Để tìm hiểu về thị trường vé xe tết Quý Tỵ 2013, PV Người Đưa Tin đã đến bến xe và các điểm bán vé của một số công ty vận chuyển hành khách để khảo sát. Theo ghi nhận của chúng tôi, dường như không có một sự thống nhất nào về giá vé giữa các nhà xe. Thậm chí, giá vé chênh nhau hàng chục ngàn đồng dù chạy trên cùng một hành trình. Bên cạnh đó, nạn cò vé vẫn ngang nhiên hoạt động khiến các bến xe trở nên rất lộn xộn.
Đến hẹn lại tăng
Theo kế hoạch, bến xe Miền Đông (BXMĐ) sẽ bán vé xe phục vụ Tết Nguyên đán từ 1/12 - 25/12/2012 (âm lịch), tức từ ngày 12/1/2013 đến hết ngày 5/2/2013. Thời gian phục vụ Tết là 20 ngày, từ ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Thìn đến hết mùng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ (tức là từ ngày 31/1/2013 đến hết ngày 19/2/2013). Dự báo lượng hành khách sẽ đến BXMĐ trong dịp Tết 2013 tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các ngày 24, 25, 26 và 27 tháng Chạp.
Tại phòng vé nằm trên đường Hồng Lạc (P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM) của công ty Việt Thành Tourist (xe chạy tuyến TP.HCM - Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi và ngược lại), nhân viên bán vé cho biết, vé ngày 28 tháng Chạp đã hết. Giá vé giường nằm ngày 26 tháng Chạp là 1,4 triệu đồng/vé, ghế ngồi 900 ngàn đồng/vé. Còn tại phòng vé xe khách chất lượng cao Hùng Mai (đường Bàu Cát 9, Q.Tân Bình, TP.HCM) bán vé tuyến Đà Nẵng - TP.HCM, một nhân viên nam khẳng định, tất cả vé giường nằm đi trong Tết đã hết. Hiện nay công ty chỉ còn vé ngồi giá 720 ngàn đồng/vé.
Người dân mua vé xe tại Bến xe Miền Đông
Cũng tại những phòng vé của các doanh nghiệp trên, giá vé giường nằm thời điểm này tăng từ 340 - 450 ngàn đồng/vé. Nếu tính ra giá vé đã tăng khoảng 300 - 400% so với ngày thường. Trong khi đó, theo quy định, giá vé xe Tết không được tăng quá 60%. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, một lãnh đạo của sở GTVT TP.HCM cho biết, lực lượng thanh tra của Sở chỉ có chức năng kiểm tra việc dừng, đỗ, đón khách. Còn kiểm tra giá vé có đúng với đăng ký hay không là thuộc về thanh tra Sở Tài chính.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thi nhau "thổi giá" vé để kiếm ăn những ngày cuối năm. Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị An (hành khách từ TP.HCM mua vé về Thanh Hóa) bức xúc: "Cũng như những năm trước, nhiều nhà xe trưng bảng hết vé các ngày cao điểm từ 26 - 29 (âm lịch) để "ép" khách đến mua, đặt vé vào những ngày khác. Nhưng thực tế, nhà xe vẫn còn vé. Đó là chưa kể cánh phe vé vẫn còn ém một lượng vé không nhỏ. Đến cận ngày Tết, họ tung vé ra thị trường và đẩy giá lên tận "trời". Cũng theo chị An, do tâm lý của hành khách nôn nóng muốn có vé xe về quê ăn Tết nên không ngần ngại móc ví. Điều này vô tình làm lợi cho nhà xe và cũng là nguyên nhân khiến nạn đầu cơ vé vẫn còn đất sống.
Đồng quan điểm với chị An, anh Nguyễn Hữu Vinh (hành khách đi tuyến TP. HCM - Thái Bình) cho hay: "Nhiều doanh nghiệp địa điểm bán vé trong bến xe, còn có các phòng bán vé bên ngoài. Nhân viên tại các phòng vé này cũng bán vé cao hơn mức quy định để hưởng phần chênh lệch. Chưa hết, nhiều nhà xe còn tìm mọi cách để phụ thu thêm nhiều khoản khác. Theo đó, nếu thùng hành lý to cũng phải đóng thêm tiền, tiền đưa một chiếc xe máy về có khi cao hơn tiền hành khách đi trên xe. Thậm chí, tiền cơm cũng tăng cao gấp 2-3 lần. Ngày thường khách hàng chỉ phải trả khoảng 50 ngàn đồng/2 bữa ăn thì trong những ngày tết tăng lên từ 80 - 120 ngàn/2 bữa ăn".
Cò vé hoành hành
Cũng như những năm trước, nạn "cò" vé vẫn ngang nhiên hoạt động, tập trung nhiều nhất tại cửa số 1, số 3 của BXMĐ (quận Bình Thạnh), trước bến xe Lam Hồng (trên quốc lộ 1A)… Được biết, mỗi khi thấy có người đi bộ là cò vé lại bám riết, chèo kéo. Theo như nhiều "cò" thì họ có đủ loại vé, giá vé của nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách. Cò vé thường móc nối với nhau và với nhà xe để lấy giá cao hơn quy định. Hành khách muốn có vé thường phải trả cho cò tiền công từ 200-300 ngàn/vé.
Sinh viên Nguyễn Thiên Ân (trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM) cho biết: "Vì bận thi học kỳ nên tôi không có thời gian xếp hàng mua vé xe. Được giới thiệu tôi liên hệ với một cò vé tại bến xe Lam Hồng. Sau khi gặp gỡ, cò đưa cho tôi một phiếu hẹn và bảo đóng 200 ngàn tiền cọc. Đến ngày lấy vé, tôi phải trả số tiền bằng với tiền ghi trên vé mà không được trừ 200 ngàn tiền cọc trước đó. Tôi thắc mắc thì được cò cho biết, số tiền anh ta phải đi "làm việc" với nhà xe".
Tại những điểm bán vé gần các bến xe bắt đầu xuất hiện các cò vé lừa hành khách. Được biết, chiêu trò của chúng thường là lập phòng bán vé, sau khi bán được nhiều thì ôm tiền rồi bỏ trốn. Chị Đinh Hải Hiền (hành khách mua vé tuyến TP.HCM - Quảng Trị) không giấu nổi bức xúc: "Để về quê ăn Tết, tôi đến một phòng vé trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) mua vé. Đến nơi, tôi được một nhân viên cho biết, đây là phòng bán vé của nhà xe C.N.. Tuy nhiên, cầm tờ vé trên tay, tôi không thấy họ ghi giờ khởi hành và điểm đón khách. Vì nghĩ nhà xe này uy tín nên tôi yên tâm, móc tiền ra trả. Tuy nhiên, đến lúc liên hệ để biết lịch trình thì số máy in trên vé không liên lạc được. Quay lại chỗ đã mua vé, tôi và nhiều người khác mới biết mình bị lừa. Hỏi những người xung quanh nhưng họ không biết phòng vé này đã chuyển đi đâu".
Theo một lãnh đạo của BXMĐ, trong mỗi buổi họp, lãnh đạo bến xe đều kiên quyết cấm nhân viên bán vé cho cò. Song để phân biệt đâu là đám phe vé, đâu là người dân bình thường rất khó. Vì nhiều khi họ nhờ người này, người kia mua hộ. Mặc dù cao điểm trong năm chỉ có 3 tháng hè và Tết Nguyên đán nhưng bất kỳ lúc nào trong năm, cò cũng hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, chế tài xử phạt cánh phe vé chưa mạnh nên không thể giải quyết được vấn nạn này. Cũng theo vị lãnh đạo này, để tránh bị cò vé lừa, hay phải mua vé với giá cao, hành khách nên vào trong bến mua vé xe chính hãng. Hiện nay bên ngoài có những điểm bán vé giả mạo, họ bán vé giá rất cao, thu tiền xong rồi biến mất.
Qui định không được tăng giá vé 60% Về mức phụ thu giá vé xe Tết năm nay, bến xe và các doanh nghiệp đã thống nhất, các mức phụ thu (tăng giá) là 20, 40 và 60%, tùy theo tuyến và thời điểm khởi hành. Ngoài ra, do đặc thù của từng DN kinh doanh vận tải hoạt động trên từng tuyến đường mà có thể xây dựng, kê khai, đăng ký với các cơ quan quản lý về giá cước và thời điểm bắt đầu và kết thúc phụ thu. Các doanh nghiệp vận tải phải kê khai giá vé với cơ quan chức năng và phải được cơ quan quản lý bến thông qua trước khi tổ chức bán vé. Đồng thời, giá vé do doanh nghiệp công bố bán trong dịp Tết không được vượt quá 60% so với giá vé ngày thường. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Trao đổi với chúng tôi, ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ khẳng định: "Vé xe chất lượng về quê ăn Tết năm nay sẽ không thiếu. Tại nhiều bến xe vẫn còn hàng chục hàng xe còn số lượng lớn vé. BXMĐ vẫn còn một số hãng xe chưa bán vé tết như hãng xe Phương Trang, hãng xe Trung Nam… Chính vì vậy, người dân không cần lo thiếu xe tốt hoặc hết vé. |
Công Thư - Trung Nguyên