Theo đó, ban Tổ chức của Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 - khu vực phía Bắc năm 2018 cho biết, sự kiện này là đợt sinh hoạt nghề nghiệp được hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức theo khu vực vùng miền trong cả nước, là ngày hội của giới nhạc sĩ và công chúng yêu nhạc, nhằm biểu dương, quảng bá những tác phẩm, công trình âm nhạc mới, tiếp tục động viên khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo trong các lĩnh vực: Sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc.
Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 - khu vực phía Bắc năm 2018 do hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội với mô hình mới: Các tác phẩm được ban Tổ chức lựa chọn, dàn dựng, phối khí và thể hiện bởi dàn nhạc của trường đại học Nghệ thuật Quân đội. Liên hoan sẽ được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26-28/9/2018.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 - khu vực phía Bắc năm 2018, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam cho hay: "Tại Liên hoan này chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề bản quyền. Hiện nay, nhiều người thường chú ý đến những nghệ sĩ nổi tiếng, họ chơi những tác phẩm nào, mà quên đi việc họ sử dụng những tác phẩm đó đã xin phép chưa, vấn đề tác quyền ra sao? Có ồn ào hay vấn đề gì đó về tác phẩm hay không?
Khi tổ chức một sự kiện lớn, mang tầm vóc quảng đại quần chúng, thì chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến vấn đề tác quyền, để làm một chương trình âm nhạc văn minh, mọi thứ đều phải làm chuyên nghiệp, quy củ".
Khi được hỏi: "Dường như các đơn vụ tổ chức sự kiện âm nhạc hiện nay đang "lờ" đi việc cấp phép bản quyền bài hát, anh có thấy thế không?", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: "Hội Nhạc sĩ Việt Nam có trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam - một nơi khá mạnh về luật bản quyền để giải quyết việc này. Tôi có thể nói thêm rằng, việc tôn trọng quyền tác giả đó là một quy ước quốc tế và người làm nhạc chuyên nghiệp phải tuân thủ theo.
Cơ quan quản lý có thể chưa có chuyên môn sâu về luật bản quyền, hoặc do thời gian, thói quen, đôi khi họ bỏ qua việc kiểm soát bản quyền âm nhạc, dẫn đến sự không công bằng về bản quyền. Thì chúng tôi sẽ tư vấn với người tổ chức phải có ý thức về việc tự giác dùng sản phẩm âm nhạc phải xin phép tác giả để có một môi trường âm nhạc văn minh, hiện đại".
Với câu hỏi: "Hiện nay nhiều lễ hội âm nhạc không chỉ trình diễn trong khán phòng hẹp mà nhiều đơn vị tổ chức đã tổ chức ở một không gian mở rộng rãi trong khi các đơn vị vẫn quản lý theo quy định cũ, thì có gặp khó khăn gì không?", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay: "Rõ ràng, việc này cần phải bàn thêm, vì không gian trình diễn quyết định nhiều đến lượng khán giả và quy mô chương trình. Ban tổ chức phải giám sát và báo cáo cho các cơ quan quản lý về quy trình tổ chức chương trình. Tôi hy vọng rằng, ở Việt Nam sẽ có nhiều chương trình âm nhạc hay, mang quy chuẩn quốc tế".