Nhạc sĩ Thanh Phúc: Nguyên vẹn hồi ức về chiến thắng 30/4

Nhạc sĩ Thanh Phúc: Nguyên vẹn hồi ức về chiến thắng 30/4

Bùi Thế Anh

Bùi Thế Anh

Thứ 2, 01/05/2017 16:38

Nhạc sĩ Thanh Phúc là người đã chứng kiến nhiều thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Ông cũng là người viết ca khúc “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” sau chiến thắng 30/4.

Vào những ngày cuối tháng tư, cả nước đang sống trong niềm vui khi nhớ về chiến thắng 30/4, mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Thanh Phúc trong căn nhà nhỏ ấm cúng tràn ngập niềm hạnh phúc tại khu tập thể Thành Công cũ, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.

Trong thời khắc lịch sử của chiến thắng giải phóng miền Nam 30/4, ông đang là phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ đưa tin cho chương trình phát thanh Quân đội nhân dân của đài Tiếng Nói Việt Nam. Ông cũng vinh dự nhận được nhiệm vụ sáng tác một ca khúc để chào mừng ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Từ đó, ca khúc “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” được ra đời và phát trên đài phát thanh sau “Bản tin đặc biệt: Miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

Sự kiện - Nhạc sĩ Thanh Phúc: Nguyên vẹn hồi ức về chiến thắng 30/4

 Nhạc sĩ Thanh Phúc bên chiếc đàn gắn liền với các ca khúc đi cùng năm tháng. (Ảnh: Thế Anh)

Thưa nhạc sĩ, thời điểm cách đây 42 năm, ông là phóng viên, biên tập viên của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân, khi đó công việc của ông như thế nào?

Ngày đó biên chế của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân ít so với các đơn vị khác của Đài cho nên, phóng viên âm nhạc như chúng tôi vẫn phải làm việc như những phóng viên thời sự. Chúng tôi vẫn làm tin thời sự, tin chiến thắng của các đơn vị, quân khu, quân chủng gửi về và từ miền Nam gửi ra.

Còn nhớ, tôi và nhạc sĩ Văn An thường nằm trực tin ở gốc cây sấu cạnh hầm trú ẩn to nhất của đài phát thanh và mỗi lúc có B52, chúng tôi phải xuống hầm trú ẩn, khi B52 phá hoại xong, tất cả lại lên và tìm đến những nơi bị B52 phá hoại để làm tin.

Sự kiện - Nhạc sĩ Thanh Phúc: Nguyên vẹn hồi ức về chiến thắng 30/4 (Hình 2).

Nhạc sĩ chụp ảnh cùng phu nhân của mình, bà Đặng Thị Nguyên trong dịp sinh nhật 70 tuổi của ông. (Ảnh: Thế Anh)

Ông là tác giả ca khúc “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” được phát sau bản tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” ngày 30/4, cảm xúc của ông như thế nào khi nghĩ về thời khắc này?

Những hồi ức của chiến thắng 30/4 vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Ngày 30/4, ông Nguyễn Trọng Yên, Cục trưởng Cục tuyên huấn, tổng cục Chính trị nói với tôi rằng, “Anh Thanh Phúc ơi! anh viết nhanh. Anh hãy viết ca khúc về miền Nam đi". Sau đó, tôi viết bài “Tiến lên giải phóng miền Nam” và hát cho ông Yên nghe. Khi nghe xong, ông Yên cười rồi nói: “Bài này hát một lần thôi à, anh sáng tác bài tình huống nó khác đi, bài vừa rồi là tiến lên giải phóng miền Nam”.

Mặc dù, lúc này ông Yên đã có tin giải phóng miền Nam rồi, nhưng ông Yên không nói thẳng ra, vì không được quyền phát ra tin này. Sau đó, trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ, ngầm hiểu ý của ông Yên là Sài Gòn đã được giải phóng nên đã dùng những ca từ thể hiện miền vui sướng để sáng tác ca khúc “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”. Thấy tôi sáng tác xong, ông Yên cười bảo tôi lên hát cho ông Trần Lâm (Tổng biên tập đài tiếng nói Việt Nam thời đó) nghe đi.

Sự kiện - Nhạc sĩ Thanh Phúc: Nguyên vẹn hồi ức về chiến thắng 30/4 (Hình 3).

 Nhạc sĩ Thanh Phúc thời còn trẻ. (Ảnh: Thế Anh)

Khi tôi hát xong, ông Trần Lâm cầm bút gõ mạnh lên bàn rồi mượn bản nhạc của tôi viết lên đó mấy dòng chữ: “Đề nghị anh Lê Lôi (nhạc sĩ phụ trách âm nhạc đài tiếng nói việt Nam) thu thanh ngay bài này trong chiều nay, băng không được gửi sang kho”, vì nếu gửi sang kho thì ai cũng sử dụng được bài hát này. 

Đến 21h30 phút đêm 30/4, bản tin thời sự đặc biệt thông báo, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Sau bản tin là "Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”. Lúc đó, tôi đang trực ở ngoài đài thời sự, khi thấy bài hát được phát sau bản tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, tôi vừa bất ngờ vừa vui mừng và vui sướng. Tôi đã thốt lên câu nói “Mình về đích trước rồi” (về đích trước so với đồng nghiệp)”. Bản tin đặc biệt và bài hát này được phát trong 3 ngày liền. Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên giây phút thiêng liêng ấy.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thanh Phúc đã sáng tác trên 300 ca khúc. Trong đó, có 5 ca khúc được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001 gồm: “Người Mèo ơn Đảng” (1956), “Hà Giang quê tôi” (1972), “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (1972), “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” (1975), “Nhớ giọng hát bác Hồ” (1969).

Ngoài ra, nhạc sĩ Thanh Phúc còn được trao Huân chương Quân công; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang 1- 2-3; Huy chương Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang; Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc phát triển quần chúng, vì sự nghiệp báo chí, vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam,...
 
   

Thế Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.