽ biết ơn mình rất nhiều, không bao giờ giận mình. Bản thân tôi đã làm điều đó rất nhiều. Bất cứ phụ huynh nào tôi cũng có thể nói thẳng và họ cảm thấy rất xúc động vì cô giáo đã hiểu con của họ hơn cả bản thân họ. Muốn được như vậy phải có kinh nghiệm tìm hiểu học trò.
Đối với những phụ huynh bênh con là do bước đầu giáo viên làm mất niềm tin của họ. Chứ khi giáo viên đã xây dựng được niềm tin cho phụ huynh thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Với những khi phụ huynh bênh con là do hiểu lầm thì mình cũng nên nhẹ nhàng, để từ từ họ hiểu. Chứ đừng vì chuyện đó mà nghĩ rằng phụ huynh là kẻ thù của mình.
Những áp lực từ bên ngoài tác động đến mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cũng có. Nhưng điều đó đòi hỏi người giáo viên không được sợ mà phải tự tin mình có đủ khả năng, đủ tình thương để hóa giải nỗi sợ.
Còn nếu mình không vượt qua được, lúc nào cùng run rẩy thì dần dần sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng rồi dẫn đến ghét học sinh, ghét phụ huynh. Từ đó, cách xử sự sẽ tầm bậy, chỉ cần cái liếc mắt hay một câu nói sẵng giọng thì học sinh cũng truyền về cho phụ huynh, cứ như thế thì niềm tin sẽ mất dần.
Cảm ơn cô đã chia sẻ!
Xem thêm Clip: Giáo viên chủ nhiệm bạo hành học sinh lớp 2 tại TP.HCM.