Tuổi thơ nghèo khó, cơ cực
Những ngày tháng nhọc nhằn thuở ấu thơ đã in hằn trong tâm trí của người nhạc sĩ tài năng ấy. Đi gần hết cuộc đời Lam Phương vẫn chẳng thể quên những ngày tháng đó. Giờ đây khi nhắc về quãng thời gian khó khăn thuở ấu thơ ông vẫn buông tiếng thở dài.
Tuổi thơ của Lam Phương vì cơ cực mà nhiều nước mắt. Khi đó bố của ông đi theo tiếng gọi tình yêu nên từ bỏ vợ con để theo người tình. Mất đi trụ cột gia đình, mẹ ông - một người phụ nữ chỉ quanh quẩn ở góc nhà, phải bước ra ngoài lăn lộn mưu sinh để kiếm tiền nuôi 5 đứa con. Cuộc sống của anh em ông khi ấy bữa đói, bữa no, khổ đến cùng cực. Dù chỉ là một cậu bé, nhưng ông ý thức được hoàn cảnh của gia đình, thay mẹ chăm sóc các em và làm các công việc lặt vặt để giúp đỡ mẹ. Năm lên 10 tuổi, Lam Phương – đứa con cả trong gia đình phải rời quê nghèo lên Sài Gòn để làm thuê. Ở nơi phố thị, cậu bé Lam Phương làm mọi việc để có tiền gửi về đỡ mẹ nuôi em. Với một đứa trẻ 10 tuổi, đó là chuỗi ngày đầy ám ảnh.
Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời này cũng đã mang ông đến với các giai điệu, mở đầu con đường sự nghiệp được nhiều người ngưỡng mộ. Ở Sài Gòn, nhờ sự giúp đỡ của người họ hàng mà ông có cơ hội theo học chữ, rồi tự mày mò học nhạc. Cậu bé Lam Phương lúc ấy đặc biệt thích nhạc thế nên tự tìm tài liệu dạy guitar để học. Vì hiếu học mà cậu bé nghèo đã chinh phục được 2 thầy dạy nhạc nổi tiếng khi đó là Hoàng Lang và Lê Thương. Họ đã dạy Lam Phương học nhạc mà không lấy tiền.
Âm nhạc dường như đã có sẵn trong huyết quản của Lam Phương từ khi nào nên Lam Phương học 1 biết 10. Chỉ một thời gian ngắn “tầm sư học đạo” Lam Phương đã cho ra đời sáng tác đầu tiên, ca khúc Chiều thu ấy. Với những ca từ da diết, khắc khoải đến cháy bỏng về tình yêu đôi lứa, không ai dám nghĩ Chiều thu ấy là sáng tác của một cậu bé 15 tuổi.
Để Chiều thu ấy được đến với khán giả, Lam Phương cũng khá chật vật trong việc tìm đường sống cho đứa con tinh thần của mình. Khi ấy chàng trai nghèo Lam Phương quyết định vay mượn tiền của bạn bè để thuê nhà in, rồi khi bản nhạc được in ra, ông lại thuê xe lam chạy ngược xuôi khắp ngõ ngách Sài Gòn để “chào hàng”. Nỗi niềm của Lam Phương gửi gắm vào Chiều thu ấy đã được nhiều giọng ca thể hiện thành công trên sân khấu. Đến nay, ca khúc ấy vẫn được người ta hát và vẫn được khán giả yêu thích.
Mối tình 10 năm vô vọng với danh ca Bạch Yến
Người ta gọi Lam Phương là nhạc sĩ của những ca khúc thất tình. Bởi, trong kho gia tài hơn 200 bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, phần lớn là những sáng tác buồn, là nỗi trăn trở về tình duyên dở dang, là sự mong ngóng về những ngày tháng yêu thương đã xa vời vợi.
Sở dĩ âm nhạc của Lam Phương buồn đến thấu gan ruột là do cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió trong chuyện tình cảm và lần nào cũng đều ngậm ngùi nhìn những người phụ nữ bỏ mình ra đi. Trong số những giai nhân đã đi qua cuộc đời của Lam Phương sẽ phải kể đến danh ca một thời Bạch Yến. Mối tình này của ông có nhiều giai thoại vây quanh, trong đó người ta nhắc đến nhiều nhất là chuyện, năm 14 tuổi Lam Phương đã dám đến nhà Bạch Yến để nói chuyện với bố mẹ của bà thổ lộ ý nguyện sau này sẽ cười bà làm vợ.
Bạch Yến là mối tình vô cùng sâu nặng của nhạc sĩ Lam Phương. Chính thứ tình cảm nồng cháy dành cho Bạch Yến mà bà là người con gái đứng sau nhiều ca khúc của Lam Phương. Tình bơ vơ, Thu sầu, Trăm nhớ ngàn thương, Tình chết theo mùa đông, Tiễn người đi... là những ca khúc nói lên tình cảm tha thiết Lam Phương dành cho Bạch Yến.
Với ca khúc Chờ người Lam Phương đã mất gần 10 năm để hoàn thành. Mối tình đơn phương vô vọng ấy đã để lại trong ông nhiều nỗi u sầu. Ông viết ca khúc Chờ người trong những tháng ngày mòn mỏi ngóng trông người con gái trong mộng từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, Lam Phương không thể hoàn thành bài hát này cho đến khi Bạch Yến trở về. Khi có người yêu bên cạnh, ông mới có thể viết nốt những câu cuối cùng.
Tạo nên tuyệt phẩm từ chữ tình dang dở
Ngoài Bạch Yến, người nhạc sĩ tài năng Lam Phương có những bóng hồng khác, dù nó không ám ảnh nhưng người con gái ấy vẫn để lại trong ông những yêu thương, những khoắc khoải giúp Lam Phương tạo nên những tuyệt phẩm.
Ca sĩ Minh Hiếu cũng là bóng hồng đã mang đến cho ông nhiều hạnh phúc lẫn đau khổ. “Em ơi suốt đêm thao thức vì em/Vì lời giã từ lúc anh ra về...” là những lời yêu nồng nàn ông dành cho Minh Hiếu. Nhiều người gọi ca khúc này là Thao thức vì em, nhưng tên chính xác của nó là Em là tất cả. Niềm hạnh phúc trong mối tình với Minh Hiếu còn được Lam Phương kể qua ca khúc Biển tình. “Biển rộng đất trời chỉ có ta/Thì dòng ngân hà mình cũng qua/ Biển không biên giới, như tình anh với em/ Hơn cả những vì sao đêm.../ Trăng nhô lên cao, trăng gác trên đầu núi/ Mây xanh xanh lơ vì đắm say tình mới/ Đến đây với em mà ngỡ trong giấc mơ/ Mắt em âu sầu là cả một trời thơ/ Không gian im nghe nhịp đôi tim hẹn ước/ Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước/ Siết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân/ Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian” là những mỹ từ được ông dùng để nói về chuyện tình yêu của họ. Tình cảm Lam Phương dành cho Minh Hiếu phải nhiều lắm, phải nồng nàn lắm mới có thể thốt lên những từ ngữ chan chứa yêu thương, hy vọng đến vậy.
Lam Phương cũng có mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Không giống như Minh Hiếu, các ca khúc ông viết về bà không phải là những mỹ từ ngợi ca tình nồng mà là những câu chữ chất chứa sự tuyệt vọng vì rơi vào bế tắc. Trong một chuyến công tác ở Đà Lạt, gặp lại cảnh xưa nhưng người thương đã không còn bên cạnh khiến Lam Phương sầu thảm. Nỗi lòng chất chứa u sầu cho mối tình ấy đã tạo nên nhạc phẩm Thành phố buồn: “Thành phố nào nhớ không em?/ Nơi chúng mình tìm phút êm đềm/ Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già/ Chiều đan tay nghe nắng chan hòa/ Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em/ Mắt em buồn trong sương chiều.../ Anh thấy đẹp hơn.../ Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa/ Rồi từ đó chốn phong ba, em làm dâu nhà người/ Âm thầm anh tiếc thương đời,/ Đau buồn em khóc chia phôi/ Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui”...
Người phụ nữ đứng sau những ca khúc reo vui, hân hoan vì tình yêu như Bài tango cho em, Chỉ có em, Mùa thu yêu đương, Thiên đàng ái ân,... là Cẩm Hường. Người con gái này đã giúp con tim của Lam Phương lành vết thương tình và vui trở lại. Tình yêu dành cho người con gái ấy đã “phục sinh” người nhạc sĩ tài năng. Nhưng rồi, Cẩm Hường cũng không thể sánh bước cùng ông đến cuối cuộc đời.
Nói đến giai nhân phía sau các nhạc phẩm của Lam Phương không thể nhắc đến bài hát mà ông dành cho vợ mình - kịch sĩ Túy Hồng. Họ từng là cặp đôi nổi danh trong giới giải trí Sài Gòn trước năm 1975. Thế nhưng, cuộc hôn nhân tưởng như tuyệt vời ấy vẫn không thể trọn vẹn khi họ bất ngờ chia tay. Hôn nhân tan vỡ, Lam Phương trút hết tâm sự vào ca khúc Lầm. Ở ca khúc này, ông đã thốt lên những câu từ chua xót: “Anh đã lầm đưa em sang đây/ Để đêm thường nghe tiếng thở dài/Thà cuộc đời yên trong lòng đất/ Được trở về tiếng khóc ban sơ/ Hơn là mang kiếp mong chờ/ Anh đã lầm đưa em về đây/ Cho tâm hồn tan nát từng ngày/ Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí/ Dìu lòng người sang chốn đam mê/ Đưa anh vào khổ lụy hôm nay...”. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, Lam Phương có thêm vài lần rung động nữa, nhưng rồi họ đều bỏ ông ra đi.
Hình bóng giai nhân trải dài trong các sáng tác của Lam Phương. Mỗi người đến rồi đi để lại trong ông những khoảng trống không thể lấp đầy. Đến nay Lam Phương vẫn một mình, những gì đã qua giờ chỉ còn là hoài niệm. Những hoài niệm dù vui, buồn, dù đau khổ đều được ông viết nên thành giai điệu, ca từ để tạo nên những tuyệt phẩm bất hủ cho đời.