Táo bạo hay liều lĩnh?
Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay dựng vở Cây gậy thần - vở diễn nói về mối tình giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, lần đầu tiên tác phẩm này kết hợp một cách bài bản giữa nghệ thuật cải lương với xiếc để kéo khán giả trở lại với sân khấu. Theo đó, vở diễn là tác phẩm nằm trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt đã được bộ VH,TT&DL phê duyệt.
Trên sân khấu, lần đầu tiên, kịch hát dân tộc biểu diễn trên sân khấu tròn và kết hợp với kỹ thuật biểu diễn của xiếc đã tạo được nhiều không gian, thay đổi góc nhìn cho người xem. Nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung được hai ê-kíp diễn viên của cải lương và xiếc luân phiên nhau thể hiện. Nghệ sĩ vừa ca cải lương, vừa nhào lộn, vừa đu bay trên không trung tạo nên những điều lạ mắt chưa từng có.
Tuy diễn trên sân khấu của xiếc nhưng vở diễn vẫn đậm chất cải lương, có thắt nút, có cao trào và không mất đi sắc màu văn hóa đặc trưng. Điều đặc biệt hơn cả là toàn bộ các bài vọng cổ được hòa âm phối khí trên nền nhạc Jazz. Điều này khá mới mẻ với khán giả, thậm chí với người trong cuộc và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy sự kết hợp này có hợp lý và các nghệ sĩ nói gì về sự kết hợp táo bạo này?
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Triệu Trung Kiên - Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Lúc đầu diễn vở này, anh em nghệ sĩ thấy rất bỡ ngỡ, vì không biết sẽ phải làm gì. Mặt khác rất lo cải lương là nghệ thuật có nhiều yếu tố uỷ mị nhưng xiếc dồn dập nóng hổi, khi kết hợp thì hai môn nghệ thuật này có thích ứng được với nhau không?
Đây là lần đầu, ở mảng nghệ thuật truyền thống, chúng tôi đưa nhạc Jazz vào để phục vụ khán giả. Nghe thì có vẻ hơi bất ngờ nhưng các nghệ sĩ muốn phục vụ cả giới trẻ nên đã đưa nhạc Jazz vào để chiều lòng người trẻ. Tất cả âm nhạc của vở diễn, chúng tôi đều dùng nhạc Jazz, các bài cải lương đều được phối nhạc Jazz chứ không còn là cách diễn tấu cổ của cải lương nữa. Đây là một sự thể nghiệm cực kì táo bạo. Hiện nay sân khấu cải lương đang có giới hạn, đưa nhạc Jazz vào, các nghệ sĩ cải lương có một sự hoà âm phối khí mới, hướng tới đương đại, đây là hướng đi mạnh dạn và khá liều lĩnh. Đúng là sự thể nghiệm này đang gặp phải phản ứng trái chiều, có một bô phận khán giả chưa đồng nhất. Nhưng cái gì mới cũng cần phải có thời gian khẳng định…”.
“Đưa Jazz vào cải lương, vào nghệ thuật truyền thống là một ngã rẽ, một con đường mới cần được khán giả ủng hộ. Cải lương thực ra là một thể loại Jazz dân tộc, thể loại này cũng có ngẫu hứng, được diễn tấu theo cảm xúc. Chúng tôi hy vọng rằng, khán giả sẽ thích nghi được…” – NSND Triệu Trung Kiên cho hay.
Nghệ sĩ nhạc Jazz Quyền Thiện Đắc – con trai của nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho hay: “Nghệ thuật dân gian được thể hiện trên nền nhạc Jazz là sự kết hợp đồng điệu chứ không phải là chuyện “ngang xương” như nhiều người lầm tưởng. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Sắp tới đây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng một buổi biểu diễn giữa nhạc Jazz kết hợp với tuồng, chèo. Buổi biểu diễn này hứa hẹn nhiều bất ngờ. Là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi muốn Jazz đi vào đời sống hơn nữa, Jazz kết hợp với các môn nghệ thuật khác và được thăng hoa hơn”.
Khi được hỏi, việc đưa nhạc Jazz vào nghệ thuật truyền thống liệu có phải là sự kết hợp táo bạo không, nhạc sĩ Sơn Minh (Đại học Nghệ thuật Quân đội) cho hay: “Khi nghe đến việc đưa nhạc Jazz vào nghệ thuật truyền thống, tôi thấy rất ngạc nhiên và hỏi: Jazz kết hợp với cải lương là thế nào, nhưng sự kết hợp này lại hợp lý. Điều này có nghĩa là các nghệ sĩ cải lương, tuồng, chèo, xiếc… đang thức thời. Họ không chịu ngồi yên một chỗ mà tự vận động để kéo khán giả đến rạp. Khán giả trước nay khi đứng trước một cái mới, họ sẽ thận trọng xem cái mới ấy có phù hợp không. Nghệ sĩ nỗ lực trong các vở diễn sẽ tạo được đột phá và hy vọng khán giả sẽ ủng hộ”.
Đừng vội chê Jazz kết hợp với nghệ thuật truyền thống…
NSND Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam – một người nặng lòng với nghệ thuật truyền thống cũng say sưa cho biết về sự kết hợp của nhạc Jazz: “Cái gì cũng thế, khi lần đầu đưa Jazz vào nghệ thuật truyền thống sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phải nói nếu chúng ta không mạnh dạn đổi mới, sẽ bị tụt hậu. Nhiều người băn khoăn khi đưa Jazz vào cải lương, chèo, tuồng… nhưng phải hiểu và yêu nghệ thuật thì mới thấy sự thay đổi này là sự tất yếu. Chúng tôi không phá bỏ cái cũ, chúng tôi vẫn tôn trọng khán giả Việt Nam nhưng chúng tôi có tham vọng chinh phục được cả khán giả quốc tế, họ được nghe Jazz và sẽ thẩm thấu được nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nhiều hơn.
Khán giả có quyền nghi ngờ, nghệ sĩ sẽ chứng minh hướng đi bằng thực tiễn
“Chúng tôi không ép khán giả phải xem bằng được vở diễn, khán giả có thể chọn xem hoặc không, nhưng chúng tôi quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, nghệ thuật phải phục vụ con người. Đưa cái mới vào truyền thống để hoàn thiện tốt hơn. Biết đâu chúng tôi sẽ làm được nghệ thuật ca kịch xiếc, nếu những cái mới được định danh, chúng tôi sẽ lưu giữ được những điều tử tế từ nghệ thuật cho các thế hệ sau.
Xu hướng Jazz kết hợp với nghệ thuật truyền thống đã được bộ VH,TT&DL thông qua. Nhiều người nói Jazz kết hợp giữa Cải lương, tuồng, xiếc… thì khác nào “dưa hấu chấm mắm tôm”, ý nói là không hợp nhau, nhưng tôi cho rằng, phải xem, phải nghiền ngẫm thì mới thấy nó có hợp hay không? Khán giả có quyền nghi ngờ, và chúng tôi có nhiệm vụ phải phá tan những hoài nghi ấy, để Jazz sẽ là một nét mới kéo khán giả tò mò đến rạp xem sự kết hợp này. Chúng tôi không phá vỡ văn hoá truyền thống, mà trên cái nền của truyền thống, chúng tôi đưa cái mới vào để cái cũ hấp dẫn hơn. Có thể thấy rằng, thời gian gần đây, các gameshow trên truyền hình mời nhiều nghệ sĩ xiếc, chứng tỏ nghệ thuật truyền thống như xiếc có thể phục vụ được khán giả hiện đại đấy chứ. Quan điểm của tôi là, chúng ta đưa cái mới vào nhưng không ồ ạt, phải chậm nhưng chắc…” – NSND Tống Toàn Thắng tâm sự.
NSND Đào Trung, nhạc sĩ của vở Cây gậy thần cho hay: “Tôi là người có nhiều hoạt động về nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi ở trong một nhóm nhạc thường xuyên đưa nhạc Jazz đi quốc tế biểu diễn. Việc kết hợp giữa nhạc Jazz với nghệ thuật dân gian thì lần đầu tôi được mời hợp tác. Cải lương với tôi như 1 loại hình nhạc Jazz của Việt Nam. Việc kết hợp giữa Jazz và nghệ thuật truyền thống có thể là xu thế mới. Là nhạc sĩ của vở diễn, tôi nghĩ mình đã mang tới những cảm giác thú vị, bất ngờ và nhanh nhạy cho người xem…Đừng vội chê nhạc Jazz kết hợp với nghệ thuật truyền thống”.
Nghệ sĩ Cải lương Minh Hải chia sẻ với PV về việc hát Cải lương trên nền nhạc Jazz: “Là một nghệ sĩ góp mặt trong vở diễn có nền nhạc Jazz, tôi thấy rất mới mẻ. Khi hát cải lương trên nền nhạc Jazz, lúc đầu tôi thấy lạ tai, sau khi tập vài buổi thì nghệ sĩ thấy rất thú vị, nhạc Jazz đưa vào nghệ thuật truyền thống sẽ mang đến cho nghệ sĩ những cảm xúc mới, diễn tốt hơn. Đến giờ này bọn tôi đã quen với sự thử nghiệm này, khi bản thân mình vượt qua được giới han nghệ thuật, thì tôi cảm thấy thích thú."
Nhạc sĩ Lê Minh cho hay: “Chắc có lẽ nhiều người cho rằng, nhạc Jazz là một cái gì đó cao siêu bác học, mà lại kết hợp với nghệ thuật chèo, tuồng, cái lương thì chả biết sẽ ra “cái gì”. Nhưng chính những khác biệt này đã làm cho các môn nghệ thuật này lạ hơn. Có thể thấy, nghệ thuật sân khấu và âm nhạc đã bắp kịp với cuộc sống hiện đại khi tìm ra những hình thức mới mẻ, đa dạng, thoát khỏi lối dàn dựng cũ mòn. Tôi đã từng nghe một làn điệu chèo, cải lương được hát trên nền nhạc Jazz và thấy rằng, nó khá hay, hay theo một cách lạ lùng. Cũng giống như một món ăn tây, kết hợp với những món ăn độc đáo của Việt Nam, nó sẽ tạo ra một bữa ăn có đầy đủ phong vị. Tôi ủng hộ việc làm mới nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”.