Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo

Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo

Thứ 5, 03/01/2013 15:27

Một năm Nhâm Thìn (2012) đầy sóng gió của nhiều quan chức, nhiều nhà lãnh đạo nhà băng ở Việt Nam.

1. Nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines bị bắt giam

Vào ngày  18/5, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Dương Chí Dũng (SN 1957, ngụ ở Q.Đống Đa, Hà Nội), cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Kinh doanh - Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo  Ông Dương Chí Dũng

Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Cũng trong năm 2005, ông Dũng được bổ nhiệm chức chủ tịch Hội đồng quản trị và đến tháng 7/2011 giữ chức chủ tịch Hội đồng thành viên tổng công ty này.
Đầu tháng 2 năm nay, sau khi thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Dũng được điều động sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Cùng ngày 18/5, Bộ GTVT đã ra Quyết định số 1110/QĐ-BGTVT về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Dương Chí Dũng, cục trưởng Cục Hàng hải VN để phục vụ công tác điều tra.

2. Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang mất chức

Ngày 14/3, Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XI đã có thông báo về việc ông Cao Minh Quang – thứ trưởng bộ Y tế – vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm.

Ông Cao Minh Quang đã nhận xét, đánh giá tùy tiện, không mang tính chất xây dựng đối với cán bộ cấp dưới; vi phạm Quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Y tế trong việc gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có nội dung trái với dự thảo Nghị định về quản lý thanh tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm khi đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thống nhất trình Chính phủ; 

Khai nhận học vị tiến sĩ không đúng thực chất văn bằng được cấp theo chương trình đào tạo tại Thụy Điển, cũng như Công văn số 965/SHĐ, ngày 12/02/2001 xác định học vị tương đương tiến sỹ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Với những sai phạm nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang.

3. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư bị miễn nhiệm

Sáng 11/12/2012, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016, các đại biểu đã thống nhất miễn nhiệm chức danh chủ tịch UBND và đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII đối với ông Lữ Ngọc Cư.

Kinh doanh - Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo   (Hình 2).

Trước đó, ngày 14/3/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Lữ Ngọc Cư – phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

Quyết định nói trên được cho là xuất phát từ việc ông Lữ Ngọc Cư đã chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát khảo sát lập dự án trồng cao su tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Ông Lữ Ngọc Cư còn chủ trương giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị – Môi trường tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Quý Cáp, TP Buôn Ma Thuột, đã sử dụng nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ (từ nguồn vốn dự phòng của dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).

Ngoài ra, ông Cư còn dính đến một số vấn đề khác bị cho là những khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và uy tín của cá nhân.

4. Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên bị bắt giam

Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên ông Lại Hữu Lân đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng bị khởi tố với ông Lân còn có ông Nguyễn Xuân Liễn (51 tuổi), nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo.
Tài liệu cơ quan tố tụng cáo buộc, khoảng năm 2006, một doanh nghiệp muốn mua đất tại phường Đồng Tâm (TP Vĩnh Yên) để làm khu đô thị mới. Do không có hộ khẩu tại tỉnh Vĩnh Phúc nên ông này nhờ vợ chồng Dương Đình Tâm và Đặng Thị Huệ đứng tên "xin" hơn 25 ha để “làm trang trại”.

Kinh doanh - Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo   (Hình 3).

Ông Lân - chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên bị cho là đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm “giúp đỡ” doanh nghiệp trên và vợ chồng ông Tâm bằng việc hỗ trợ tìm địa điểm, hoàn thành các thủ tục giao đất.

Biết doanh nghiệp đã lựa chọn được khu đất ưng ý, ông Lân chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục thu hồi đất và giao cho vợ chồng Dương Đình Tâm. Do diện tích đất quá lớn, không thể giao cho cá nhân nên cơ quan này đã “tư vấn” thu hồi đất và giao cho UBND phường Đồng Tâm làm dự án trang trại.
Sau hơn một năm bị khởi tố về tội danh nói trên, ngày 3/5 ông Lân đã bị bắt tạm giam.

5. Một số lãnh đạo các cơ quan khác

Ngày 25-28/12/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 17, xem xét, đề nghị, quyết định thi hành kỷ luật đảng đối với một số tổ chức đảng và đảng viên.

Kinh doanh - Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo   (Hình 4).Ông Lê Bạch Hồng, bí thư Ban cán sự đảng, tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam 

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với ông Nguyễn Huy Ban, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ông Lê Bạch Hồng, bí thư Ban cán sự đảng, tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những sai phạm trong quá trình điều hành.

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Diệp Kỉnh Tần, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Cảnh Việt, Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vì những sai phạm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

6. Nhiều lãnh đạo ngành ngân hàng rơi vào lao lý

Trước hết phải kể đến ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam vào chiều tối 20/8. Việc ông Kiên bị bắt là kết quả của một quá trình dài trước đó ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã mắc phải những sai phạm liên quan đến hành vi "kinh doanh trái phép" tại 3 công ty con do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị. 

Kinh doanh - Nhâm Thìn, năm sóng gió của nhiều nhà lãnh đạo   (Hình 5).
Ông Nguyễn Đức Kiên

Tiếp đó là việc tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải và phó chủ tịch hội đồng quản trị Phạm Trung Cang (EIB) bị truy tố vì gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Tiếp theo, các ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, và ông Trịnh Kim Quang (hai phó chủ tịch) cũng từ nhiệm do có liên quan đến những vụ việc xảy ra tại ngân hàng này.

Cha con ông Đặng Văn Thành - nguyên chủ tịch Ngân hàng Sacombank cũng không tránh khỏi lao lý khi bị cơ quan công an mời lên làm việc chỉ sau ít ngày ông rời ghế chủ tịch ngân hàng này.

Nhìn lại năm Nhâm Thìn có thể thấy, nhiều lãnh đạo đã gặp “vận hạn” và không ít người trong số đó đã “ngã ngựa”.

Tuấn Khanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.