Nhạc sĩ Hoàng Trang tên thật là Trần Văn Phát, sinh năm 1938 tại xã Thanh Tân (tỉnh Bến Tre). Bút danh Hoàng Trang có được là do lúc nhỏ ông sống ở quê nội nơi chợ Mới (Gò Công Đông, Tiền Giang), hình ảnh hoa trang vàng đã đi vào tâm thức nên sau này ông đã lấy hoa trang vàng (Hoàng Trang) đặt làm bút danh. Ông còn có các bút danh khác như: Triết Giang, Trần Nguyên Thụy, Thiên Tường, Hồng Đạt. Ông cùng thế hệ với các nhạc sĩ như Mặc Thế Nhân, Thanh Sơn, Hồng Đạt, Trúc Phương...
Nhạc sĩ Hoàng Trang
Năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Trang lập gia đình với con gái thứ hai của ông Tám Oanh - chủ hãng đĩa Sóng Nhạc Asia. Ông có 4 người con, 3 trai 1 gái (một trai đầu đã mất). Sau năm 1975, ông ở lại quê nhà để được gần người thân của mình và vẫn đều đặn sáng tác cho đến lúc mất.
Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trang là do ông tự mày mò, không kinh qua trường lớp hoặc người thầy nào. Sự nghiệp sáng tác của ông có khoảng 100 ca khúc, được viết trước và sau năm 1975, trong đó một số bài được công chúng đặc biệt yêu thích như Không bao giờ quên anh (1964), Kể chuyện trong đêm (1966), Ước nguyện đầu xuân (1967), Nếu đời không có anh, Ngỏ hồn qua đêm, Ăn năn, Tâm sự với anh, Giấc ngủ tình yêu, Tận cùng nỗi nhớ, Huế như dấu lặng...
Năm 26 tuổi ông sáng tác tình khúc Không Bao Giờ Quên Anh, viết trong tâm trạng của người đang yêu, đồng thời đúc kết kinh nghiệm từ những cuộc tình tan vỡ, lỡ làng nhưng đẹp và lãng mạn... từ những người khác.
Không Bao Giờ Quên Anh được coi là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, vừa ra đời đã được Hãng đĩa Việt Nam mua, ca sĩ đầu tiên thể hiện là Phương Dung, sau đó đến ca sĩ Hương Lan rồi Giao Linh.
Thiên Bình