Xin chào nhạc sĩ Dương Trường Giang! Được biết, mới đây, anh vừa hoàn thành MV Giữ lấy tuổi thơ nhằm chung tay lên án nạn bạo hành, ấu dâm ở trẻ em, vì sao anh chọn đề tài khó này?
Với tôi, âm nhạc cũng giống như tình yêu thôi. Mỗi một bài hát phụ thuộc vào cảm xúc của người sáng tác. Khi tôi nhận tư liệu về bài hát Giữ lấy tuổi thơ, trong tôi có nhiều cảm xúc hỗn độn, và những kiến thức âm nhạc mà tôi có, là công cụ để tôi hoàn thành bài hát này. Khoảng thời gian viết ra bài hát không đáng kể, nhưng thời gian viết về bài này thì khá lâu, bởi tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện về bạo hành, ấu dâm trẻ em thời gian qua.
Khi viết bài hát Giữ lấy tuổi thơ, anh có sợ động chạm đến vấn đề nhạy cảm của xã hội là ấu dâm trẻ em hay không?
Tôi đã nghĩ, nếu mình và cộng đồng không lên tiếng, thì ai sẽ lên tiếng đây? Trẻ em cần được bảo vệ và được chăm lo ở những môi trường tốt nhất. Do đó, MV cộng đồng Giữ lấy tuổi thơ nhận được sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ như ca sĩ Minh Quân, Thu Phương, Đinh Lan Hương, các nghệ sĩ Chiều Xuân, Thu Quỳnh, Bảo Thanh… cùng nhiều em thiếu nhi. Tôi mong muốn được góp tiếng nói của mình để cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh cùng các em nhỏ cần tăng cường các kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống.
Một MV về vấn đề xã hội, lại có sự tham gia của gần 200 ca sĩ, nghệ sĩ như vậy. Dương Trường Giang có gặp khó khăn gì không?
Dự án này là lần đầu tiên tôi làm Giám đốc âm nhạc, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của ca sĩ Minh Quân. Anh Quân là người có kinh nghiệm làm các MV về cộng đồng, thiện nguyện, nên anh ấy đã giúp tôi phân bố ca sĩ, chia bè để làm cho ai cũng có thể góp mặt tại MV này. Tại dự án này, chúng tôi may mắn khi nhận được sự tham gia của nghệ sĩ Simona De Rosa - một ca sĩ thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu.
Chính nghệ sĩ này sẽ mang bản MV Giữ lấy tuổi thơ bằng tiếng Anh để lan toả thông điệp của chúng tôi tới bạn bè thế giới.
Từ khi có con và trở thành bố, Dương Trường Giang đã thay đổi như thế nào?
Tôi thấy mình có trách nhiệm hơn, tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình mình hơn. Khi có con, tôi thấy mình như ở trong mơ vậy, con gái đã dậy tôi cách làm bố như thế nào. Tôi không nề hà việc gì, có thể giúp vợ mọi thứ mà không ngại ngần, gọi Giang là ông bố bỉm sữa cũng được.
Là một nhạc sĩ có nhiều bản hit như Phố không mùa, Mùa đi ngang phố… nhưng lâu lắm rồi, không thấy Giang có bản hit nào, anh đang “ở ẩn” phải không?
Năm vừa rồi, tôi cũng có một bản nhạc tương đối tốt là sáng tác Lặng yên được phát trong phim Lặng yên dưới vực sâu trên VTV3. Việc ca khúc của mình có phải là hit hay không không phải là do mình quyết định, tôi vẫn cống hiến sản phẩm âm nhạc đều, nhưng phải đến thời điểm được ghi nhận và được khán giả thích, nó mới trở thành hit được.
Trong thời gian qua, tôi vẫn sáng tác, nhưng không phải cứ ra sản phẩm là thành công. Nhiều nghệ sĩ có kế hoạch dài hơi của họ và đúng ngày, đúng giờ họ mới tung ra cho khán giả thưởng thức.
Dương Trường Giang rất “mát tay” khi sáng tác những bản nhạc về mùa Đông, về giao mùa, vậy anh có đang ấp ủ một sáng tác nào về đề tài này không?
Nhiều người cũng nói với tôi rằng, mùa Đông là mùa của Giang. Nên tôi cũng muốn ra thêm sản phẩm nữa, nhưng thời gian này tôi cũng bận nhiều việc, về MV, về gia đình, nên đến giờ này, tôi vẫn chưa phối khí xong bài hát. Mỗi bài hát đều có tính thông điệp và có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ hoàn thành việc này.
Tôi thấy rằng, nhiều nghệ sĩ muốn phát triển nghệ thuật họ thường Nam tiến, vì sao Dương Trường Giang lại muốn ở Hà Nội?
Thật ra, sau bản hit Phố không mùa, tôi đã vào TP.HCM một thời gian, nhưng tôi nhận ra rằng, con người của tôi không hợp với không khí trong đó. Tôi hay nghĩ rằng Sài Gòn có hai mùa: Mùa nóng và mùa rất nóng, nhưng tôi lại thích mùa Đông, những khoảng trời xám, lá vàng bay… và Hà Nội lại có những thứ đó. Hà Nội phân định rõ ràng ngày và đêm, đó không phải là sự phân định ánh sáng, mà đó là sự di chuyển.
Một ngày đã qua đi, tôi có thời gian ngồi tĩnh lặng để khởi động lại tâm hồn mình. Ở miền Bắc, giá trị là những thứ phủ lên một màu thời gian, còn ở miền Nam những cái gì mới thì gọi là giá trị. Âm nhạc của tôi thiên về hoài niệm vì thế tôi đã quyết định ở lại Hà Nội.
Nói chuyện với Giang, người đối diện thấy anh là một người có nhiều trải nghiệm. Những thứ đó, Giang học ở đâu?
Tất cả là do cách mình ngắm nhìn cuộc sống thôi. Nhạc sĩ phải là người phải sống đủ, sống để kể lại và chia sẻ. Chúng ta không thể kể những câu chuyện lay động khi chúng ta chưa trải qua. Vai trò của nghệ sĩ là đưa những thứ bình dị lên tầm nghệ thuật. Nếu đi trên đường Bà Triệu, người bình thường sẽ bảo: Đây đường Bà Triệu, nhưng người nghệ sĩ sẽ bảo đó là lối đi về. Đó là hai cách hành văn khác nhau, mang lại hai cảm giác khác nhau. Mình sống đến đâu thì kể đến đó, miễn là không sáo rỗng là được.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!