Lần thoát chết kỳ diệu
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923 tại Huế, là cái tên nức tiếng của làng nhạc Việt với hơn 200 ca khúc được yêu thích. Cha là nghệ nhân cổ nhạc cung đình Châu Huy Hà và chị ruột là nữ nghệ sĩ nổi danh tài sắc Châu Thị Minh nên Châu Kỳ cũng được tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn từ khi còn rất nhỏ. Châu Kỳ bước lên sân khấu chuyên nghiệp với tư cách ca sĩ năm 14 tuổi và rong ruổi khắp nơi cùng gánh hát của nghệ sĩ Ái Liên. Năm Châu Kỳ 19 tuổi, ông cho ra đời bài hát đầu tiên, Trở về. Ca khúc là nỗi tiếc thương, nhớ nhung mà Châu Kỳ dành cho mẹ khi bà ra đi trong trận lụt cuối năm Canh Thìn 1940.
Châu Kỳ không chỉ là một ca sĩ, nhạc sĩ mà còn tham gia đóng kịch và viết kịch. Tuy nhiên, sự nghiệp của Châu Kỳ chỉ thăng hoa cùng những ca khúc trữ tình. Có thể kể đến một vài tác phẩm tiêu biểu của ông đã ăn sâu vào tâm trí khán giả như: Con đường xưa em đi, Đừng nói xa nhau, Được tin em lấy chồng, Giọt lệ đài trang, Túy ca, Thói đời... Trong suốt nhiều thập kỷ, sáng tác của Châu Kỳ được săn đón ở khắp nơi, tới mức các bản nhạc in luôn ở trong tình trạng “cháy hàng”, nhiều giọng ca cũng nổi tiếng nhờ các sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này.
Không chỉ nổi tiếng với những bản nhạc tình, Châu Kỳ còn là nhạc sĩ nổi danh ở dòng nhạc quê hương. Chia sẻ về nhạc sĩ Châu Kỳ, vợ ông - bà Kha Thị Đàng cho biết: “Chồng tôi có nói từng tham gia vệ quốc đoàn, phục vụ trong lực lượng văn nghệ cách mạng. Khi đất nước chia cắt, chồng tôi ở miền Nam thì ông không đăng lính lần nào nữa, chỉ hát và sáng tác thôi... Các tác phẩm của chồng tôi tập trung vào đề tài tình yêu quê hương đất nước và mong ước đất nước hòa bình, thống nhất”.
Trong một cuộc trò chuyện với truyền thông, bà Kha Thị Đàng cũng kể về câu chuyện hi hữu xảy ra trong cuộc đời nhạc sĩ Châu Kỳ. Bà biết về câu chuyện này khi chồng viết ca khúc Giọt lệ đài trang. Chuyện là, trong một lần đi biểu diễn các ca khúc yêu nước, giặc Pháp bắt được nhóm văn nghệ và nhạc sĩ Châu Kỳ nghe được chúng nói với nhau là “sẽ đem hết bọn Việt Minh này bắn đi”. Vì mọi người không ai biết tiếng Pháp nên đều rất hồn nhiên, chỉ mình Châu Kỳ lo lắng. Ông nói là mình muốn đi vệ sinh, chúng đưa ông ra bụi cây và gí súng vào thắt lưng. Ông nghĩ, chắc mình sắp bị bắn trước anh em nên nhanh ý trò chuyện với tên lính Pháp về gia đình anh ta và chúc phúc cho họ dù sợ đến mức không thể đi tiểu. Sau đó, ông nói với tên sĩ quan, ở đây toàn anh em văn nghệ, rất thích âm nhạc Pháp. Ông hát liền mấy bài tiếng Pháp rất hay, khiến tụi lính kéo đến nghe và khen ngợi hết lời. Cuối cùng, chúng không bắn mà đem về doanh trại để giam giữ. Giữa lúc ấy, vợ tên sĩ quan Pháp, vốn là con gái một gia đình quyền thế ở Huế cũng đi tới trại lính và nhận ra Châu Kỳ. Trước kia, cô là người Châu Kỳ say đắm. Nghe vợ nói gì đó, tên lính Pháp xiêu lòng rồi thả mọi người. Người phụ nữ ấy cũng chính là giai nhân phía sau ca khúc nổi tiếng Giọt lệ đài trang.
Ba bóng hồng trong cuộc đời Châu Kỳ
Như nhiều nhạc sĩ tài năng cùng thời khác, mỗi ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ đều gắn với một bóng hồng nào đó. Các tình khúc ấy đều được viết nên từ những hạnh phúc nồng nàn và cả nỗi đắng cay của sự chia ly.
Khi còn trai trẻ ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ si mê Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư. Để gây ấn tượng với nàng, chàng lãng tử Châu Kỳ đã ôm đàn đứng dưới cửa sổ để hát lên những khúc nhạc yêu thương. Tuy nhiên, vừa ngân lên được vài khúc, Tôn Nữ Kim Anh đã ngừng tay đan áo, nhìn xuống và buông câu "Xướng ca vô loài". Bẽ bàng vì bị từ chối, ông ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn. Sau đó, họ có cuộc gặp định mệnh khi ông bị lính Pháp bắt. Ở lần gặp thứ 3, thời thế xoay vần khiến tiểu thư đài các năm nào phải sống cảnh khốn cùng. Nhìn nàng, Châu Kỳ xót xa mà viết nên ca khúc Giọt lệ đài trang.
Khi ấy, nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và túi chỉ còn 5 đồng, đủ ăn một bát cháo. Trùng phùng giữa nghịch cảnh, Tôn Nữ Kim Anh gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà nước mắt ngắn dài. Trong túi có 300 đồng, ông tặng luôn cho Tôn Nữ Kim Anh và chở nàng về xóm trọ. Ngẫm về những trầm ai chốn trần gian, nhạc sĩ Châu Kỳ viết nên những ca từ đầy tâm trạng để nói về người con gái ấy: "Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang... Tôi, chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bòng mơ người đẹp lầu son... Em, em nhớ xưa rồi em khóc. Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang...".
Ngoài Tôn Nữ Kim Anh, Châu Kỳ còn có mối tình vô cùng sâu đậm với mỹ nhân gốc Hải Phòng – ca sĩ Mộc Lan. Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà từ độ tuổi trăng tròn đã được ca ngợi là mỹ nhân tài sắc. Bà không chỉ sở hữu vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn có giọng hát hay đến mê hồn. Đôi trai tài gái sắc gặp nhau, nhanh chóng nên duyên và trở thành cặp đôi lừng lẫy của làng nhạc khi ấy.
Sau khi kết hôn, nhạc sĩ Châu Kỳ đưa vợ trở về Huế sinh sống và thường xuyên hát cho đài phát thanh cố đô với mức lương khá hậu hĩnh. Đáng tiếc, căn phòng nhỏ phía sau Ty thông tin Huế nằm dưới chân cầu Tràng Tiền không thể nuôi dưỡng hạnh phúc của họ.
Trong cuốn Những trang sách khép mở, em ruột của ca sĩ Mộc Lan - nhà văn Trần Áng Sơn đã lý giải nguyên nhân rạn nứt giữa đôi uyên ương chính là do người đàn ông có tên Mệ Phủ: "Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người. Ông thường tự lái chiếc xe jeep hiệu Lăng Rôvơ, tiếng máy nổ rất êm... Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc, nhưng người ông ta chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi cùng với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc... Rồi anh Châu Kỳ công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ Phủ... Anh Châu Kỳ và chị tôi vào lại Sài Gòn, rồi họ chia tay".
Cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm với nữ ca sĩ Mộc Lan đã để lại cho người nhạc sĩ tài năng nhiều đau đớn. Nỗi cay đắng vì duyên tình đứt gãy đã dằn vặt ông trong suốt một thời gian dài. Lúc này, để vơi bớt sự tủi hận, đau đớn, nhạc sĩ Châu Kỳ dồn hết tâm tư vào các ca khúc Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Tiếng ca đó về đâu, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Đàn không tiếng hát... Đã có lúc nỗi đau khiến cuộc sống của Châu Kỳ bị dồn đến đường cùng. Nhưng, thời gian luôn có sức mạnh thần kỳ, nó khiến những vết thương dù nặng thế nào, gây đau đớn thế nào cũng đều sẽ “kín miệng”.
Sau khi nguôi ngoai nỗi đau, nhạc sĩ Châu Kỳ đã gặp được một nửa thực sự của đời mình. Đó là cô nữ sinh trường Gia Long - Kha Thị Đàng. Khi gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, bà Đàng mới chỉ là cô gái 16 tuổi. Sau lần gặp đầu tiên, tình yêu giữa họ nhanh chóng nảy nở. Năm 1955, bà Đàng kết hôn với nhạc sĩ Châu Kỳ bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình.
Khi ấy dù Châu Kỳ đã là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng tiền thù lao cũng chỉ đủ giúp ông sống qua ngày. Vì vậy, trong đêm tân hôn họ phải ở nhờ một người bạn. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá đơn giản vì mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào tiền thu lao đi hát tại các rạp chiếu phim, phòng trà của nhạc sĩ Châu Kỳ. Mãi sau đó họ mới có một căn nhà riêng nằm trong hẻm sâu.
Trong hành trình hơn 50 năm bên nhau, bà Đàng đã trở thành hậu phương vững chắc để Châu Kỳ miệt mài sáng tác, cống hiến cho đời, cho khán giả những tuyệt phẩm. Người vợ tần tảo ấy đã mang đến cho ông một cuộc sống bình yên, một gia đình hạnh phúc. Là nghệ sĩ của những khúc tình ca, ông cũng đã có những phút giây ngoài vợ chồng, những khoảng trời riêng nhưng bà chưa bao giờ dằn vặt ông vì điều đó. Bà lặng lẽ đứng sau chồng, lặng lẽ ủng hộ chồng và lặng lẽ nhận về mình không ít chua chát thầm ghen trộm nhớ.
Sinh cho nhạc sĩ Châu Kỳ tất thảy 4 người con, bà không chỉ chấp nhận nâng khăn sửa túi cho một đức lang quân lãng tử mà còn trân trọng những ca khúc của chồng. Đến nay dù tuổi đã cao, nhưng bà Đàng vẫn thuộc hầu hết sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ. Nhạc sĩ Châu Kỳ đào hoa và lãng mạn bao nhiêu, thì bà Kha Thị Đàng chỉn chu và chu đáo bấy nhiêu.
Khi nói về người chồng quá cố, bà Kha Thị Đàng có những chia sẻ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Có lẽ, bà phải yêu ông lắm, hiểu ông lắm mới có thể có được cái nhìn bao dung như thế. "Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời", bà Kha Thị Đàng tâm sự.