Bên lề buổi họp báo để chuẩn bị hướng tới ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IV (3/9/2013), TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có cuộc trao đổi chân tình với PV Người Đưa Tin xung quanh những chuyển biến trong bức tranh đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại. Bình tĩnh, công tâm và khách quan, nhạc sĩ đã thẳng thắn đánh giá về những mặt được và những khiếm khuyết cần sửa đổi.
Tôi ủng hộ ý kiến mang tính xây dựng, chân thành
- Và nhân đây, tôi xin nói qua về câu chuyện vừa qua của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 liên quan đến những nhận xét âm nhạc, trong đó có rất nhiều điều thực tế khiến chúng ta phải suy ngẫm. Ông có biết về vụ việc này không?
Tôi có theo dõi và nắm qua được câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Theo tôi, đây là những nhận xét chân thành của một người luôn bám sát, trăn trở và có trách nhiệm với đời sống âm nhạc. Chưa bàn về đúng, sai hay quan điểm ấy có đáng gây tranh cãi không, tôi chỉ thấy rằng, đây là một tiếng nói đáng ghi nhận vì nó mang tính xây dựng. Dù là ý kiến của một người làm nhạc chuyên nghiệp, không chuyên hay công chúng đều để chúng ta đáng suy ngẫm, nhất là đối với những người làm nghề như chúng tôi. Dù chưa gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngoài đời nhưng qua những gì tôi biết, ông là một nhạc sĩ gạo cội, có tên tuổi nên những lời phát biểu của ông, tôi nghĩ rằng ông hoàn toàn có trách nhiệm, chắc chắn không phải là chiêu đánh bóng hay "nổ" như người ta đồn đoán.
- Ông đồng tình với những quan điểm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chứ?
Như tôi đã nói, không phải là vấn đề đồng tình hay không, vì đây là ý kiến, tiếng nói và sự trải nghiệm của mỗi người. Tôi ủng hộ những ý kiến mang tính xây dựng chân thành với mục đích góp phần làm khởi sắc bộ mặt của âm nhạc Việt Nam.
- Sau phát ngôn thẳng thắn của nhạc sĩ lớn tuổi này, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều, người ủng hộ, người phản đối. Trong đó, một nhân vật được nhạc sĩ nhắc đến khá nhiều là Đàm Vĩnh Hưng, anh đã vội "đăng đàn" và ví Nguyễn Ánh 9 như một vị "ngụy quân tử", ông nghĩ sao về cách phản ứng đó?
Theo tôi, mình là bậc con, cháu thì không nên có thái độ như thế. Người ta góp ý thì mình nên ghi nhận.
- Qua đây thì ông có mong muốn hay nhắn gửi gì tới những người đã, đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc không?
Tôi rất mong muốn những người nhạc sĩ, ca sĩ, những nhà lý luận, phê bình âm nhạc có nhiều tiếng nói hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển toàn diện đời sống âm nhạc Việt Nam. Còn việc xây dựng như thế nào, kiểu gì thì mình không thể áp đặt được. Những ý kiến đóng góp thành tâm luôn nhận sự đồng tình của dư luận là cách tốt nhất để góp điều chỉnh đời sống âm nhạc Việt Nam theo hướng tốt hơn.
- Ông đánh giá như thế nào về thị hiếu nghe, nhìn của công chúng hiện nay, nhất là công chúng trẻ?
Công chúng trẻ là một bộ phận lớn, quan trọng trong thị trường âm nhạc, thị hiếu của công chúng trẻ ngày càng đa dạng và phong phú. Một bộ phận trong đó có xu hướng "sính ngoại", thích nghe và xem các clip ca nhạc nước ngoài, đôi khi phần nhìn lấn át phần nghe. Trong tình hình hiện nay, rất mong các loại hình âm nhạc khác được giới trẻ đón nhận nhiều hơn nữa như: Âm nhạc cổ điển bác học, âm nhạc dân gian dân tộc và đặc biệt là dòng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có như vậy, việc thưởng thức âm nhạc sẽ phong phú, góp phần xây dựng tính cách tâm hồn và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Hàng chợ, nghe xong là... quên
- Ông đánh giá như thế nào về bức tranh nền âm nhạc Việt Nam hiện nay?
Nhìn chung, bức tranh âm nhạc của chúng ta hiện phong phú nhưng khá bề bộn, ngổn ngang có nhiều vấn đề phải bàn. Nếu nhìn về bề nổi thì chức năng giải trí đang lấn át các chức năng thẩm mỹ, sáng tạo, định hướng… của âm nhạc. Hay nói cách khác, dòng âm nhạc chính thống đang bị nhạc thị trường lấn át, có nguy cơ bị đẩy ra vòng ngoại vi. Việc chỉnh sửa hay thay đổi bức tranh này cần có sự hợp tác từ nhiều phía.
- Vậy bản chất đích thực của âm nhạc nằm ở đâu, thưa ông?
Âm nhạc đích thực nằm trong sự sáng tạo của các nhạc sĩ - chủ nhân đầu tiên của tác phẩm chứ không phải là tần suất xuất hiện. Có rất nhiều nhạc sĩ, họ sáng tạo ra sản phẩm của mình không phải vì mục đích nổi tiếng mà vì những tìm tòi, sáng tạo chiều sâu.
- Những gì mà âm nhạc hiện nay của chúng ta vẫn thiếu hay chưa làm được?
Đó là số lượng ca khúc nhiều nhưng thiếu tác phẩm chất lượng cao, dòng nhạc chính thống bị nhạc thị trường lấn át, thiếu tác phẩm lớn cho dòng nhạc kinh điển, chính thống như: Nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch… Hiện tượng lệch pha giữa sáng tác và biểu diễn, nạn "đạo nhạc" vẫn tràn lan, tình trạng nghiệp dư hóa tăng cũng như việc đời sống âm nhạc bị chi phối bởi yếu tố thị trường… Bây giờ, để dàn dựng và biểu diễn một bản giao hưởng là rất khó, mất nhiều thời gian sáng tác và kinh phí dàn dựng, còn để tung ra một ca khúc thị trường thì rất dễ. Cũng phải thừa nhận, môi trường âm nhạc ở ta, sự kiểm soát các sản phẩm không tốt. Chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh trong việc kiểm soát đầu ra các sản phẩm âm nhạc. Hiện nay, chúng ta chưa hạn chế được những bài hát kém chất lượng, thiếu tính sáng tạo, mà thường, chúng ta gọi là hàng chợ, nghe xong là quên ngay. Cần phải có một "bộ lọc" để gạt những sản phẩm kém chất lượng ra ngoài đời sống âm nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
- Vậy, ai là người chịu thiệt thòi khi "sống" trong một môi trường âm nhạc bề bộn và ngổn ngang như thế?
Tôi buồn cho công chúng, họ thiệt thòi vì không được sống trong một không khí âm nhạc trong lành, chính thống. Bây giờ, khắp nơi chỉ thấy các ca khúc thị trường mà không phải ca khúc nào cũng tốt, những sản phẩm âm nhạc không chất lượng như thế làm chai sạn cảm xúc âm nhạc, khiến công chúng nhàm tai, nhàm mắt. Công chúng không có cơ hội được tiếp xúc và đón nhận những sản phẩm âm nhạc đích thực.
- Với vai trò là Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có thể nêu ra những giải pháp để khắc phục tình trạng đó không?
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kiên trì nói nên tiếng nói của một tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Đó là cần thiết phải có chiến lược âm nhạc quốc gia, cụ thể là cần có luật Âm nhạc như luật Điện ảnh đã được Quốc hội ban hành để trở thành hành lang pháp lý cho hoạt động âm nhạc. Đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của những người làm nghề, vì họ là người có trình độ chuyên môn, có khả năng thẩm định tốt nhất những tác phẩm trước khi được phổ biến rộng rãi.
- Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi ngày hôm nay!
Bảo Hằng - Thanh Xuân (thực hiện)