Theo ông Phương, quốc ca đã đồng hành cùng người dân Việt Nam từ khi khai sinh nhà nước Việt Nam độc lập. Đã trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử, đi cùng lịch sử. "Không cần thiết phải thay đổi", nhạc sĩ của Trên đỉnh phù vân nhấn mạnh.
> 'Hãy nhìn 'Quốc ca' bằng tâm thức lịch sử'
Ông cũng cho rằng, nhiều nước có quốc ca mà tuổi đời lên đến vài trăm năm như Pháp nhưng họ không hề thay đổi, thậm chí ca từ của quốc ca Pháp còn "nặng" hơn ta nhiều. "Quốc ca không có chức năng phản ánh thời sự hôm nay. Nó gắn với sự khai sinh ra nhà nước, ra thể chế", nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng có chung quan điểm này. Ông cho rằng, quốc ca đánh dấu một thời điểm lịch sử quan trọng.
"Tôi có lần hỏi cụ Văn Cao, sao cụ không viết đường vinh quang xây xác bao người, thay vì quân thù? Thực tế hồi ấy chiến sĩ ta hi sinh nhiều lắm, nhưng cụ bảo viết như thế còn ai tham gia kháng chiến nữa. Phải động viên khích lệ tinh thần những người tham gia kháng chiến chứ", nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể lại. Ông nhấn mạnh, ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử như thế, quốc ca không thể thay đổi được.
Nói thêm về khía cạnh bản quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, sửa quốc ca phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Tác giả có quyền giữ nguyên vẹn tác phẩm của mình, trong trường hợp gia đình nhạc sĩ không đồng ý cho sửa thì sao?, ông nói.
Hoàng Dung