“Là thân con gái chớ nghe đàn Bầu”
Đàn Bầu hay còn gọi độc huyền cầm là một trong những cây đàn độc đáo của thế giới. Đàn Bầu cấu tạo rất đơn giản nhưng sở hữu lối diễn tấu không giống bất cứ nhạc cụ nào.
Đây là cây đàn duy nhất phát ra âm bồi, dù không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ với thanh âm trong trẻo.
“Với lợi thế này, đàn Bầu có thể mô phỏng được tiếng nói và tiếng hát của người Việt. Đó chính là điều đặc sắc nhất của đàn Bầu mà các nhạc cụ khác khó mà làm được”, nhạc sĩ Thao Giang Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam chia sẻ.
Có thể nói, không một loại đàn nào có thể sánh được tiếng nỉ non, thủ thỉ, tâm tình của đàn Bầu. Chính bồi âm đã tạo nên sức quyến rũ, ngọt ngào như rót mật vào tai. Thế mới có câu “Là thân con gái chớ nghe đàn Bầu”, chỉ cần nghe một lần thôi cũng đủ khiến bạn rung động, xao xuyến. Khi thưởng thức các giai điệu bài hát bằng tiếng đàn Bầu, cảm giác rất gần gũi, tạo nên sư tưởng tượng phong phú hơn nhiều so với việc hát lời cụ thể.
NSND Thanh Tâm - chủ nhiệm CLB đàn Bầu Việt Nam chia sẻ: “Nói đến Việt Nam là phải nói đến đàn Bầu. Đã có rất nhiều tiết mục đàn Bầu được nghệ sĩ Việt mang đi biểu diễn khắp các châu lục. Thậm chí, nhiều người nước ngoài cho rằng, họ hiểu người Việt Nam qua tiếng đàn Bầu, có thể coi đàn Bầu là một đại diện, một biểu tượng văn hóa của Việt Nam”.
“Anh, chị em trong CLB đàn Bầu mấy năm nay đều thắc mắc tại sao cồng chiêng, ca trù... có thể làm hồ sơ di sản mà đàn Bầu lại chưa làm được. Đến năm 2016, viện Âm nhạc Quốc gia đã tổ chức hội thảo Đàn Bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam có nói đến việc đề xuất đàn Bầu là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng gần 1 năm nay vẫn chưa thấy tiến triển và đến hội thảo năm 2017 Đàn Bầu – Hội nhập và phát triển, mọi người mới lại nhắc đến việc đó”, NSND Thanh Tâm nói thêm.
NSND Thanh Tâm nhấn mạnh, việc đề xuất đàn Bầu là Di sản văn hóa thế giới có tính khả thi xét duyệt rất cao, bởi cây đàn Bầu không giống bất cứ cây đàn một dây nào trên thế giới. “Đàn Bầu đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội”, nữ nghệ sĩ nói.
Hơn 10 năm miệt mài “chở” tiếng đàn Bầu đến với khán giả phố Cổ Hà Nội vào những ngày cuối tuần, nhạc sĩ Thao Giang và các nghệ sĩ trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã cảm nhận được tình cảm, sự yêu mến của khán giả dành cho các loại hình âm nhạc truyền thống. Nghệ sĩ Thao Giang cho biết: “Khi nghe trình diễn đàn Bầu, các khán giả nhiệt liệt hoan nghênh và hưởng ứng. Sự yêu mến thể hiện rõ nhất là việc họ ngỏ lời muốn theo học loại hình nghệ thuật này. Có rất nhiều bạn trẻ, thậm chí cả những người đã ngoài 60, 70 tuổi vẫn tha thiết được theo học đàn Bầu. Ngoài ra, những du khách nước ngoài cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với đàn Bầu, họ tìm hiểu cặn kẽ từng bộ phận tạo nên chiếc đàn”.
“Thực tế, không riêng gì đàn Bầu mà với bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào thì khán giả cũng đều có quyền lựa chọn, chứ không thể đặt câu hỏi, tại sao họ không nghe loại hình âm nhạc này? Nếu người chơi đàn không đủ sức quyến rũ khán giả thì khó mà giữ chân họ lắm. Điều này đòi hỏi người nhạc công, nghệ sĩ, diễn viên phải có sự sáng tạo và đáp ứng được nhu cầu của người thưởng thức. Nếu bản thân nghệ sĩ không làm được điều này thì đừng đổ lỗi cho ai khác”, nhạc sĩ Thao Giang cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ: “Đàn Bầu nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng vẫn thể hiện được những cung bậc kiểu “sầm sập như trời đổ mưa”. Nếu đưa đàn Bầu đến với công chúng nhưng cách thể hiện không phù hợp với hơi thở hiện đại thì khó tồn tại lắm. Trước đây, rõ ràng đàn Bầu rất thô sơ, nhưng với nhịp sống hiện đại thì đàn Bầu cũng phải vươn lên để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đàn Bầu phải là dòng chảy chứ không thể mãi là ao tù”.
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Thực tế, đàn Bầu hiện nay không chỉ dừng lại ở dòng nhạc dân gian mà đang “lấn sân” sang các dòng nhạc khác. Nhiều chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình, những bản nhạc giao hưởng hay nhiều ca khúc bây giờ cũng đệm đàn Bầu. Điều này cho thấy vị trí và sức thể hiện của đàn Bầu hiện nay rất phong phú.
Bản thân những nghệ sĩ khi quyết định gắn bó với loại hình âm nhạc truyền thống đồng nghĩa với việc, họ chấp nhận hy sinh khi luôn phải đối mặt với áp lực nuôi dưỡng nó. Nhạc sĩ Thao Giang cho rằng, để lưu giữ được đàn Bầu trong đời sống âm nhạc chính là vấn đề đào tạo. Đào tạo chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp, biểu diễn giới thiệu phải luôn song hành với nhau. Nếu chỉ đưa vào viện để nghiên cứu không thôi thì sẽ khó giải quyết được vấn đề.
“Thực tế hiện nay, thị trường âm nhạc vô cùng phong phú với nhiều dòng nhạc khác nhau đang chiếm lĩnh thị trường, cùng với đó nhu cầu thưởng thức cũng mở rộng. Điều này đòi hỏi chất lượng giảng dạy cần phải nâng cao hơn nữa. Khó khăn nhất của người truyền dạy đàn Bầu là, ngoài chuyên môn cao thì phải làm chủ được các kỹ năng diễn tấu, giàu cảm xúc, thẩm mỹ và cũng phải là người nghệ sĩ điêu luyện”, thạc sĩ Nguyễn Văn Vui - giảng viên học viện Âm nhạc Huế chia sẻ.
Bạn Nhật Luýt – người đã có hơn 7 năm theo học bộ môn đàn Bầu của học viện Âm nhạc Quốc gia cho hay: “Học đàn Bầu rất khó! Loại hình âm nhạc này đòi hỏi người học ngoài năng khiếu phải có sự đam mê, cố gắng, chịu khó, bởi nếu không kiên trì thì rất dễ nản. Muốn đạt trình độ chơi đàn Bầu thuần thục phải mất 6-7 năm học và rèn luyện. Điểm đặc thù của đàn Bầu là chỉ có cảm âm, nếu ai không có năng khiếu cảm âm thì không bao giờ học được”.
Tuy nhiên, phía sau niềm đam mê, nuôi dưỡng đàn Bầu vẫn còn đó nỗi trăn trở gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”. Trải qua quá trình học hành công phu, liệu các nhạc công, nghệ sĩ có nuôi sống mình được bằng tiếng đàn Bầu không? Đó cũng là trăn trở, áp lực đối với một sinh viên như bạn Nhật Luýt: “Có thể thấy, nhu cầu chiêm ngưỡng, thưởng thức đàn Bầu hiện nay của mọi người cũng không nhiều, thế nên, ra trường kiếm việc và tự nuôi sống bản thân bằng tiếng đàn Bầu cũng không phải là điều dễ dàng”.
Đừng để đàn Bầu chết mòn
Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam bày tỏ: “Đến bây giờ, chúng ta mới đề xuất đàn Bầu là Di sản văn hóa thế giới thì hơi muộn. Bởi, cây đàn Cổ cầm của Trung Quốc, đàn Koto của Nhật Bản đã đưa từ lâu rồi, vậy tại sao đến bây giờ đàn Bầu của Việt Nam mới đưa ra xét duyệt. Nhưng, tôi tin rằng, nếu mình làm hồ sơ thì sẽ được công nhận ngay thôi, bởi từ lâu thế giới đã biết đến đàn Bầu của Việt Nam rồi.
Vấn đề đặt ra, nếu được công nhận mình phải làm sao để nuôi dưỡng và phát triển đàn Bầu, tránh đi vào “vết xe đổ” của những loại hình âm nhạc được thế giới công nhận rồi bị chết mòn”.
Hà Linh - Phong Linh