Người ta vẫn gọi đùa ông là "ông bầu của nghệ thuật hát xẩm". "Ông bầu" của ca nhạc, bóng đá... có rất nhiều fan hâm mộ, nhưng nhạc sĩ Thao Giang lại làm "ông bầu" của hát xẩm - "ông bầu" không nhận lương...
Có cả hát xẩm về tàu điện
Chúng tôi đến gặp nhạc sĩ Thao Giang tại đình Hào Nam, Hà Nội - nơi làm việc của trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, ông và ban lãnh đạo trung tâm vừa có buổi họp để kêu gọi một số doanh nghiệp chung tay giữ gìn các loại hình âm nhạc dân tộc. Đã gần 10 năm nay, ngày nào ông cũng có mặt tại Trung tâm để làm việc và hướng dẫn học viên đàn, hát, phục vụ các buổi diễn ngoài trời cho nhân dân như tại chợ đêm Đồng Xuân, hay đi diễn ở các tỉnh.
Nhạc sĩ Thao Giang cùng diễn viên của Trung tâm và học viên nước ngoài
Theo nhạc sĩ, ông đến với nhạc dân tộc như một cái duyên. Từ năm 8 tuổi, ông đã được học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1980, ông được bộ Văn hóa cho đi nghiên cứu ở Ấn Độ và Trung Quốc - là 2 trong 5 cái nôi có nền văn minh rất sớm, trong đó có nền âm nhạc. Vì thế, ông rất muốn nền âm nhạc của Việt Nam có những dấu ấn, lưu giữ được nét truyền thống, để có thể giới thiệu cho bạn bè thế giới như nhiều nước đã làm.
Cũng theo nhạc sĩ Thao Giang, hát xẩm là loại hình âm nhạc bình dân, không có đối tượng riêng, ai nghe cũng được và dễ đi vào lòng công chúng. Không giống như ca trù, có những khán giả riêng là những người phải biết thơ Đường, phải biết những cái tích truyện cổ Trung Quốc thì mới thích. Hay hát văn thì đối tượng nghe là những những người theo đạo tứ phủ, hay những người ham mê chuyện lên đồng mới muốn nghe. Đặc biệt, tiếng hát của người hát xẩm không cầu kỳ như những loại hình kia nhưng vẫn có một sự cuốn hút nhất định.
Nhiều người cứ nghĩ rằng, tập hát âm nhạc dân tộc rất khó, nhưng nhạc sĩ Thao Giang cho biết, tập hát Xẩm cũng đơn giản, phương pháp thanh nhạc không cầu kỳ, mình nói chuyện như thế nào thì mình hát lên cái câu như vậy. Thể thơ cũng thế, mỗi bài hát xẩm là một câu chuyện nhỏ, do vậy ngay lập tức thâm nhập vào lòng người. Riêng các nghệ nhân ở Hà Nội rất tài tình vì các nghệ nhân xưa ở đây đã tìm ra một phương thức diễn xướng mà các thế hệ sau này cần học tập. Đó là người ta hát những bài hát có tác giả (khác với làng quê, đôi khi là những bài thơ vô danh hoặc được truyền tụng trong dân gian), mà các tác giả ấy đều là những người nổi tiếng: Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tú Xương, Tú Mỡ, Nguyễn Khuyến... Đặc biệt, Hà Nội còn có xẩm tàu điện, dường như, nó chứa đựng cả văn hóa một thời của Hà Nội. Ngày ấy, có những gia đình giàu có còn mời cả "gánh" hát xẩm về nhà biểu diễn mấy ngày. Hát xẩm - cũng chính là nét văn hóa đậm chất Bắc Bộ.
Nhạc sĩ Thao Giang cho hay, với mong muốn giới thiệu đến công chúng nghệ thuật hát xẩm, ca trù, hát trống quân truyền thống nên vào năm 2006, ông và Giáo sư Nguyễn Minh Khang (Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam) đã đặt vấn đề với UBND phường Hàng Đào, Đồng Xuân và Ban quản lý Chợ đêm phố cổ để có thể tổ chức các đêm diễn âm nhạc truyền thống tại đây. Ban đầu, việc tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn vì Trung tâm chưa có diễn viên, cơ sở vật chất còn rất hạn hẹp, ngay cả Ban quản lý chợ đêm phố cổ từng nói với ông rằng: "Khó có thể tổ chức nhiều đêm diễn được, vì sợ không có khán giả...". Nhưng với quyết tâm đem lại nét âm nhạc cổ truyền cho người dân, nhạc sĩ Thao Giang vẫn làm.
Vốn là giảng viên khoa Nhạc cụ dân tộc ở Học viện Âm nhạc Việt Nam, nên nhạc sĩ Thao Giang đã "nảy" ra sáng kiến là mời những nghệ sĩ có tên tuổi về biểu diễn những tối đầu tiên để thu hút khán giả. Như các nghệ sĩ: NSND Xuân Hoạch, Phạm Văn Ty; NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Hạnh Nhân... Với sự giúp đỡ vô cùng hào hiệp của công ty cổ phần Đồng Xuân, chiếu xẩm đã tồn tại đến tận giờ. Thứ bảy hàng tuần, người ta đến xem rất đông. Đặc biệt không phải chỉ dân Hà Nội mà rất nhiều dân các tỉnh biết tối thứ bảy có hát xẩm là họ đến. Mỗi tối diễn, có đến hàng nghìn người xem, đấy cũng là động lực để Trung tâm và các diễn viên làm việc, hát hết mình vì khán giả.
Nhạc sĩ Thao Giang
Thu hút cả những học viên nước ngoài
Từ những buổi diễn miễn phí tại chợ đêm Đồng Xuân, rất nhiều người đã biết đến "gánh" hát xẩm của nhạc sĩ Thao Giang. Các tour du lịch đi xem rối nước xong cũng ra chợ Đồng Xuân xem hát xẩm, vì không phải mất tiền, không phải xếp hàng và rất vui, lại được tiếp xúc với dân chúng, với các nghệ sĩ trẻ. Người ta cứ hình dung, người hát xẩm toàn những người già hoặc những người khiếm thị, nhưng thực tế thấy toàn các em trẻ và hát rất hay. Năm 2010, nhạc sĩ Thao Giang có nhờ trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội làm điều tra xã hội học, thì thấy rằng có tới 80% người trẻ thích nghe hát xẩm và thích hát xẩm. Điều này lý giải tại sao có rất nhiều người trẻ đến xin học tại những lớp bồi dưỡng nghệ thuật do Trung tâm đào tạo, có cả những em nhỏ 3, 4 tuổi đi học cùng bố mẹ.
Nhạc sĩ Thao Giang tâm sự rằng, điều ông còn day dứt là âm nhạc truyền thống như hát xẩm, hát văn, ca trù, trống quân... chưa được giảng dạy ở trong các trường đại học nghệ thuật. Nó chỉ được truyền miệng trong dân gian, vì thế để duy trì được, phải cần đến sự giúp sức của nhiều người và các tổ chức xã hội. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam lập ra với mục đích là đưa âm nhạc dân tộc đến gần nhân dân hơn. Hiện nay, ông đã đào tạo được khoảng 10 người - là quân số cố định của Trung tâm để đi biểu diễn. Đó là những người trẻ có lòng đam mê thực sự với âm nhạc dân tộc bởi làm việc ở đây thì lương, thưởng không cao, chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ của nhân dân và các mạnh thường quân, ngay cả nhạc sĩ Thao Giang và Giáo sư Khang cũng làm việc... không lương.
Ông kể cho tôi nghe về những ngày đầu Trung tâm biểu diễn ở chợ đêm Đồng Xuân, hợp đồng với Ban quản lý chợ đêm biểu diễn chỉ có hai tháng, thế nên hết hợp đồng, ông và các diễn viên không đến diễn nữa. Thế nhưng, không thấy các diễn viên hát ở chợ đêm, nhiều người đến Ban quản lý thắc mắc và tỏ ý mong muốn được xem hát xẩm hàng đêm. Vậy là Ban quản lý chợ đêm đã chủ động liên lạc với Trung tâm để mở lại các buổi biểu diễn, cứ thế gần 10 năm nay, tối thứ bảy nào các diễn viên của Trung tâm cũng ra chợ đêm Đồng Xuân hát để phục vụ khán giả yêu âm nhạc cổ truyền.
Rồi ông kể cho tôi nghe những kỷ niệm đáng nhớ của khán giả khi xem biểu diễn xẩm, ca trù. Có những khán giả lớn tuổi, tối thứ bảy nào cũng ra chợ đêm để nghe hát. Họ còn tâm sự rằng, hôm nào mưa to, các diễn viên nghỉ, họ ở nhà rất buồn, dường như nghe hát xẩm đã là một thói quen của họ. Có những khán giả nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng rất thích nghe hát xẩm và ca trù. Họ còn tìm đến Trung tâm để học hát xẩm, ca trù... Có cả một khán giả người Anh thường xuyên đến Trung tâm để chơi nhạc cụ dân tộc, hay chơi đàn cùng với các diễn viên của Trung tâm. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng của việc quảng bá âm nhạc dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Nhạc sĩ Thao Giang cho biết: "Đến bây giờ, chúng tôi có thể tự tin nói rằng, nghệ thuật hát xẩm đã có chỗ đứng trong lòng nhân dân. Điều quan trọng là chúng ta sẽ gìn giữ như thế nào để hát xẩm luôn là môn nghệ thuật có sức hút. Mới đây, Trung tâm đã phối hợp với bộ Giáo dục và Đào tạo để mở lớp đại học chính quy về âm nhạc dân tộc gồm các môn: Hát văn, ca trù, hát xẩm, hát quan họ và nhạc cụ dân tộc. Thời gian đào tạo là 4 năm và có cấp bằng quốc gia. Đây là tín hiệu tốt cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hiện nay, có 16 sinh viên đang theo học khóa I, một sinh viên đang làm luận văn tiến sĩ. Vừa rồi, Học viện Âm nhạc Huế có nói là năm nay đã xin chỉ tiêu cho chúng tôi đào tạo là 50 sinh viên. Nghe thế, chúng tôi rất phấn khởi, bởi vì Học viện cũng như bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng chúng tôi...". |
Lạc Thành