Theo đó, tại Hội nghị kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức bỏ phiếu kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt giữa nhiệm kỳ của Hội, bằng hình thức tập trung và trực tuyến. Kết quả, 100% bầu Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh giữ chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hội nghị cũng thông qua miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đối với PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân để nhạc sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ cao hơn là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hội nghị đã bầu để kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kết quả 21/21 phiếu, đạt 100% đồng ý bầu nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhạc sĩ Đức Trịnh sinh năm 1957, quê quán Bắc Giang nhưng lớn lên ở Hà Nội. Sau khi nhập ngũ, nhạc sĩ Đức Trịnh nhận nhiệm vụ tại Quân khu 9. Tốt nghiệp khoa sáng tác Học viện âm nhạc quốc gia vào năm 1991, nhạc sĩ Đức Trịnh chính thức gắn bó với Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
Nhạc sĩ Đức Trịnh là người tiếp nối nhạc sĩ An Thuyên (1949-2015) làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ năm 2009 đến 2017. Cũng giống như người tiền nhiệm, nhạc sĩ Đức Trịnh được phong hàm Thiếu tướng quân đội.
Nhạc sĩ Đức Trịnh làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 2010 đến nay. Hiện tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam còn 3 Phó Chủ tịch là Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu.
Chia sẻ về vị trí mới, nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết: "Tôi vui mừng khi được tín nhiệm bầu vào Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng cũng áp lực để đưa phong trào sáng tác, biểu diễn nâng cao".
Nhạc sĩ Đức Trịnh không chỉ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà còn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2012. Nhạc sĩ Đức Trịnh sáng tác cả khí nhạc và ca khúc. Ngoài những ca khúc phục vụ quân đội, nhạc sĩ Đức Trịnh có ca khúc Miền xa thẳm khá quen thuộc với công chúng.
Nhạc sĩ Đức Trịnh thổ lộ về ca khúc Miền xa thẳm được nhiều người yêu thích: “Đây là tác phẩm đặt hàng, viết cho vở kịch cùng tên Có lẽ đây là hiện tượng rất kỳ lạ và cũng là duy nhất trong cuộc đời viết nhạc của tôi. Sau khi đi thăm nghĩa trang Trường Sơn trở về, tôi đặt bút viết từ lúc 9h tối. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, cả lời lẫn nhạc được hoàn thiện.
Sau khi viết xong ca khúc này, tôi vào ngay phòng thu tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cùng với một cậu kỹ thuật nữa tự làm nhạc, tự thu. Lúc ấy thể hiện bài hát là hai ca sĩ Hồ Quỳnh Hương (hát), Nguyệt Minh (vocal). Đến khoảng 2 - 3h sáng thì xong. Sáng hôm sau, tôi gọi nghệ sĩ saxophone Hồng Kiên chơi đoạn dạo giữa. Sau đó tôi giới thiệu ca khúc cho ê kíp đang dàn dựng vở Miền xa thẳm của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Mọi người bảo, cả vở kịch được gói trong ca khúc ấy”.
Ngoài Miền xa thẳm, nhạc sĩ Đức Trịnh còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng vẫn được nhiều nghệ sĩ yêu thích thể hiện. Ngược dòng Hương Giang là một trong số đó. Ông viết nó trong một lần đến Huế. Câu chuyện về những cô gái giang hồ trên sông Hương đã ám ảnh tâm trí ông. Trở về căn phòng vắng, một mình đối diện với sự cô đơn, ông đã tìm đến âm nhạc và gửi cảm xúc vào đó.
Ông nói: "Sự cô đơn nào cũng giống nhau cả thôi. Nó đưa đẩy những sự đồng điệu. Vì thế mà người nghệ sĩ càng dễ phiêu linh theo những nỗi lòng".